Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Văn học cổ điển Trung Quốc—câu chuyện tình yêu bi thương thịnh hành lâu nay "Tây Sương Ký"
   2009-06-03 17:01:05    cri

Kể đến câu chuyện tình yêu kinh điển của Trung Quốc, người ta luôn nghĩ tới cặp uyên ương—"thư sinh Trương Quân Thụy và tiểu thư Thôi Oanh Oanh", cũng như Hồng Nương chắp mối tơ duyên cho họ. Về sau, Hồng Nương là từ đồng nghĩa với người làm mối. Câu chuyện tình yêu giữa thư sinh Trương Quân Thụy và tiểu thư Thôi Oanh Oanh bắt đầu lưu truyền từ đời Đường Trung Quốc cách đây hơn 1000 năm, cho đến đời Nguyên Trung Quốc cách đây hơn 700 năm, nhà soạn kịch Vương Thực Phủ soạn kịch "Tây Sương Ký" (Truyện ký mái Tây), khiến câu chuyện tình yêu này lưu truyền rộng rãi, trở thành vở kịch ai ai cũng biết ở Trung Quốc. Vở kịch "Tây Sương Ký" được biểu diễn bằng nhiều loại kịch hát, và lúc nào cũng được khán giả hết sức hoan nghênh.

"Tây Sương Ký" kể lại câu chuyện tình yêu tự do của đôi thanh niên nam nữ, phá vỡ những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, vươn lên làm chủ tình yêu. Câu chuyện kể lại thư sinh Trương Quân Thụy và tiểu thư Thôi Oanh Oanh cùng trọ trong chùa có tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dưới sự giúp đỡ của người hầu gái tên là Hồng Nương, hai người gặp nhau ở mái tây, Thôi Oanh Oanh hứa làm vợ Trương Quân Thụy. Sau khi mẹ của Thôi Oanh Oanh biết được chuyện này, nổi cơn lôi đình, không đồng ý cuộc hôn nhân này, còn trách mắng Hồng Nương chắp mối tơ duyên cho họ. Thư sinh Trương Quân Thụy bèn ốm tương tư. Sau đó, chùa đột ngột bị bọn cướp bao vây, thư sinh Trương Quân Thụy viết thư nhờ bạn mình, tướng quân Bạch Mã dẫn quân phá vòng vây của bọn cướp, bảo vệ an toàn hai mẹ con Thôi Oanh Oanh. Nhằm đáp lại ơn cứu mạng của Trương Quân Thụy, mẹ của Thôi Oanh Oanh đồng ý hôn nhân của họ, nhưng lại nêu ra một yêu cầu, bắt Trương Quân Thụy nhất thiết phải vào kinh thi hội, đỗ đạt làm quan mới cho phép Trương Quân Thụy lấy Thôi Oanh Oanh. Trương Quân Thụy đã đồng ý điều kiện này, và cuối cùng đã thi đỗ, lấy được Thôi Oanh Oanh làm vợ. Phần cuối của câu chuyện là một kết thúc có hậu, "hữu tình nhân chung thành quyến thuộc" (hai người yêu nhau sẽ được sống bên nhau).

Trong đời Đường Trung Quốc cách đây hơn 1000 năm, câu chuyện này đã có hình mẫu bước đầu, đến đời Tống, đời Kim được lưu truyền trong phạm vi rộng hơn, một số văn nhân tới tấp cải biên câu chuyện này thành kịch bản kịch hát. Nhà soạn kịch nổi tiếng đời Nguyên Vương Thực Phủ thể theo câu chuyện lưu truyền, cộng thêm phần nội dung sáng tác của mình, cải biên câu chuyện này thành vở Tạp kịch nhiều màn mang tên "Tây Sương Ký". Vở kịch này bày tỏ tư tưởng "nguyện thiên hạ hữu tình nhân đô thành quyến thuộc" (mong những người yêu nhau trong thiên hạ được kết tóc xe tơ), đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc. "Tây Sương Ký" có sức ảnh hưởng lớn nhất trong các vở Tạp kịch đời Nguyên. Về kết cấu, "Tây Sương Ký" phá bỏ kết cấu cố định trước kia, tăng nhiều màn, chuẩn bị đầy đủ cho sự phát triển của câu chuyện. "Tây Sương Ký" với kết cấu 5 màn kể lại câu chuyện đôi thanh niên nam nữ theo đuổi tình yêu và hôn nhân tự do, không những có đề tài mới mẻ, mà còn có nhân vật được xây dựng tinh tế hơn, tình tiết éo le, rung động lòng người hơn, cộng thêm ngôn ngữ tao nhã, hoạt bát, từ đó toát lên sức cuốn hút lạ thường.

"Tây Sương Ký" với những áng văn bất hủ, miêu tả câu chuyện tình yêu hết sức lãng mạn. Lời thoại trong kịch phần lớn là khẩu ngữ thể hiện tính cách rõ nét và phong thái sinh động của các nhân vật. Chẳng hạn, trong phần cuối "Tiễn chân ở Trường Đình" có hai câu hát của Thôi Oanh Oanh như sau: "Bích vân thiên, hoàng hoa địa, tây phong khẩn, bác nhạn nam phi. Hiểu lai thùy nhiễm sương lâm túy? Tổng thị ly nhân lệ." (Tạm dịch là: Trời xanh, mây trắng, hoa vàng tàn rơi rụng, gió tây thét gào, chim nhạn bay về phương nam. Ai đã nhuộm màu đỏ cho lá cây phong? Tất cả các thứ đều làm cho người ta phải rưng rưng nước mắt khi chia tay với người yêu) Ngày nay khi đọc lại những vần thơ thê lương và rất đẹp này, vẫn làm cho người ta càng nghĩ càng thấm thía.

Tư liệu liên quan tới nhà soạn kịch "Tây Sương Ký" Vương Thực Phủ rất ít. Người ta chỉ biết Vương Thực Phủ xuất thân gia đình quan lại, Vương Thực Phủ cũng từng làm quan, năm 40 tuổi, Vương Thực Phủ đã nhậm chức quan cấp tỉnh. Nhưng điều bất ngờ là, Vương Thực Phủ vốn có vận may làm quan lại từ bỏ quan trường, chăm chú tham gia "Ngọc Kinh Thư Hội" do ông tổ Tạp kịch đời Nguyên—nhà soạn kịch Quan Hán Khanh sáng lập, ra vào sân khấu biểu diễn, bắt đầu cuộc đời sáng tác kịch hát của mình.

Vương Thực Phủ cả thảy sáng tác 14 vở Tạp kịch, trong đó "Tây Sương Ký" là tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao nhất. Về các mặt kết cấu, xung đột mâu thuẫn, xây dựng nhân vật, vở kịch "Tây Sương Ký" đều đạt được thành tựu nghệ thuật đỉnh cao, là một tác phẩm xuất sắc rất thích hợp biểu diễn trên sân khấu. Cho đến nay, 700 năm sau, câu chuyện tình yêu bi thương được kể trong vở kịch "Tây Sương Ký" vẫn được biểu diễn bằng các hình thức phong phú như Côn Khúc, Ô-pê-ra v.v., thịnh hành rộng rãi ở Trung Quốc.