Nghe Online
Ngày 28 tháng 5 là Tết Đoan Ngọ, ngày tết truyền thống Trung Quốc. Tết Đoan Ngọ là ngày tết dân gian Trung Quốc rất long trọng, Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ phong tục kỷ niệm nhà thơ yêu nước thời cổ Trung Quốc. Nhiều hoạt động thể hiện phong tục dân gian của Tết Đoan Ngọ như đua thuyền rồng, mang theo túi thơm, ăn bánh chưng v.v. đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Hiện nay, Tết Đoan Ngọ đã được Chính phủ Trung Quốc đưa vào ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
Mồng 5 tháng 5 âm lịch của Trung Quốc là Tết Đoan Ngọ, cũng được gọi là Tết Đoan Dương, Tết Ngũ Nguyệt v.v. Được biết, Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ hoạt động kỷ niệm Khuất Nguyên, nhà thơ yêu nước nhảy xuống sông tự tử cách đây hơn 2000 năm. Thời đó, Trung Quốc đang ở vào thời kỳ Chiến quốc nhiều nước chư hầu phân tranh cát cứ. Khuất Nguyên là người nước Sở, nước Sở nằm ở bờ sông Trường Giang miền nam Trung Quốc, lúc đó đang tranh giành địa vị bá chủ với nước Tần nằm ở miền tây bắc Trung Quốc.
Khuất Nguyên là quý tộc nước Sở, chuyên trách bày mưu hiến kế cho vua, nhưng chủ trương của Khuất Nguyên lại vấp phải sự phản đối của những quan lại thuộc phái bảo thủ. Những quan lại đó thường xuyên nói xấu Khuất Nguyên trước mặt vua Sở, khiến Khuất Nguyên không được trọng dụng. Khuất Nguyên ấp ủ hoài bão cứu nước cứu dân, lại bị những kẻ gian thần bài xích, bị vua nghi ngờ. Với căm phẫn không kiềm chế được, Khuất Nguyên đã viết nhiều bài thơ với những áng thơ bất hủ, bày tỏ hoài bão đóng góp cho đất nước của mình.
Sau đó, Khuất Nguyên bị đi đày đến khu vực sông Mịch La tỉnh Hồ Nam hiện nay, người dân địa phương rất kính trọng Khuất Nguyên. Không lâu sau, Khuất Nguyên được biết tin đô thành nước Sở bị quân đội nước Tần đánh chiếm, nước Sở bị tiêu diệt. Khuất Nguyên hết sức căm phẫn, cuối cùng nhảy sông Mịch La tự tử. Hôm đó là mồng 5 tháng 5 năm 278 trước công nguyên.
Sau khi biết tin Khuất Nguyên tự tử, người dân địa phương tới tấp chèo thuyền đi vớt Khuất Nguyên. Người dân không vớt được xác Khuất Nguyên, bèn thả ống tre trong có gạo xuống sông, họ nghĩ rằng làm như vậy cá sẽ không ăn xác Khuất Nguyên; còn có người rót rượu hùng hoàng xuống sông để xua đuổi cá, bảo vệ xác Khuất Nguyên.
Từ đó, mỗi khi đến mồng 5 tháng 5 hàng năm, nhằm kỷ niệm Khuất Nguyên, người dân lại chèo thuyền trên sông, thả ống tre trong có gạo xuống sông để tế Khuất Nguyên. Sau đó, lễ tế dần dần có sự thay đổi, người dân dùng lá lau sậy gói gạo nếp thành bánh có hình kim tự tháp, tức là bánh chưng thay thế ống tre trong có gạo. Và hoạt động mọi người chèo thuyền trên sông cũng diễn biến thành cuộc đua thuyền rồng sôi nổi.
1 2 |