Lục Du là nhà thơ đời Nam Tống Trung Quốc cách đây hơn 800 năm trước. Lục Du cũng là nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thơ nhất của Trung Quốc, Lục Du tự xưng cả thảy sáng tác 10 nghìn bài thơ trong thời gian 60 năm, tính đến nay để lại hơn 9300 bài thơ. Các bài thơ của Lục Du chứa chan tình cảm yêu nước mãnh liệt. Trong cuộc đời Lục Du cũng trải qua một câu chuyện tình buồn.
Lục Du ra đời trong một gia đình quan lại, ông cha của Lục Du đều từng làm quan lớn, ngay cả chú ruột, anh em của Lục Du cũng nhậm chức quan quan trọng, cảnh nhà sung túc, do vậy Lục Dụ từ thuở nhỏ đã tiếp nhận giáo dục hệ thống. Nhưng vì thời kỳ Nam Tống Trung Quốc tình hình bấp bênh, thường bị kẻ thù bên ngoài xâm phạm, loạn lạc liên tiếp xẩy ra, nên năm 3 tuổi, Lục Du đã đi theo người cha trèo đèo lội suối, sống cuộc sống lánh nạn nay đây mai đó.
Lục Du từ thuở nhỏ đã rất yêu thích học tập, sau khi đi học, Lục Du học làm thơ và viết văn theo thầy giáo và giành được tiến bộ rất nhanh. Năm 12 tuổi, Lục Du đã sáng tác ra những áng thơ hay. Dưới sự giáo dục và hun đúc của tư tưởng yêu nước mãnh liệt của gia đình, Lục Du hình thành tư tưởng lo cho nước lo cho dân. Trong tác phẩm thơ, Lục Du thường bày tỏ hoài bão trục xuất kẻ xâm lược bên ngoài, thu hồi lãnh thổ bị chiếm đóng. Nhằm thực hiện lý tưởng của mình, Lục Du đồng thời còn nghiên cứu binh pháp, tập luyện kiếm thuật, chuẩn bị sẵn sàng ra chiến trường.
Trong nhiều bài thơ Lục Du đã bày tỏ tinh thần hào hùng giết giặc và ý chí căm thù đối với kẻ thù và kẻ bán nước, tác phẩm của Lục Du thường mang theo phong cách hùng mạnh, phóng khoáng, buồn bã, xót xa, chứa chan tình cảm yêu nước mãnh liệt. Nhưng, vì lúc đó triều đình Nam Tống suy yếu, bất lực, Lục Du không thực hiện được hoài bão đóng góp sức mình cho đất nước. Lục Du suốt cuộc đời không bao giờ đổi thay tấm lòng yêu nước, lúc nào cũng lo về công cuộc thống nhất đất nước, thậm chí cả lúc lâm chung. Trong bài thơ cuối cùng, Lục Du dặn con trai mình, khi đến ngày thống nhất đất nước, con nhất định phải đến mộ cha cho biết tin này. Bài thơ chất chứa tâm trạng cam chịu, buồn bã, xót xa của một nhà thơ suốt cuộc đời coi chống lại ngoại xâm, thu hồi lãnh thổ bị chiếm đóng là nhiệm vụ của mình. Cuối cùng, Lục Du đã qua đời trong tình cảm buồn giận. Các bài thơ thể hiện tình cảm yêu nước của Lục Du có ảnh hưởng sâu xa đối với đời sau, mỗi khi đất nước Trung Hoa lâm vào cảnh nguy nan, các bài thơ của Lục Du luôn luôn trở thành sức mạnh tinh thần cổ vũ nhân dân chống lại bọn ngoại xâm.
Nhà thơ Lục Du không chỉ có tình cảm hào hùng yêu nước, còn trải qua một câu chuyện tình buồn. Năm 20 tuổi, Lục Du đã lấy Đường Uyển, người yêu từ lúc thơ ấu làm vợ, nhưng tài hoa của Đường Uyển và tình cảm thân mật giữa Đường Uyển với Lục Du khiến mẹ của Lục Du không hài lòng. Người mẹ của Lục Du cuối cùng đã làm cho đôi vợ chồng đành phải chia tay.
Vài năm sau, đôi tình nhân này tình cờ gặp nhau khi du ngoạn công viên. Lục Du bèn viết một bài từ trên tường công viên, bày tỏ tình cảm tương tư và buồn bã lúc đó, rồi rời khỏi công viên một cách buồn thảm. Sau khi đọc được bài từ này, Đường Uyển cũng sáng tác một bài từ chứa chan tình cảm ai oán để trả lời bài từ của Lục Du. Ít lâu sau, Đường Uyển qua đời trong tình cảm buồn bã, sầu muộn. Hai bài từ này đều được viết trên bức tường của công viên, trở thành vật chứng kiến tình yêu buồn sầu giữa Lục Du và Đường Uyển.
Sau đó, Lục Du lên miền bắc chống giặc, rồi lại nhậm chức quan ở nhiều địa phương. Cuộc đời đầy sóng gió vài chục năm vẫn không làm phai mờ tình cảm quyến luyến của Lục Du đối với Đường Uyển. Năm 67 tuổi, Lục Du đi du ngoạn công viên ngày xưa, khi nhìn thấy bức tường bị phá hoại trên có bài từ của mình, tuy nét chữ đã phai mờ sau 40 năm, nhưng Lục Du vẫn dạt dào cảm xúc, không cầm được nước mắt. Trong những năm cuối đời, Lục Du cư trú ở nơi từng gặp mặt với Đường Uyển, mỗi khi có cảm xúc thì viết thơ kỷ niệm. Chuyện này đã chứng minh tình cảm trung thành, nỗi nhớ sâu sắc của Lục Du đối với Đường Uyển. Tình yêu giữa Lục Du và Đường Uyển cũng như hai bài từ của họ trả lời cho nhau đã trở thành giai thoại trong lịch sử văn học Trung Quốc. |