Tân Khí Tật là nhà thơ và nhà yêu nước vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc. Tân Khí Tật là nhà thơ trường phái "Phóng khoáng", được tôn vinh là "Nhân trung chi kiệt, từ trung chi long", nghĩa là người xuất sắc và nhà thơ giỏi, còn có người cho rằng Từ của Tân Khí Tật đánh dấu thành tựu cao nhất của Từ đời Tống.
Từ đời Tống cũng được gọi là "Trường đoản cú" (câu dài và câu ngắn), là một thể tài thơ bày tỏ tư tưởng và tình cảm, có thể phổ nhạc để hát. Theo phong cách, từ được chia thành hai trường phái "Uyển ước" và "Phóng khoáng". Trường phái "Phóng khoáng" có đặc điểm là: tầm mắt sáng tác tương đối rộng mở, khí thế hoành tráng, nói hết nỗi lòng.
Tân Khí Tật là một trong những nhà thơ tiêu biểu quan trọng nhất của trường phái "Phóng khoáng". Tân Khí Tật sinh sống trong thời kỳ Nam Tống cách đây hơn 800 năm, thời kỳ đó mâu thuẫn và xung đột giữa các dân tộc Trung Hoa tương đối gay gắt. Tân Khí Tật tính tình cương quyết, vì bất bình đối với sự áp bức và kỳ thị đến từ bên ngoài, thời thơ ấu Tân Khí Tật đã quyết chí phải làm nên sự nghiệp. Năm hơn 20 tuổi, Tân Khí Tật tham gia quân khởi nghĩa, rồi đi nhờ vả triều đình Nam Tống hài lòng với tình trạng giữ yên ổn ở miền nam. Tân Khí Tật suốt đời dốc sức tham gia các cuộc đấu tranh quân sự và chính trị nhằm thu hồi lãnh thổ. Sự từng trải đời sống này đã ảnh hưởng sâu sắc tới phong cách sáng tác Từ của Tân Khí Tật, đề tài quân sự trở thành nội dung chính trong tác phẩm Tân Khí Tật.
Các tác phẩm từ của Tân Khí Tật thể hiện tính tình dũng cảm, hào hùng và tự tin của người tòng quân. Chẳng hạn, các câu thơ như "Yếu vãn ngân hà tiên lãng, tây bắc tẩy hồ sa", "Đạo nam nhi đáo tử tâm như thiết, khám thử thủ, bổ thiên liệt", thể hiện khí phách hiên ngang. Câu thơ "Thanh sơn già bất trú, tất cánh đông lưu khứ", là lời dự đoán thể hiện ý chí chiến đấu của Tân Khí Tật, qua câu thơ này độc giả có thể thấy rõ nguyện vọng mạnh mẽ và niềm tin chắc chắn thành công về thu hồi lãnh thổ của Tân Khí Tật.
Sau khi đến nhờ vả triều đình Nam Tống, Tân Khí Tật gặp phải nhiều trắc trở trên con đường làm quan, Tân Khí Tật nhiều lần được thăng quan tiến chức, lại nhiều lần bị giáng chức, làm cho Tân Khí Tật có khi nhen nhóm hy vọng trở về quê hương, có khi lại cảm thấy hy vọng bị tan vỡ, khó mà thực hiện được hoài bão. Thực lực yếu đuối và chính trị đen tối của triều đình Nam Tống làm cho Tân Khí Tật cảm thấy hết sức thất vọng. Những câu thơ như "Tà dương chính tại, yên liễu đoạn trường xứ", "Giang đầu phong nộ, triều lại ba lãng phiên ốc", phản ánh Tân Khí Tật buộc phải giữ thái độ cam chịu trước hiện thực, bày tỏ tình cảm căm phẫn đối với việc mình không thể đóng góp cho đất nước.
Chữ "sầu" chiếm tỷ lệ rất lớn trong các tác phẩm từ của Tân Khí Tật, cũng phản ánh tâm lý mâu thuẫn của Tân Khí Tật. Vì không thể góp phần mình cho đất nước, không biết ngày tháng nào mới có thể thu hồi lãnh thổ, Tân Khí Tật không có việc gì mà làm, đành phải quanh quẩn ở nhà gần 20 năm, trải qua từ tuổi tráng niên đến tuổi già, cùng với tóc trắng ngày càng nhiều thêm, Tân Khí Tật chỉ có thể than thở, do vậy từ của Tân Khí Tật thể hiện phong cách bi thương trên mức nhất định. Chẳng hạn: "Thiếu niên bất tri sầu tư vị, ái thượng tầng lâu, vị phú tân từ cường thuyết sầu". Nghĩa là, sau khi gặp phải nhiều trắc trở, nhiều khó khăn, có các cảm nhận về sầu muộn, nhà thơ nhìn lại sự từng trải tuổi thiếu niên, không nín được cười vì chuyện ngây thơ thời đó. Nhà thơ viết tiếp: "Nhi kim thức tận sầu tư vị, dục thuyết hoàn hưu, khước đạo 'Thiên lương hảo cá thu'!" Chứng kiến hiện trạng chính trị quốc gia, nhiều chuyện rất khó nói thẳng ra, Tân Khí Tật đành phải nói những chuyện khác, "Thiên lương hảo cá thu" là một câu than thở sâu sắc, chứa tình cảm bất mãn mạnh mẽ đối với triều đình Nam Tống.
Ngoài ra, Tân Khí Tật còn sáng tác nhiều tác phẩm phản ánh cuộc sống thôn quê. Chẳng hạn: "Tối hỷ tiểu nhi vô lại, khê đầu ngọa bóc liên bồng" (tạm dịch là: Tôi thích nhất cảnh đứa bé nằm ở bờ suối bóc đài sen), vui thú điền viên đã được miêu tả sinh động trước mắt độc giả. Còn cầu "Thất bát cá tinh thiên ngoại, lưỡng tam điểm vũ sơn tiền" giống như một bức tranh thủy mặc, phản ánh tâm trạng thảnh thơi, thoải mái, tự nhiên của nhà thơ, thể hiện phong cách khác của nhà thơ ngoài phong cách buồn bã, xót xa và bi thương.
Tân Khí Tật là anh hùng giỏi về chinh chiến và am hiểu quân sự, cũng là một nhà thơ vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc. Tân Khí Tật sáng tác nhiều tác phẩm có khí thế hoành tráng. Với học thức uyên bác, tài hoa hơn người, Tân Khí Tật đã đổi thay phong cách thơ ca nản lòng nhụt chí, mở ra không gian sáng tác thơ và từ rộng lớn hơn. Tân Khí Tật đã đưa từ đời Tống lên đỉnh cao chưa từng có, và xác định vị trí bất hủ của mình trong lịch sử phát triển của từ đời Tống. |