Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Văn học cổ điển Trung Quốc: Vương An Thạch—nhà chính trị và nhà văn đời Bắc Tống
   2009-04-22 14:54:47    cri

Vương An Thạch là nhà chính trị và nhà văn đời Bắc Tống (từ năm 960 đến năm 1127) Trung Quốc.

Vương An Thạch (từ năm 1021 đến năm 1086) là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà cải cách xuất sắc đời Bắc Tống, là một trong 8 nhà văn cự phách về viết tản văn đời Đường và Tống. Vương An Thạch ra đời trong một gia đình quan lại nhỏ, từ thuở bé Vương An Thạch đã rất thích đọc sách, có trí nhớ tốt, tiếp nhận giáo dục hệ thống. Năm 21 tuổi, Vương An Thạch thi đỗ Tiến sĩ, lần lượt làm quan ở địa phương và trong triều đình, cuối cùng được bổ nhiệm chức Tể tướng. Sự từng trải làm quan nhiều năm ở địa phương khiến Vương An Thạch nhận thức được muốn thực hiện mục tiêu nước giàu có, quân đội mạnh, thì cần phải cải cách chế độ. Vương An Thạch trình thư lên vua, yêu cầu cải cách toàn diện chế độ được thực thi từ những năm đầu đời Tống, để xoay chuyển cục diện nghèo khó trong nước. Vương An Thạch đã ấn định hàng loạt biện pháp mới cải cách nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp, cả nông thôn lẫn thành thị đều dấy lên phong trào cải cách xã hội rộng rãi, sự kiện này được gọi là "Vương An Thạch biến pháp" trong lịch sử. Vương An Thạch được thế hệ sau tôn vinh là "nhà cải cách vĩ đại nhất thế kỷ 11 Trung Quốc".

Vương An Thạch không những là một nhà chính trị và nhà tư tưởng xuất sắc, mà còn là một nhà văn xuất sắc. Nhằm thực hiện hoài bão chính trị, Vương An Thạch đã kết hợp chặt chẽ sáng tác văn học và hoạt động chính trị, nhấn mạnh vai trò trước tiên của văn học là phục vụ xã hội. Vì có trình độ học vấn cao, chủ trương chính trị của Vương An Thạch mới nhận được sự coi trọng của triều đình.

Về mặt sáng tác văn học, Vương An Thạch phản đối văn phong sáo rỗng, cho rằng tác phẩm văn học phải thích hợp với đời sống xã hội, đóng vai trò hướng dẫn tích cực đối với xã hội, không cần sử dụng từ ngữ hoa lệ. Phần lớn tác phẩm của Vương An Thạch phơi trần tệ nạn xã hội, phản ánh mâu thuẫn xã hội, mang đậm màu sắc chính trị.

Tản văn của Vương An Thạch có phong cách hùng mạnh, ngắn gọn, phần lớn là thể loại bình luận, trình bày nhận xét và chủ trương chính trị, phục vụ cho việc cải cách chế độ. Những bài văn này nhằm vào vấn đề chính trị hoặc xã hội, có quan điểm rõ ràng, phân tích sâu sắc. "Thượng Nhân Hoàng Đế ngôn sự thư" là thư trình lên vua yêu cầu cải cách, là tác phẩm tiêu biểu chủ trương cải cách xã hội của Vương An Thạch, thông qua phân tích sâu sắc tình hình khó khăn trong và ngoài nước đặt trước triều đình Bắc Tống, Vương An Thạch nêu ra chủ trương cải cách hoàn chỉnh. Bài văn khác nhan đề "Bản triều bách niên vô sự trát tử", vừa kể lại và giải thích tình hình và nguyên nhân xã hội bình yên vô sự trong hơn 100 năm đầu đời Bắc Tống, vừa vạch trần sâu sắc vấn đề xã hội tồn tại, mong vua giành thành tích về cải cách chính trị. Dù khổ dài hay ngắn, các bài bình luận chính trị của Vương An Thạch đều có kết cấu chặt chẽ, nhận xét độc đáo, trình bày lý lẽ rất rõ ràng, ngôn ngữ giản dị, điêu luyện, mang tính khái quát và lô-gíc. Điều này đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy cải cách và củng cố thành quả của phong trào đổi mới thơ văn đời Bắc Tống. Những tiểu phẩm của Vương An Thạch rất nổi tiếng, giàu sức mạnh và tình cảm.

Tản văn du ngoạn non nước của Vương An Thạch có phong cách ngắn gọn, vừa ghi lại quá trình du ngoạn, vừa trình bày lý lẽ, kết hợp cả hai mặt này một cách chặt chẽ và tự nhiên, khiến lý lẽ trừu tượng trở thành sinh động và hình tượng, khiến sự việc đơn giản thể hiện lên tư tưởng sâu sắc, hàng văn có kết cấu linh hoạt.

Vương An Thạch không những giành được thành tích trong lĩnh vực chính trị, mà còn để lại nhiều tác phẩm văn học như thơ, tản văn, từ v.v. cho đời sau, xứng đáng là một nhà chính trị và nhà văn trong lịch sử Trung Quốc.