Nghe Online
Cuối triều nhà Tùy, do phu dịch và binh dịch quá nặng nề, dân chúng vì quá khổ cực đều tới tấp vùng lên phản kháng, trong cuộc chiến tranh phản Tùy này, các đạo quân khởi nghĩa đã đẩy ách thống trị của triều nhà Tùy đến bờ vực sụp đổ. Thái Nguyên - một miền đất quan trọng và là nơi giành giật của nhà binh tại Hà Đông. Nhằm đàn áp phong trào khởi nghĩa của nông dân, Tùy Thang Vương đã bổ nhiệm Đường quốc công Lý Uyên làm Tuyên úy đại sứ Hà Đông, dẫn quân ra trấn thủ ở Thái Nguyên. Sau khi đến nhậm chức, Lý Uyên tự biết mình không đủ sức trấn áp quân khởi nghĩa, mặt khác Tùy Thang Vương là người rất đố kỵ, tình hình chính sự lúc bấy giờ lại rất nhiễu loạn, bản thân mình cũng khó bảo toàn được tính mạng. Hơn nữa, có khá nhiều người mà đứng đầu là Bùi Thúc đều khuyên ông nên khởi binh làm phản, cuối cùng ông mới hạ quyết tâm phản lại nhà Tùy. Trước hết, ông cử Lý Thế Dân, Lưu Văn Tĩnh, Trường Tôn Thần Đức v v, đi các nơi chiêu mộ binh mã, cả thảy được hơn 10 nghìn người. Cùng năm, Lý Uyên tổ chức lễ ăn thề, rồi tuyên bố chính thức khởi nghĩa. Ông một mặt cử Lưu Văn Tĩnh xuất sứ Đột Quyết, thỉnh cầu vua nước này khởi binh chi viện, mặt khác chiêu mộ thêm binh mã rồi tiến quân xuống miền nam. Bấy giờ, quân Ngõa Cương đang kịch chiến với Vương Thế Xung ở Lạc Dương. Lý Uyên đã nhân cơ hội này đánh chiếm Quan Trung và Tràng An. Năm sau, Lý Uyên diệt trừ Dương Hựu rồi tự lập làm vua, dựng nên triều nhà Đường.
Cùng lúc với việc Lý Uyên chiếmTràng An, trừ quân Ngõa Cương ra, đạo quân khởi nghĩa Hà Bắc của Đậu Kiến Đức và đạo quân Giang Hoài của Đỗ Phục Uy cũng đang tiến đánh quân Tùy ở các nơi. Năm đại nghiệp thứ 14, Tùy Thang Vương bị giết, đông đô Lạc Dương rơi vào tay Dương Đồng và đại thần Vương Thế Xung. Vương Thế Xung lập Dương Đồng lên làm vua, rồi núp dưới chiêu bài triều nhà Tùy điên cuồng trấn áp quân khởi nghĩa. Năm Võ Đức thứ 2, Vương Thế Xung đánh bại quân Ngõa Cương, đoạt được chính quyền và đổi quốc hiệu là Trịnh. Lý Thế Dân con trai thứ của Lý Uyên là một người thiện chiến và có tài năng về mặt lãnh đạo.
Khi Lý Thế Dân dẫn quân ra cửa ải, các châu quận ở Hà Nam đều tới tấp quy hàng, nên đã nhanh chóng bao vây Lạc Dương, rồi ngày đêm công thành, nhưng vì thành Lạc Dương rất kiên cố, binh lính đã tỏ ra mệt mỏi và chán nản, Lý Thế Dân khích lệ các tướng sĩ rằng: "Chúng ta đã tới đây thì phải chung sức chung lòng, các châu ở phía đông hiện đã lần lượt đầu hàng, chỉ còn có mỗi thành Lạc Dương này mà thôi, nay xem ra chúng cũng chẳng cố thủ được bao lâu nữa, thắng lợi đang trong tầm tay, chúng ta cớ sao lại có thể bỏ dở được". Trong khi Vương Thế Xung đang trong cơn nguy cấp, hơn 10 nghìn quân Hà Bắc do Đậu Kiến Đức lãnh đạo ban đầu cũng chỉ tọa sơn quan hổ đấu chứ không đến cứu viện, sau thấy quân của Vương Thế Xung bị đánh bại thảm hại, mới chịu đứng ra dàn xếp. Đậu Kiến Đức viết thư sang khuyên Lý Thế Dân hãy rút về Đồng Quan để giảng hòa, Lý Thế Dân không chịu, rồi cùng các tướng bàn cách đối phó với Đậu Kiến Đức.
Tiết Thu- thuộc hạ của Lý Thế Dân cho rằng, Vương Thế Xung hiện chỉ thiếu mỗi lương thực mà thôi, một khi họ được tiếp tế thì việc thắng thua thật khó lường, chi bằng trong khi ta vây khốn thành Lạc Dương, Tần vương nên thân trinh dẫn tinh binh đánh chiếm Hổ Lao Quan, làm rối loạn hậu phương của Đậu Kiến Đức thì chúng tất bị thất bại. Lý Thế Dân thuận theo kế này, liền dẫn kỵ binh tinh nhuệ thẳng tiến về Hổ Lao Quan. Vậy là chiến dịch Hổ Lao Quan nổi tiếng trong lịch sử chính thức mở màn. Năm Võ Đức thứ 3, Lý Thế Dân dẫn quân đến Hổ Lao Quan, trước tiên cắt đứt đường vận lương của quân Hạ, khiến Đậu Kiến Đức đành phải đào hào đắp lũy để cố thủ, lâu ngày rồi binh lính tỏ ra chán nản, có rất nhiều người đã chạy trốn. Lý Thế Dân dùng kế thả hơn nghìn con ngựa ở bờ bắc sông Hoàng Hà, để tạo giả tượng khiến Đậu Kiến Đức lầm tưởng quân Đường đã dùng hết lương thảo, sau đó lén về Hổ Lao Quan đốc chiến.
Đậu Kiến Đức quả nhiên mắc mưu, liền hạ lệnh xuất quân ra bày thành trận thế, nhưng đợi mãi đến trưa mà vẫn chẳng thấy quân nhà Đường ra ứng chiến. Nguyên là Lý Thế Dân dùng kế đợi tới khi quân Hạ đã sụt giảm khí thế và tỏ ra rất mệt mỏi, sau đó mới ra lệnh cho toàn quân đánh tràn sang như thác đổ triều dâng, Đậu Kiến Đức bị bắt sống, Vương Thế Xung ở Lạc Dương bị cô lập đành phải mở cửa thành ra xin đầu hàng. |