Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Nhà văn lo cho nước lo cho dân đời Bắc Tống Phạm Trọng Yêm cùng tác phẩm "Nhạc Dương Lầu ký"
   2009-04-15 17:21:58    CRIonline

Phạm Trọng Yêm là nhà văn lo cho nước lo cho dân đời Bắc Tống (từ năm 960 đến năm 1127).

Thưở nhỏ Phạm Trọng Yêm (từ năm 989 đến năm 1052) sống cuộc sống nghèo túng lẻ loi, do mẹ ghẻ nuôi nấng trưởng thành. Mặc dù cuộc sống nghèo khó, nhưng từ thuở bé Phạm Trọng Yêm đã học tập rất chăm chỉ. Nhằm khuyến khích bản thân, Phạm Trọng Yêm thường đi ngủ nhờ và đọc sách ở chùa trên núi lân cận. Lúc đó, Phạm Trọng Yêm sống cuộc sống cực kỳ gian nan, mỗi ngày chỉ có thể nấu một nồi cháo đặc, sau khi cháo nguội Phạm Trọng Yêm cắt cháo thành bốn miếng, sáng lấy hai miếng, tối lấy hai miếng, ăn cùng với vài cọng rau muối và nửa bát dấm, ăn xong lại tiếp tục đọc sách. Bất chấp cuộc sống nghèo khó, Phạm Trọng Yêm dốc toàn bộ sức lực vào việc tìm kiếm niềm vui qua đọc sách.

Sau nhiều năm chăm chỉ học tập, năm 26 tuổi Phạm Trọng Yêm thi đỗ Tiến sĩ. Khi làm quan, Phạm Trọng Yêm coi sự việc thiên hạ là trách nhiệm của mình, mạnh dạn can gián, từng nhiều lần trình thư phê phán Tể tướng thời đó, cho nên Phạm Trọng Yêm bị giáng chức 3 lần. Phạm Trọng Yêm từng được bổ nhiệm chức quan Tham Chi Chính Sự, tương đương phó Tể tướng. Phạm Trọng Yêm hết sức bất bình trước hiện tượng tham nhũng lúc đó, chủ trương xây dựng chế độ quan lại có kỷ luật nghiêm minh, Phạm Trọng Yêm chú trọng nông nghiệp và nghề nuôi tằm, thúc đẩy quản lý bằng pháp luật, giảm thiểu sưu dịch. Điều đáng tiếc là vì phái bảo thủ phản đối, các chủ trương của Phạm Trọng Yêm không thực hiện được, sau đó Phạm Trọng Yêm bị giáng chức và qua đời vì ốm nặng trên đường đi nhậm chức.

Phạm Trọng Yêm giỏi về sáng tác thơ, từ và tản văn, tác phẩm của Phạm Trọng Yêm có tư tưởng chính trị, lời văn chau chuốt, phong cách phóng khoáng. "Nhạc Dương Lầu ký" là tác phẩm tiêu biểu của Phạm Trọng Yêm lưu truyền đến đời sau và được đánh giá cao, cũng là một bức tranh khắc họa tấm lòng yêu nước suốt đời của Phạm Trọng Yêm.

Bài "Nhạc Dương Lầu ký" được sáng tác vào lúc Phạm Trọng Yêm bị giáng chức và đang làm chức quan nhỏ ở địa phương. Lúc đó lầu Nhạc Dương đang được tu sửa lại, nhận lời mời của bạn thân, Phạm Trọng Yêm viết bài với chủ đề lầu Nhạc Dương. Đứng trước bức tranh lầu Nhạc Dương, Phạm Trọng Yêm chăm chú suy nghĩ và tưởng tượng. Bài văn viết rằng, cái đẹp nhất của lầu Nhạc Dương là hồ Động Đình rộng mênh mông. Ở chỗ xa hồ Động Đình giáp với núi xanh, ở chỗ gần hồ Động Đình chảy vào sông Trường Giang, buổi sáng ánh nắng che phủ mặt hồ, chập tối sương mù nổi dậy từ hồ, phong cảnh hết sức tươi đẹp. Nếu lên lầu ngắm xa trong thời tiết sương mù, người ta thường nẩy sinh những lời than thở về nỗi nhớ quê hương vì ở nơi đất khách quê người, và nảy sinh cảm giác lo bị người khác gièm pha và chế giễu, cảm thấy hết sức đau buồn; nếu lên lầu Nhạc Dương trong thời tiết trời quang mây tạnh mùa xuân, thì sẽ cảm thấy vui vẻ thoải mái, quên hết các sự việc vui mừng và bất bình, thưởng thức rượu ngon khi đứng trước cảnh đẹp, trong lòng dạt dào niềm vui. Những điều nói trên là cái đẹp của phong cảnh lầu Nhạc Dương.

Phạm Trọng Yêm không chỉ bày tỏ tình cảm khi thưởng thức cảnh đẹp, mà còn nêu ra nhận xét đầy triết lý sâu sắc sau khi miêu tả phong cảnh tươi đep của hồ Động Đình và tâm trạng thưởng thức cảnh đẹp của bậc tiền bối, từ đó hun đúc một lý tưởng cao cả để khuyến khích bản thân và những người bạn bị giáng chức như mình, đồng thời cũng gợi ý và giáo dục đời sau. Do vậy Phạm Trọng Yêm cầm bút viết rằng: sự khác biệt của chí sĩ thương dân yêu nước so với người tầm thường là chí sĩ không thay đổi tình cảm mình theo phong cảnh một cách dễ dàng, "bất dĩ vật hỷ, bất dĩ kỷ bi". Khi được thăng chức, phát tài, họ không hí hửng đắc ý; khi bị vận rủi, sống nghèo khó, họ không âu sầu ủ dột. "Cư miếu đường chi cao, tắc ưu kỳ dân; xử giang hồ chi viễn, tắc ưu kỳ quân", có nghĩa là, nếu nhậm chức quan cao, thì phải tìm cách giải quyết nỗi lo cho dân; nếu làm người dân bình thường, thì vẫn phải nhớ rằng cần phải chia sẻ nỗi lo với vua chúa. Tức là làm quan phải lo cho nước, làm người bình thường cũng phải lo cho nước. Nếu có người hỏi: sống cuộc sống như vậy, ngày nào cũng lo cho nước lo cho dân, thì khi nào mới thấy vui mừng thoải mái? Sự trả lời của Phạm Trọng Yêm là: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc!" Nghĩa là, người trí thức lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.

Sở dĩ "Nhạc Dương Lầu ký" rất nổi tiếng không chỉ vì bài văn có ngôn ngữ sinh động, đối ngẫu hay, mà còn có tư tưởng cao cả. "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" là chuẩn tắc hành vi suốt cuộc đời của Phạm Trọng Yêm. Tinh thần chăm chỉ, thẳng thắn, lo cho nước lo cho dân của Phạm Trọng Yêm đã cổ vũ các thế hệ người Trung Quốc. Tư tưởng "Lo trước vui sau" và khí tiết của chí sĩ thương dân yêu nước do Phạm Trọng Yêm đề xướng đã trở thành đạo đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa, ảnh hưởng tới đời sau một cách sâu rộng, trở thành của cải tinh thần quý báu của dân tộc Trung Hoa.