Nghe Online
Trước tình hình miền bắc nhiễu loạn, vương triều Nam Trần tạm thời có một cục diện bình ổn. Triều nhà Trần từ khi Võ Đế dựng nước, thiên hạ dần dần trở nên yên ổn, được gọi là miền đất trù phú ở Giang Nam. Nam Bắc triều lại ở vào một thời kỳ cát cứ lớn trong lịch sử Trung Quốc. So với thời Xuân Thu Chiến Quốc, thì nhà vua đã mất hết tư duy cải cách và chí tiến thủ, vua tôi hoặc chú trọng tìm thú vui, hoặc thừa cơ hưởng lạc, say sưa trước cảnh tượng anh ca yến vũ, chính trị hủ bại càng làm tăng thêm sự tranh quyền đoạt lợi trong nội bộ cung đình, và anh em trong hoàng tộc tương tàn lẫn nhau. Ai lên làm vua cũng đều đắm chìm trong tửu sắc, mỹ nữ từng đàn.
Trần Thúc Bảo là ông vua cuối cùng của Nam triều, sau khi lên ngôi chỉ ngập trong tửu sắc, ngâm vịnh. Bước sang năm thứ 3 sau khi lên ngôi, khi nhà nước còn chưa đứng vững, mà ông đã cho xây 3 ngôi lầu các là Lân Xuân, Kết Kỳ và Vọng Tiên rất tráng lệ ở trước điện Chiếu Quang, cánh cửa và cửa sổ đều làm bằng gỗ trầm hương và gỗ đàn hương, trong lầu trang hoàng toàn bằng vàng ngọc châu báu, khoản chi phí khổng lồ xây cung điện hoa lệ này đều rơi vào đầu đám dân đen, nhiều khoản thuế cứ nối tiếp nhau ra đời, thu phạt vô tội vạ đã dẫn đến lạm dụng hình phạt, khiến nhà giam chật ních những phạm nhân.
Đô quan Thượng thư Khổng Phạm là một trong những người được Trần Thúc Bảo tin cậy nhất, hắn biết rất rõ Trần Thúc Bảo không muốn nghe thấy những lời chỉ trích đối với lỗi lầm của mình, nên mỗi khi có thư của các đại thần dâng lên, hắn liền tìm đủ mọi cớ rồi gửi trả lại. Khổng Phạm khua môi múa mép khen những lỗi lầm của Trần Hậu Chủ là đạo đức tốt đẹp, những lời nói mỹ miều này khiến Trần Thúc Bảo bay bổng như tiên, khen ngợi không ngới lời và càng thêm tin dùng Khổng Phạm.
Trần Thúc Bảo sống cuộc đời xa hoa trụy lạc, nhà vua suốt ngày cùng các phi tần, quan văn du ngoạn yến ẩm, không hề quan tâm tới chính sự. Quý phi Trương Lệ Hoa là người được Trần Thúc Bảo yêu chiều nhất, nhà vua suốt ngày ôm nàng ngồi trên gối "Cùng bàn việc lớn nhà nước". Trương Lệ Hoa ngoài có tài biện luận và nhớ dai, còn giỏi về việc nhìn sắc mặt là biết ý chủ nhân, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều biết trước, sau đó mới tâu với hậu chủ rồi cùng nhà vua bàn cách giải quyết. Các đại thần có ý kiến bất đồng liền bị bôi nhọ, gièm pha. Trương quý phi nói gì nhà vua làm vậy, do đó các hoạn quan và thị vệ trong triều đều câu kết với Trương Lệ Hoa.
Trong khi Trần hậu chủ cùng đám phi tần và quan văn đắm chìm trong ca múa tửu sắc, thì tai nạn tày trời dần dần giáng xuống. Năm 587 công nguyên, Tùy Văn Đế sau khi bình định xong sự xâm lấn của Đột Quyết, bèn bắt tay vào việc chuẩn bị tiêu diệt nước Trần, nhà vua ra lệnh cho đóng nhiều chiến thuyền trên thượng du thành Kiến Khang, để chờ thời cơ xuôi dòng tiến sang phía đông.
Triều đình nhà Trần đang run rẩy trước sự đe dọa của quân Tùy, duy có Trần hậu chủ là vẫn ăn chơi phè phỡn như xưa, nhà vua lòng dạ thấp thỏm không yên, đêm ngủ thường giật mình tỉnh giấc vì cơn ác mộng, nên muốn học các đời vua trước cắt tóc đi tu để chuộc lại lỗi lầm của mình, mới cho xây một ngôi chùa phật cao 7 tầng ngay trong thành Kiến Khang, để cầu nguyện phật linh phù hộ. Thế nhưng bảo tháp 7 tầng còn chưa xây xong liền bị một trận hỏa hoạn thiêu cháy sạch, đám cháy lớn lan khắp cả kinh thành, dân chúng đều bị liên lụy. Đứng trước cảnh tượng kinh thành trong biển lửa ngút trời, Trần Thúc Bảo ứa lệ ngửa mặt than rằng: "Đây chính là trời muốn giết ta".
Khi quân Tùy đánh vào hoàng cung, các quan văn võ trong triều mạnh ai người nấy chạy, nhưng chẳng thấy bóng hậu chủ đâu. Thì ra, nhà vua đã kéo theo Trương quý phi và Khổng quý phi chạy vội ra phía sau điện Cảnh Dương, khi thấy một chiếc giếng cạn liền nhảy xuống nấp trong đó. Về sau, quân Tùy bắt được mấy tên thái giám mới biết được nơi ẩn náu của hậu chủ.
Vậy là Triều nhà Trần-một triều đại cuối cùng của Nam triều đã bị diệt vong. Trung Quốc kể từ khi triều Tây Tấn bị diệt vong vào năm 316 công nguyên, trải qua hơn 270 năm chia cắt lại đi đến thống nhất. |