Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  "Văn kê khởi vũ, Trung lưu kích tiếp"
   2009-02-09 16:54:27    CRIonline

Nghe Online

Có nghĩa là nghe tiếng gà gáy thì dậy tập võ, gõ mái chèo vào mạn thuyền đang đi trên dòng nước.

Trong thời kỳ vương triều Tây Tấn đoản mệnh, chiến tranh xảy ra liên miên, biến Hoa Hạ thành một cảnh đau thương tang tóc, khiến Hung Nô ở phương bắc càng thêm ngăm nghe nhòm ngó tới mảnh đất phì nhiêu và trù phú này. Chúng thấy thời cơ đã tới, bèn khởi binh đốt phá cướp bóc, chiếm thành đoạt đất ở các vùng miền bắc, nạn thù trong giặc ngoài khiến vương triều Tây Tấn càng thêm kiệt quệ, dân chúng không có một ngày nào được yên thân. Khi đất nước đang lung lay trong cơn bão táp này, có một số tướng sĩ đầy nhiệt huyết vẫn kiên trì trấn thủ ở miền bắc, Lưu Côn là một người nổi bật nhất trong số này. Lưu Côn từ nhỏ đã chăm học và luyện võ. Thời ông và bạn học tên là Tổ Địch cùng làm Chủ bộ ở Tư Châu, hai người thường nằm ngủ một nơi cùng bàn việc cứu nước. Một hôm, trời vừa rạng sáng, Tổ Địch đánh thức Lưu Côn dậy cùng tập võ, rồi từ đó mỗi khi nghe tiếng gà gáy là họ thức dậy miệt mài khổ luyện, về sau hai người đều trở thành danh tướng của triều nhà Tấn, anh dũng tiêu diệt giặc nhằm thu phục Trung Nguyên. Tinh thần "Văn kê khởi vũ" của họ đã khích lệ người đời sau.

Năm 308 công nguyên, Tấn Hoài Đế phong Lưu Côn làm thứ sử Bính Châu, ông dẫn hơn nghìn binh lính xông pha trận mạc, vượt bao khó khăn mới tới được Tấn Dương. Nhưng thành Tấn Dương lúc này chỉ còn là đống gạch vụn, xác chết ngổn ngang, dân chúng lưu li thất sở, cảnh tượng vô cùng thê lương, ông bèn chỉ huy quân lính tu sửa thành trì , nhà cửa, chôn lấp xác chết, triệu tập dân chúng khai hoang trồng cấy. Ông thân chinh cùng binh sĩ giữ vững thành trì, khiến quân Hung Nô không tiến được một bước, dân chúng Tấn Dương được an cư lạc nghiệp. Ông còn dùng kế ly gián làm tan rã đội ngũ quân địch, có hơn 10 nghìn quân Hung Nô đã xin đầu hàng ông, nên ông được vua Tấn phong làm đại tướng quân thống lĩnh quân sự Bính Châu, trong khi phần lớn quân lực miền bắc Tây Tấn bị đánh tan, thì duy chỉ có Lưu Côn là vẫn kiên trì cố thủ.

Khi Lưu Côn được tin Tổ Địch khởi binh bắc phạt thì vô cùng mừng rỡ, lúc này gót sắt của quân Hung Nô đã dày xéo lên phần lớn vùng đất Trung Nguyên, khiến người phương bắc tới tấp chạy xuống miền nam lánh nạn. Tổ Địch dẫn hơn mấy trăm hương thân tới lưu vực sông Hoài, rồi tổ chức dân chạy loạn lại bắt đầu gian khổ lập nghiệp, ông đem lương thực và quần áo nhà mình phân phát cho mọi người, nên họ kính trọng ông và đều mong ông dẫn dắt họ sớm ngày thu phục lại Trung Nguyên. Nhưng Tư Mã Thụy lúc này còn chưa lên ngôi và cũng không có ý định này. Tổ Địch đã khảng khái trình bày trước nhà vua và chủ động xin tác chiến, đồng thời thề kiên quyết thu phục lại Trung Nguyên, Tư Mã Thụy đành phải đồng ý rồi cử ông làm thứ sử Dự Châu, nhưng chỉ cấp phát cho ông khẩu phần của 1000 người và 3000 tấm vải, còn việc binh mã và vũ khí thì tự mình lo liệu. Nhân dân được tin đều tới tấp kéo nhau đến theo ông, nên lực lượng của ông tăng lên nhanh chóng. Khi đoàn thuyền của ông đang vượt qua sông Trường Giang để đi lên hướng bắc, ông cầm mái chèo đập vào mạn thuyền thề trước các binh sĩ rằng: "Lần này quyết thu phục được Trung Nguyên, bằng không sẽ chẳng vượt qua sông này lần nữa".

Sau khi vượt qua sông, Tổ Địch dẫn quân lao vào cuộc giao chiến với Hung Nô, vì ông túc trí đa mưu, nên thường lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, trải qua nhiều trận đánh đẫm máu, quân của Tổ Địch đã chiếm lại toàn bộ đất đai ở phía nam sông Trường Giang, đuổi quân Hung Nô ra phía bắc sông Hoàng Hà và hang ổ của chúng ở vùng tây bắc. Sau khi Tấn Nguyên Đế-Tư Mã Thụy lên ngôi, xét vì Tổ Địch từng nhiều lần lập chiến công, nên đã phong ông làm Trấn Tây Tướng Quân.

Trong thời đại bão táp thù trong giặc ngoài lúc bấy giờ, Lưu Côn và Tổ Địch đã chung lưng đấu cật cùng chung một lý tưởng thu phục Trung Nguyên, họ mỗi người một ngả ra chiến trường biên giới, dẫn đầu các tướng sĩ xông pha trận mạc, lập nên chiến công hiển hách, nên được nhân dân quý mến và ủng hộ. Nhưng do Tấn Nguyên Đế quá u mê, sự tranh quyền đoạt lợi của các thế lực cường hào và trong triều đình đã dẫn tới nội loạn, khiến Lưu Côn và Tổ Địch cuối cùng vẫn không sao thực hiện được đại nghiệp thu phục Trung Nguyên. Nhưng chí lớn thời còn niên thiếu và tinh thân cao thượng khi nhà nước có nạn thì đứng ra gánh vác, anh dũng giết giặc, không chùn bước trước khó khăn của họ vẫn còn ghi tạc trong sử xanh.