Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Dương Hỗ, Đỗ Dự diệt Ngô
   2009-01-19 16:58:07    cri

Nghe Online

Trên núi Tương Dương Hồ Bắc có một bia miếu được gọi là "Bia đọa lệ", do người địa phương dựng để kỷ niệm Dương Hỗ, nhà chính trị và nhà quân sự nổi tiếng triều Tây Tấn. Dương Hỗ tự Thúc Tử, nguyên người Nam Thành huyện Phí, xuất thân từ dòng họ nổi tiếng, tướng mạo khôi ngô, kiêm đủ đức tài. Cuối triều nhà Ngụy từng đảm nhiệm các chức vụ Trung thư thị lang, Bí thư giám, Tướng quốc v v, nắm việc bí mật quân sự, đến thời Tấn Võ Đế lại được thăng làm Thượng thư tả bộc xạ , Vệ tướng quân.

Nhằm bình định Đông Ngô, Tấn Võ Đế đã cử Dương Hỗ dẫn các đạo quân Kinh Châu ra trấn thủ ở Tương Dương. Dương Hỗ đến nơi đã thực hiện chính sách hòa dịu đối với quân dân Đông Ngô. Có một lần, thuộc hạ của ông từ biên giới dắt về một đứa trẻ, khi hỏi ra mới biết là con trai của một viên tướng bên Đông Ngô. Dương Hỗ bèn lập tức cử người dẫn đứa trẻ về. Viên tướng này rất cảm động, ngày hôm sau bèn dẫn quân bản bộ đến đầu hàng. Một lần khác, tướng Ngô-Đặng Hương xâm phạm Hạ Khẩu bị bắt sống, Dương Hỗ đối đãi rất tử tế rồi tha về. Đặng Hương rất cảm động rồi cũng quay lại xin theo Dương Hỗ. Dương Hỗ rất thích săn bắn, mỗi khi nhặt được con thú do bên Đông Ngô bắt, là ông đều cử người đưa sang trả. Do đó, phẩm cách của ông không những được các tướng sĩ Đông Ngô khen ngợi, mà ngay đến Lục Kháng là viên tướng Đông Ngô đang cầm quân đối địch với ông cũng tỏ ra hết sức khâm phục. Vùng đất Kinh Tương do lâu năm xảy ra chiến loạn, dân chúng lưu ly thất sở. Dương Hỗ đã nhân đó tạm thời ổn định biên giới, áp dụng chính sách giảm miễn sưu thuế, khuyến khích phát triển sản xuất. Quân dân Đông Ngô cũng chịu ân nghĩa này, đều tới tấp xin quy thuộc Dương Hỗ.

Năm Hàm Ninh thứ nhất, Dương Hỗ vì quá mệt mỏi lâm bệnh rồi mất, quân dân địa phương được tin lòng buồn vô hạn, các tướng sĩ bên Đông Ngô đều ngỏ lời thương tiếc. Hai năm sau, Đông Ngô được bình định, Tấn Võ Đế rơm rớm nước mắt nói tại bữa tiệc mừng công rằng: "Dương Hỗ là người có công lớn nhất". Dương Hỗ là một vị quan thanh liêm. Trong thời kỳ Ngụy Tấn, các quan đều hay bày vẽ kiểu cách môn đệ, kéo bè kết phái với nhau, nhưng Dương Hỗ không làm như vậy, ông thường xuyên tiến cử hiền tài với nhà vua gánh vác các chức vụ quan trọng , mà không hề để những người này biết đến mình. Ông rất căm ghét và kiên quyết đấu tranh với những kẻ xu nịnh gian trá, ông sống giản dị và thường đem bổng lộc của mình phân chia cho người nhà cùng các tướng sĩ, nên trong nhà ông chẳng có chút dư dôi nào, ông không ham danh lợi đã từ chối tước vị Nam Thành Hầu do nhà vua ban cho. Trước lúc qua đời, ông còn dặn người nhà phải đơn giản việc tang, không được mai táng theo thân phận Nam Thành Hầu.

Sau khi Dương Hỗ mất, nhân dân Tương Dương đã đến dựng miếu lập bia kỷ niệm trên núi Nghiễn Sơn, nơi Dương Hỗ sinh thời từng đến du ngoạn. Mỗi khi đi qua đây, mọi người đều nhỏ lệ thương tiếc, nên người ta mới gọi bia này là "Bia đọa lệ". Người đời sau đã bằng hình thức nhìn bia nhỏ lệ để tưởng nhớ công đức của người đã khuất.

Đỗ Dự người Đỗ Lăng-Kinh Triệu, xuất thân dòng họ hoạn quan trung thành với chính quyền Tào Ngụy, từ nhỏ học nhiều biết rộng, nhưng vì có dính líu vào sự chuyên quyền và bài xích của dòng họ Tư Mã, đến hơn 30 tuổi mới được Tư Mã Chiêu trọng dụng, sau đó lại nhiều lần được Tấn Võ Đế cử ra trấn giữ cửa ải biên giới, trong thời gian này đã nêu ra hơn 50 kiến nghị nhằm giữ yên biên giới và làm giàu mạnh đất nước, đều được triều đình chấp thuận và thực thi, đồng thời còn tiến hành phát minh khoa học và sửa đổi lịch pháp v v. Cuối cùng đảm nhiệm chức chỉ huy tây tuyến trong trận chiến tranh diệt Ngô, có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp thống nhất của triều Tây Tấn.

Đỗ Dự là người do Dương Hỗ tiến cử trước khi qua đời, vua Tấn -Tư Mã Viêm đã phong Đỗ Dự làm Trấn nam đại tướng quân phụ trách mọi việc ở Kinh Châu. Ít lâu sau, Đỗ Dự dâng biểu phạt Ngô, được vua Tấn phong làm đại đô đốc dẫn 100 nghìn quân tiến về Giang Lăng, sau khi thành Võ Xương đầu hàng, Đỗ Dự đã phản đối chính sách quân sự tiêu cực của Hồ Phấn, cùng các tướng đánh thẳng vào Kiến Nghiệp, lập nên công trạng to lớn trong chiến dịch tiêu diệt Đông Ngô.