Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Tam quốc quy Tấn
   2009-01-12 16:07:35    cri

Nghe Online

Sau khi Tư Mã Chiêu bức chết Ngụy chủ Tào Mao, đưa Tào Hoán mới 15 tuổi lên nối ngôi?Tức Ngụy Nguyên Đế?. Tư Mã Chiêu nhận thấy trong nội bộ đã ổn định, bèn nhân lúc tướng Thục-Khương Duy đang lánh nạn ở Đạp Trung, bèn chia quân làm ba đường tiến đánh Thục Hán.

Hậu chủ Lưu Thiền là một người u mê tột độ, sau khi Gia Cát Lượng qua đời thì mọi thói xấu đều lòi ra, lại hay tin nghe lời tên hoạn quan Hoàng Hạo, khiến các đại thần trung trực trong triều hết sức bất bình, nên chính quyền nhà Thục Hán ngày một suy đồi. Đại tướng Khương Duy đã tuân theo lời di huấn của Gia Cát Lượng 9 lần bắc phạt Trung Nguyên, nhưng vì lực lượng nước Thục Hán lúc đó đã quá yếu kém, nên chẳng thu được kết quả gì, về sau Khương duy lại bị tên gian thần Hoàng Hạo tìm đủ mọi cách bức hại, nên đành mượn cớ ra làm ruộng ở Đạp Trung để lánh nạn.

Quân Ngụy trước tiên cử Đặng Ngải dẫn một đạo quân tiến về Đạp Trung để chế ngự Khương Duy, khiến quân chủ lực do Khương Duy chỉ huy không thể dứt ra được, để chủ lực nước Ngụy do Chung Hội chỉ huy tiến đánh Bình Dương và Hán Trung là hai bức bình phong thiên nhiên của quân Thục. Vì lực lượng quá chênh lệch, nên ít lâu sau Hán Trung thất thủ. Khương Duy cố thủ tại Kiếm Các đã chặn đứng được mấy trăm nghìn đại quân của Chung Hội. Ngụy tướng Đặng Ngải thấy chủ lực nước Thục Hán đều tập trung ở Kiếm Các, bèn dẫn một đạo tinh binh vòng theo đường mòn phía tây Kiếm Các tiến xuống phía nam, đi được hơn 700 dặm mà vẫn không bị quân Thục phát hiện, mãi tới khi quân Ngụy xuất hiện tại Giang Dầu, tướng Thục canh giữ ở đây có nằm mơ cũng không tin là quân Ngụy đánh đến phía sau mình nhanh đến như vậy, nên trở tay không kịp đành phải xin dâng thành đầu hàng. Ít lâu sau, Miên Trúc lại bị thất thủ, con trai Gia Cát Lượng là Gia Cát Chiêm và cháu Gia Cát Thường đều hiến thân vì nước. Đặng Ngải thừa thắng dẫn quân đánh thẳng vào Thành Đô. Lưu Thiền u mê và hèn nhát, đã nghe theo lời Hoàng Hạo dẫn văn võ bá quan ra xin đầu hàng. Chính quyền Thục Hán do Lưu Bị, Gia Cát Lượng cùng nhiều người khác trải qua trăm cay nghìn đắng mới sáng lập nên từ đó bị diệt vong.

Nhà Thục Hán bị diệt vong ít lâu, Tư Mã Chiêu bị bệnh qua đời, con là Tư Mã Viêm cũng học theo Tào Phi, đã phế truất vua Ngụy Tào Hoán, tự lập làm hoàng đế?Tức Tấn Võ Đế?, thiết lập nên một vương triều mới là triều nhà Tấn. Sau khi triều nhà Tấn ra đời, trong Tam Quốc chỉ còn lại chính quyền Đông Ngô, nhưng cũng đã quá suy tàn.

Năm 279 công nguyên, một số đại thần triều nhà Tấn cho rằng thời cơ đã chín muồi, liền tới tấp dâng thư lên Tấn Võ Đế khuyên nên nhanh chóng khởi binh tiêu diệt Đông Ngô. Qua cân nhắc kỹ lưỡng, Tấn Võ Đế bèn quyết định chia quân làm ba đường tiến đánh Đông Ngô, cử Trấn Nam đại tướng quân Đỗ Dự dẫn đạo quân trung độ đánh vào Giang Lăng ; An Đông tướng quân Vương Hồn dẫn đạo quân phía đông đánh vào Hoành Trung; Còn một đạo quân đường thủy do thứ sử Ích Châu- Vương Tuấn chỉ huy xuôi theo dòng Trường Giang đánh vào Kiến Nghiệp.

Hai đạo quân do Đỗ Dự và Vương Hồn chỉ huy đều đánh đến đâu thắng đến đó, duy chỉ có cánh quân đường thủy của Vương Tuấn khi đến Tỷ Quy, thì bị quân Đông Ngô dùng xích sắt và cọc sắt ngăn chặn trên mặt sông, nên bị lỡ mất thời hạn. Nhưng Vương Tuấn là một người túc trí đa mưu, liền ra lệnh cho quân sĩ ghép mấy chục chiếc bè gỗ, dùng toàn bằng gỗ to, rồi cử mấy người giỏi nghề sông nước điều khiển bè từ thượng du lao xuống, bao nhiêu xích sắt và cọc sắt đều bị bè gỗ cuộn theo. Sau khi loại trừ được trướng ngại, đạo quân của Vương Tuấn đã nhanh chóng hợp quân với cánh quân của Đỗ Dự cùng đánh thẳng vào Kiến Nghiệp. Còn cánh quân của Vương Hồn sau khi đã đánh bại 30 nghìn quân Đông Ngô tại Giang Bắc, cũng đang nhanh chóng tiến về hướng Kiến Nghiệp. Ngô vương Tôn Hạo mãi đến lúc này mới cuống cuồng cử tướng quân Trương Tượng dẫn 10 nghìn thủy binh ra chặn đánh quân Tấn. Khi ra đến nơi, Trương Tượng nhìn thấy chiến thuyền của quân Tấn đậu đầy mặt sông thì đã khiếp vía, không đánh đã xin đầu hàng. Chiến thuyền của Vương Tuấn thuận buồm xuôi gió thẳng tiến về Kiến Nghiệp, đưa hơn 80 nghìn quân đổ bộ lên bờ, rồi như sấm vang chớp giật xông thẳng vào chiếm thành Kiến Nghiệp. Đến đây, thời đại Tam Quốc tuyên bố kết thúc, triều nhà Tấn đã thống nhất được cả nước.