Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Bảy lần bắt Mạnh Hoạch
   2008-12-29 13:56:51    cri

Nghe Online

Sau khi Lưu Bị quy tiên, Lưu Thiền 17 tuổi lên nối ngôi cha tại Thành Đô, nhưng mọi việc lớn nhỏ trong triều đều do Gia Cát Lượng lo liệu, tình hình nước Thục lúc đó rất nguy ngập, phía bắc có Tào Tháo, đông có Tôn Ngô, nam có các bộ tộc thừa cơ nổi loạn, dân chúng trong nước thì hoang mang dao động. Tướng quân Đặng Chi cảm thấy rất lo ngại mới đến nói với Gia Cát Lượng rằng: "Hậu Chủ còn nhỏ tuổi lại vừa lên nối ngôi, lòng dân chưa được ổn định, việc cấp bách nhất hiện nay là liên kết với Đông Ngô, chỉ khi nào phía đông yên ổn rồi thì mới có thể bắc phạt Trung Nguyên". Gia Cát Lượng vốn đã có ý này, bèn quyết định cử Đặng Chi xuất sứ Đông Ngô. Sau khi đến Đông Ngô, Đặng Chi đã trình bày rõ sự lợi hại của việc bang giao, khiến Tôn Quyền rất tán thưởng liền quyết định hai nước nối lại bang ước.

Bấy giờ, các cường hào Ích Châu đã nhân cơ hội Lưu Bị mới mất liền phát động nổi loạn, đồng thời còn lôi kéo Mạnh Hoạch- một thủ lĩnh của dân tộc thiểu số ở Nam Trung cùng tham gia. Gia Cát Lượng trải qua hai năm trù bị, đã quyết định tự mình dẫn quân đánh xuống miền nam. Trước khi lên đường, tham quân Mã Tốc kiến nghị rằng: "Nam Trung địa thế hiểm trở, lại xa xôi hẻo lánh, lòng mưu phản của dân địa phương đã có từ lâu, nay ta dùng vũ lực để chinh phục thì sau này họ vẫn sẽ lại làm phản, đánh thành không bằng công tâm, không nên lấy việc chiếm đất đai làm mục đích, mà phải coi việc thu phục lòng người là chính, tôi không hiểu ý thừa tướng thế nào ?". Gia Cát Lượng khen rằng: "Ý này hay lắm, tôi cũng từng nghĩ như vậy, Mạnh Hoạch là người có uy tín cao tại địa phương, chỉ có chinh phục được người này thì dân chúng địa phương mới chịu tin ở ta".

Khi dẫn quân xuống miền nam, gia Cát Lượng trước tiên cử hai tướng Lý Khôi và Mã Trung bình định các đạo quân phiến loạn tại quận Việt Hy v v, tiêu diệt thế lực cát cứ của cường hào tại Cao Định và nhiều nơi khác, đồng thời cử người đi thám thính tình hình của Mạnh Hoạch, sau khi được biết hắn là một người hữu dũng vô mưu, không thông hiểu binh pháp, Gia Cát Lượng mới đặt ra kế hoạch tác chiến.

Một hôm, đại tướng Vương Bình đột nhiên dẫn quân xông vào doanh trại của Mạnh Hoạch, Mạnh Hoạch vội vàng ra nghênh chiến, nhưng vừa đánh được mấy hiệp thì Vương Bình quay ngựa tháo chạy, Mạnh Hoạch cậy có đông người liền bám đuổi theo nên toàn bộ đều lọt vào ổ mai phục, Mạnh Hoạch bị bắt sống. Khi bị áp giải tới trướng trung quân, Mạnh Hoạch những tưởng mình sẽ bị chém chết, nhưng nào ngờ Gia Cát Lượng đã tự tay cởi chói cho hắn và khuyên đầu hàng. Mạnh Hoạch tỏ ra không phục nói rằng: "Tôi sơ ý nên mới bị trúng kế, như vậy bảo tôi phục sao được". Gia Cát Lượng cười bảo rằng: "Không phục cũng chẳng hề gì, chúng ta lại đánh tiếp". Sau đó, Gia Cát Lượng dẫn Mạnh Hoạch tới xem dinh lũy và trận thế của quân Thục, rồi hỏi ý Mạnh Hoạch thấy thế nào?. Mạnh Hoạch vẻ ngạo mạn trả lời rằng: " Tôi trước đây chẳng hiểu hư thực ra sao nên mới thất bại, nay tôi đã thấy rõ trận thế của ông, thì còn lo gì không đánh nổi". Gia Cát Lượng ung dung cười đáp rằng: "Đã vậy thì ông hãy về chuẩn bị thật chu đáo, chúng ta hẹn gặp nhau trong trận đánh".

Sau khi trở về, Mạnh Hoạch đã nhân một đêm không trăng sao, dẫn một đạo quân tinh nhuệ đến cướp trại, khi đến gần dinh quân Thục mà vẫn chưa bị phát hiện, Mạnh Hoạch hí hửng vung kiếm hô quân lính xông vào, bấy giờ mới phát hiện trong trại chẳng có một mống người. Mạnh Hoạch biết bị trúng kế, liền vội vàng hô quân rút lui thì đã muộn, lúc này bốn bề lửa sáng rực trời, tiếng reo dậy đất, quân Thục như thác đổ triều dâng từ bốn bề ập tới, Mạnh Hoạch lại bị bắt sống và dẫn tới trung quân, Gia Cát Lượng ôn tồn nói rằng: "Nay ông lại bị bắt , vậy lần này đã phục chưa?". Mạnh Hoạch đáp: "Lần này là tự tôi dẫn thân tới, nếu mà bắt được tôi trong trận đánh thực sự thì tôi mới chịu phục". Gia Cát Lượng lại tự tay cởi trói cho Mạnh Hoạch và lấy rượu thịt khoản đãi. Sau khi Mạnh Hoạch ăn uống xong, Gia Cát Lượng nói rằng: "Bây giờ ông hãy về chuẩn bị, chúng ta lại đánh tiếp".

Qua hai lần giao chiến, Mạnh Hoạch biết Gia Cát Lượng là người giàu mưu trí, nên lần này không dám manh động, hắn đưa quân đến bờ nam Lư Thủy đào hào đắp lũy phòng thủ. Gia Cát Lượng đã điều một phần binh lực đến bờ bên, giả dạng sắp vượt sông để thu hút chủ lực của Mạnh Hoạch, rồi cử hai đạo quân tinh nhuệ vượt sông ở thượng và hạ du, hai đạo quân từ hai hướng đánh ép lại, quân Mạnh Hoạch không kịp đề phòng nên đều bị tóm gọn.

Mạnh Hoạch lần này lại cãi bướng rằng: "Người Hán các ông thật là xảo quyệt, tôi không canh phòng ở mặt sau, nên mới bị các ông tập kích, tôi vẫn không chịu phục". Gia Cát Lượng lại lần nữa thả hổ về rừng, rồi cứ thế bảy lần bắt lại bảy lần thả Mạnh Hoạch, đến lần cuối cùng Mạnh Hoạch ứa nước mắt nói rằng: " Lòng nhân nghĩa của thừa tướng xưa nay thật hiếm có, nếu tôi còn không biết cảm ơn lòng nhân nghĩa này thì còn mặt mũi nào trong thiên hạ, người phương nam chúng tôi từ nay sẽ không làm phản nữa". Gia Cát Lượng nghe xong vô cùng mừng rỡ, vội sai đặt tiệc khoản đãi, rồi trịnh trọng tuyên bố tại tiệc rượu rằng: "Quân Thục sẽ toàn bộ rút khỏi những nơi đã chiếm đóng, triều đình sẽ không chiếm đất, cử quan viên trú quân tại đây, mọi việc vẫn do Mạnh Hoạch và thủ lĩnh các bộ lạc cùng cai trị". Từ đó về sau, vùng Nam Trung càng trở nên yên ổn, loại trừ được mối lo ở hậu phương Thục Hán.