Nghe Online
Lưu Bị tự Huyền Đức, người Trác Quận, là hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh Vương-Lưu Thắng, con vua Hán Cảnh Đế. Gia tộc ông đã lụn bại, hoàn cảnh gia đình rất neo đơn. Cuối thời Đông Hán, vì cuộc khởi nghĩa khăn vàng khiến thiên hạ trở nên đại loạn. Lưu Bị muốn nhân dịp này đứng ra phù trợ Hán thất. Nhưng trong hơn 20 năm trời đánh đông dẹp bắc, tiêng tăm tuy lớn được người đời ngưỡng mộ, nhưng ông vẫn phải nương nhờ dưới mái hiên nhà người ta. Ông thường than thân trách phận đã không thể thực hiện được hoài bão của mình.
Sau trận đánh Quan Độ, Viện Thiệu bị thất bại thảm hại. Lưu Bị nguyên trước đó tới nương nhờ vào Viên Thiệu, nhận thấy người này gặp việc lớn thì co rụt lại, thấy lợi nhỏ thì sẵn sàng thí mạng, nên đã tìm cớ rời khỏi Viên Thiệu. Ông dẫn theo Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân đến sống nhờ Lưu Biểu, người anh em đồng tông với mình.
Lưu Biểu đối đãi Lưu Bị rất tử tế, nhưng ông là một người nhát gan và lòng dạ hẹp hòi, những lo thế lực Lưu Bị ngày một lớn mạnh, nên đã cử Lưu Bị đến đồn trú ở Tân Dã, một huyện nhỏ rất xa xôi hẻo lánh. Lưu Bị đến Tân Dã bèn bắt tay vào việc chiêu binh mãi mã, tìm kiếm nhân tài. Ông được tin ở Tương Dương có một danh sĩ tên là Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy, bèn tìm đến thăm viếng. Khi Tư Mã Huy hỏi về nguyên do thì Lưu Bị thành khẩn đáp rằng: "Tôi đến đây muốn được nghe tiên sinh dạy bảo về thời cuộc". Tư Mã Huy chỉ đáp rằng: "Ngọa Long và Phụng Sồ, trong hai người chỉ cần được một là có thể trị yên thiên hạ". Lưu Bị vội hỏi hai người này tài năng ra sao và hiện sống ở đâu, Tư Mã Huy đáp rằng: "Ngọa Long tự Khổng Minh. Còn Phụng Sồ là Bàng Thống, tự Sĩ Nguyên, đều là hai kỳ tài sống ở gần Tương Dương. Hoàng thúc nên tự mình đến mời họ, còn việc khác thì tôi chẳng thể giúp được gì hơn". Lưu Bị đành cáo từ ra về.
Lưu Bị vừa về đến nhà bèn hỏi quân sư Từ Thứ có quen biết Ngọa Long tiên sinh không, thì Từ Thứ đáp rằng: "Người mà Hoàng thúc vừa nói đây chính là Khổng Minh, chúng tôi là bạn bè rất thân với nhau". Lưu bị nghe vậy vô cùng mừng rỡ vội nói rằng: "Hai người đã là chỗ quen biết, thì hãy mau mau mời ông ta đến đây". Từ Thứ lắc đầu nói rằng: "Làm thế sao được, một đại hiền sĩ như vậy chỉ có Hoàng thúc đích thân đến mời, thì may ra mới mời nổi".
Lưu Bị bèn cùng Quan Vũ, Trương Phi đem theo nhiều lễ vật sang Long Trung. Khi ba người tới đèo Ngọa Long, thì thấy một túp lều tranh nép mình dưới bụi trúc xanh tươi. Họ đến trước cửa lều xuống ngựa, Lưu Bị gọi cửa thì thấy một chú tiểu đồng bước ra liền nói rằng: "Hãy mau vào báo với Ngọa Long tiên sinh, là có Lưu Bị đến xin gặp". Tiểu đồng chần chừ hồi lâu rồi đáp rằng: "Tiên sinh nhà tôi cùng bạn bè đi du ngoạn ngắm cảnh chưa về". Ba người nghe vậy đành phải quay trở về. Mấy hôm sau, Lưu Bị đoán chừng Khổng Minh đã về, ba anh em lại đến Long Trung, nhưng lần này vẫn không gặp được Khổng Minh.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bấy giờ đã là mùa xuân, Lưu Bị chọn ngày lành tháng tốt lại lần nữa đến Long Trung, lúc này Khổng Minh đang ngủ trưa, Lưu Bị im lặng đứng đợi ở ngoài cửa, mãi sau khổng Minh thức dậy, Lưu Bị mới vào gặp và mời Khổng Minh phân tích về tình hình thời cuộc.
Khổng Minh khiêm tốn hồi lâu rồi phân tích rằng: "Tào Tháo có 1 triệu quân, lại bức ép thiên tử hiệu triệu thiên hạ, thật không nên tranh chấp với hắn. Còn Tôn Quyền ở Giang Đông, có Trường Giang hiểm trở, lại được lòng dân và lắm nhân tài, thì nên liên hợp với họ. Kinh Châu là một mảnh đất dụng võ thông sang Cửu Châu, nếu tướng quân đứng vững chân tại Kinh Châu, rồi đánh chiếm Ích Châu, sau đó chuyên tâm chính trị, tăng cường sức nước để chờ thời cơ, thì còn lo gì đại nghiệp không thành, Hán thất không được hưng vượng". Lưu Bị nghe xong vô cùng mừng rỡ, bèn mời Khổng Minh ra giúp mình cùng mưu nghiệp lớn, Khổng Minh thấy Lưu Bị rất thành khẩn bèn nhận lời. Từ đó, được sự trợ giúp đắc lực của Khổng Minh, Lưu Bị bắt đầu gây dựng sự nghiệp theo theo mưu lược đã bàn tại Long Trung. |