Nghe Online
Tào Tháo Viên Thiệu thấy Tào Tháo lấy danh nghĩa thiên tử ra lệnh cho thiên hạ, cho rằng Tào Tháo sẽ là kình địch cản trở tới sự nghiệp bá chủ Trung nguyên của mình, nên đã cách diệt trừ Tào Tháo.
Tháng 2 năm 200 công nguyên, Viên Thiệu điều động 100 nghìn tinh binh, cử Tứ Thụ làm giám binh xuất phát từ Nghiệp Thành tiến sang Lê Dương, sau lại cử đại tướng Nhan Lương vượt qua sông Hoàng Hà tiến đánh Bạch Mã, để buộc Tào Tháo rời bỏ Quan Độ. Bấy giờ Tào Tháo ở Quan Độ nhận được tin Bạch Mã bị vây khốn, bèn thi hành mưu kế dương đông kích tây của quân sư Tuân Du nhằm phân tán lực lượng của Viên Thiệu, nhưng vì đại tướng Nhan Lương bị Quan Vũ chém chết, quân của Viên Thiệu nháo nhác như rắn không đầu. Viên Thiệu được tin Bạch Mã thất thủ, Nham Lương bị chém chết thì vô cùng bực tức, liền cử đại tướng Văn Sú dẫn 6 nghìn kỵ binh làm tiên phong đuổi đánh Tào Tháo. Tào Tháo lại dùng kế vứt bỏ nhiều lương thực, khí giới, giáp , ngựa, rồi mai phục 600 kỵ binh ở đèo Diên Tân. Văn Sú thấy quân Tào bỏ chạy liền hạ lệnh cho quân sĩ thu nhặt chiến lợi phẩm, bấy giờ quân Tào mới thừa cơ xuất kích, đánh cho quân Viên Thiệu một trận tan tác, đại tướng Văn Sú bị Quan Vũ chém chết. Sau đó hai bên cầm cự nhau ở Quan Độ.
Bấy giờ, Viên Thiệu còn 100 nghìn quân, còn quân Tào chỉ có khoảng 40 nghìn. Do thiếu lương thực nên Tào Tháo thúc quân đánh riết, nhưng mấy lần đều bị thất bại, đành phải đắp lũy đào hào cố thủ.
Tháng 10 năm đó, hậu phương quân Viên Thiệu vận chuyển nhiều lương thực cho tiền tuyến, Viên Thiệu cử đại tướng Giác Y Kinh dẫn 10 nghìn quân đem lương thực ra cất giữ ở Ô Sào, cách đại quân Viên Thiệu khoảng 40 dặm, sau lại cử thêm tướng quân Tưởng Kỳ dẫn quân tuần tiễu xung quanh. Lúc này, mưu sĩ Hứa Du hiến kế cho Viên Thiệu nên nhân lúc quân Tào đang tập trung cả ở Quan Độ, điều quân lén đánh Hứa Đô, nhưng Viên Thiệu không chịu nghe, sau Hứa Du được tin cháu mình phạm pháp rồi bị xử tội, bèn quyết định rời bỏ Viên Thiệu sang đầu hàng Tào Tháo. Hứa Du bày kế cho Tào Tháo nên tập kích kho lương Ô Sào, thì quân của Viên Thiệu tất phải tháo lui.
Tào Tháo thấy thời cơ đã đến, bèn để Tuân Du và Tào Hồng ở lại giữ trại, rồi tự mình dẫn 5 nghìn quân mã, mỗi người ôm một bó rơm, dựng cờ hiệu quân Viên Thiệu tiến sang Ô Sào. Khi đến nơi thì trời vừa tang tảng sáng, Tào Tháo hô quân xông vào đốt phá, tức thì khói tỏa mù mịt, lửa sáng rực trời, Quân Viên Thiệu không ai kịp mặc quần áo, đại tướng Giác Y Kinh còn chưa tỉnh rượu, liền vội vàng nhảy lên lưng ngựa ra nghênh chiến, liền bị đại tướng Nhạc Tiến chém cho một nhát chết lăn xuống ngựa. Quân Viên Thiệu thấy chủ tướng đã chết, đều nháo nhác bỏ chạy như ong vỡ tổ.
Bấy giờ, Viên Thiệu nhìn thấy ánh lửa bên Ô Sào, biết là Tào Tháo đã sang cướp kho lương, thì đại trại của quân Tào tất bỏ trống, liền bấp chấp lời khuyên ngăn vội cử đại tướng Trương Cáp và Cao Lãm sang cướp trại Tào Tháo, thì bị Tào Hồng và Hạ Hầu Uyên gắng sức chống cự, một lát sau lại thấy Tào Tháo đã dẫn quân trở về, khiến Trương Cáp và Cao Lãm trước sau đều bị quân Tào vây chặt. Hai người thấy tình thế rất nguy ngập, lại nhận thấy Viên Thiệu là người dẫu có mưu nhưng lại thiếu quyết đoán, không nhận rõ thị phi, hay tin nghe lời vu vạ, cứ theo hắn thì tất có ngày bị chết oan, nên đành đầu hàng Tào Tháo.
Viên Thiệu liên tiếp bị mất Hứa Du, Trương Cáp và Cao Lãm, kho lương ở Ô Sào cũng bị đốt sạch, quân sĩ tỏ ra rất hoang mang. Bấy giờ, Hứa Du lại khuyên Tào Tháo nhanh chóng cử Trương Cáp và Cao Lãm sang cướp trại Viên Thiệu. Tào Tháo nghe theo, rồi canh ba đêm hôm đó chia quân làm ba ngả đi cướp trại, hai bên hỗn chiến đến sáng hôm sau, quân Viên Thiệu bị thiệt hại quá nửa, Tào Tháo lại chia quân làm ba ngả ra đánh tập hậu quân Viên Thiệu. Viên Thiệu được tin liền vội vàng rút quân về phía sau. Tào Tháo thấy vậy lại chia quân làm tám mặt nhất tề đánh ùa vào đại doanh Viên Thiệu, quân Viên Thiệu không sao chống đỡ nổi đều phải bỏ chạy. Viên Thiệu mũ giáp xộc xệch vội cùng con trai là Viên Đàm dẫn hơn 800 quân trốn lên Hà Bắc, còn quân chủ lực đều bị tiêu diệt. Hai năm sau, Viên Thiệu vì quá tức giận mà chết, hai người con trai vì tranh quyền đoạt lợi mà đánh nhau, rồi sau cũng bị Tào Tháo tiêu diệt. Năm 205 công nguyên, Tào Tháo chinh phạt miền Bắc rồi đánh thẳng xuống Liêu Đông, quét sạch thế lực tàn dư của Viên Thiệu, hoàn toàn thống nhất phương bắc. |