Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Hoàng Cân quân khởi nghĩa (Khởi nghĩa Khăn vàng)
   2008-11-10 17:10:21    cri

Nghe Online

Cuối triều Đông Hán, hai tập đoàn hoạn quan và ngoại thích thay nhau chuyên quyền, khiến tình hình chính trị suy đồi, tình trạng sáp nhập ruộng đất gia tăng, sưu thuế càng nặng, dân chúng lưu ly thất sở, mâu thuẫn giai cấp ngày một gay gắt. Hán Linh Đế u mê tin dùng hoạn quan, hàng ngày chỉ biết ăn chơi, kho bạc nhà nước đã vơi cạn. Nhằm vơ vét của cải, chúng đã mở một cửa hàng rất đặc biệt ở Tây Viên, những người có tiền có thể đến đây mua quan, mua tước vị, chúng trắng trợn treo một bảng giá ở ngoài cửa Hồng Đô, chức thái thú quận bán 10 triệu lạng bạc, chức huyện lệnh bán 4 triệu lạng bạc, người mua mà chưa đủ tiền thì có thể khất nợ, đợi đến khi nhậm chức thì phải trả gấp đôi. Do đó, những quan lại vừa mới lên nhậm chức liền bắt đầu đục khoét nhân dân, sự đen tối của vương triều Đông Hán đã tới mức tột cùng.

Cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân đã được ấp ủ và dần dần chín muồi trong bối cảnh này. Trương Giác người Cự Lộc- Ký Châu đã tích cực triển khai hoạt động tổ chức và tuyên truyền, nên đã trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại này. Ông quyết định lợi dụng tôn giáo để tổ chức quần chúng, sáng lập ra một giáo phái gọi là Thái Bình Đạo, thu nạp đệ tử để cùng mình truyền đạo. Số người theo Thái Bình Đạo ngày càng đông. Trương Giác lại cử hai em là Trương Bảo và Trương Lương dẫn đệ tử đi chu du các nơi, vừa chữa bệnh cứu dân vừa truyền đạo, trong thời gian 10 năm đã đi khắp cả nước, số tín đồ lên tới mấy trăm nghìn người. Bấy giờ, các quan lại quận, huyện đều cho rằng Thái Bình Đạo là một giáo phái khuyên người làm việc thiện, trị bệnh cứu người, nên cũng chẳng hề để ý tới. Nhưng có hai viên đại thần trong triều đã nhìn ra vấn đề, liền tấu xin với Hán Linh Đế ra lệnh cấm chỉ Thái Bình Đạo. Nhưng Hán Linh Đế lúc này đang bận về việc xây dựng công viên rừng, nên cũng chẳng bận tâm tới.

Trước khi nổ ra cuộc khởi nghĩa, Trương Giác đã tung ra khẩu hiệu mê hoặc lòng người rằng: "Thương thiên dĩ tử, Hoàng thiên đang lập, Tuế tại giáp tử, Thiên hạ đại cát". Cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra dưới hình thức tôn giáo. Trương Giác cử thủ lĩnh Đại Phương-Mã Nguyên Nghĩa đi lại giữa Lạc Dương và các Châu, tập trung mấy chục nghìn tín đồ ở hai Châu –Kinh Dương lẻn vào Nghiệp thành, đồng thời liên lạc với tín đồ hoạn quan trong hoàng cung Lạc Dương làm nội ứng, quyết định ngày 5 tháng 3 cùng lúc khởi nghĩa ở Lạc Dương và các Châu. Nhưng vì trong nội bộ Thái Bình Đạo có kẻ phản bội tên là Đường Chu đã mật báo với triều đình, khiến toàn bộ kế hoạch khởi nghĩa bị tiết lộ. Vương triều Đông Hán lập tức trấn áp và lùng bắt lãnh tụ khởi nghĩa. Nhằm xoay chuyển thế bị động, Trương Giác đã quyết định khởi nghĩa trước thời hạn, đồng thời quy định quân khởi nghĩa đều phải cuốn khăn màu vàng trên đầu. Cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân nổi tiếng trong lịch sử đã chính thức mở màn.

Mục tiêu tấn công chủ yếu của nghĩa quân là Lạc Dương, ba mặt đông, nam, bắc của Lạc Dương đều bị nghĩa quân vây chặt. Hán Linh Đế cuống cuồng triệu tập các đại thần lại thương nghị, rồi cử Hà Tiến làm đại tướng quân, đồng thời còn phái một đoàn người ngựa, do Hoàng Phổ Tung và Lư Trực thống lĩnh, chia làm hai đường cùng trấn áp cuộc khởi nghĩa.

Nhưng cuộc khởi nghĩa như nước vỡ bờ, quan phủ đều chống đỡ không nổi, Hà Tiến đành phải yêu cầu Hán Linh Đế ban một đạo chiếu thư, dặn các Châu, Quận phải tự chiêu mộ binh mã để đối phó. Do đó, các vương tôn quý tộc, các quan châu quận và địa chủ cường hào các nơi đều mượn danh nghĩa đánh Hoàng Cân rồi chiếm đoạt địa bàn, mở rộng thế lực, khiến nhà nước bị chia năm xẻ bảy. Quân Hoàng Cân  ngoan cường chiến đấu chống lại sự trấn áp đẫm máu của triều đình và địa chủ cường hào các nơi được hơn 9 tháng. Trong lúc đang nguy ngập thì Trương Giác bị ốm chết, Trương Lương và Trương Bảo lãnh đạo nghĩa quân xông vào vật lộn, chém giết với quân thù, rồi cũng lần lượt hy sinh.

Quan quân chiếm được Khúc Dương, chủ lực của nghĩa quân do Trương giác lãnh đạo bị thất bại trước sự đàn áp của quân đội triều đình và cường hào các nơi. Nhưng ngọn lửa khởi nghĩa của nông dân chưa bị dập tắt, họ phân tán ở khắp nơi vẫn kiên trì đấu tranh, giáng một đòn mạnh vào ách thống trị của vương triều Đông Hán. Cuộc đấu tranh này kéo dài trong 20 năm, đã để lại tiếng thơm cho cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân, khiến ách thống trị mục nát của vương triều Đông Hán qua đòn đả kích trí mạng này, cũng đã ngắc ngoải thở không ra hơi.