Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Ban Siêu đầu bút tòng nhung
   2008-10-27 15:30:23    CRIonline

Nghe Online

Ban Siêu, tự Trọng Thăng, người Phù Phong- An Lăng, là một danh tướng và là nhà ngoại giao triều Đông Hán. Khi Hán Quang Võ Đế mời nhà đại học sĩ Ban Bưu đến chỉnh lý lịch sử triều Tây Hán, hai người con trai của ông là Ban Cố và Ban Siêu, cùng con gái tên là Ban Chiêu cũng theo cha đến học tập văn học và lịch sử. Sau khi Ban Bưu qua đời, Ban Cố làm Lan Đài lệnh sử tiếp tục công việc biên soạn "Hán Thư" của cha, còn Ban Siêu làm công việc sao chép. Hai anh em tính tình rất khác nhau, Ban Cố say mê nghiên cứu và chăm chú viết Hán Thư. Còn Ban Siêu khi nghe tin Hung Nô quấy nhiễu vùng biên giới, liền bỏ bút xuống nói rằng: "Đại trượng phu phải như Phó Giới Tử , Trương Khiên lập công tại dị vực, cớ sao lại bỏ phí quá nhiều thời gian vào việc nghiên bút thế này", rồi sau đó gác bút tòng quân.

Hán Minh Đế cử đại tướng Đậu Cố xuất binh đánh Hung Nô, Ban Siêu được đảm nhiệm chức đại lý tư mã. Do chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công, nên ông được Đậu Cố khen thưởng rồi cử đi sứ Tây vực, liên lạc với các nước cùng chống lại Hung Nô.

Ban Siêu vất vả dặm trường trước tiên đến nước Thiền Thiện, vua nước này ban đầu tỏ ra rất cung kính và tiếp đón họ như khách quý. Mấy hôm sau, vua Hung Nô cũng cử sứ giả đến liên lạc với nước Thiền Thiện, chúng tìm mọi cách nói xấu nhà Hán, nên vua nước Thiền Thiện dần dần tỏ ra lạnh nhạt với Ban Siêu, thậm trí còn nảy sinh ý thù địch. Ban Siêu thấy vậy bèn lập tức triệu tập những người cùng đi bàn đối sách, họ quyết định trước tiên giết chết sứ giả Hung Nô để gây sức ép với vua nước Thiền Thiện. Tuy tình thế rất nguy hiểm, nhưng Ban Siêu vẫn không hề nao núng. Nửa đêm hôm đó, ông đã dẫn 36 người xông vào dinh sứ giả Hung Nô phóng hỏa, chém giết. Hung Nô không hề phòng bị, liền bị chém chết hơn 30 người, còn hơn trăm người khác đều bị thiêu chết. Ngày hôm sau, Ban Siêu mời vua nước Thiền Thiện đến, rồi sách thủ cấp sứ giả Hung Nô ra cho nhà vua xem, sau đó dùng lời lẽ khuyên răn. Nhà vua bấy giờ mới chịu thần phục, đồng ý cùng nhà Hán thiết lập quan hệ hữu hảo.

Ban Siêu hoàn thành sứ mệnh trở về Lạc Dương, được Hán Minh Đế khen ngợi, thăng làm Quân Tư Mã. Sau đó, Ban Siêu lại nhận được lệnh xuất sứ Vu Điền. Khi Ban Siêu đến bày tỏ nguyện vọng của nhà Hán muốn đặt quan hệ hữu hảo với Vu Điền. Vua nước này vì sợ quân Hung Nô, nên thái độ tỏ ra hết sức lạnh nhạt.

Bấy giờ, có một thầy phù thủy mách vua Vu Điền rằng: "Sứ giả nhà Hán có một con ngựa tốt, nên dắt về mổ tế thần, để thần minh phù hộ cho đại vương". Vua Vu Điền nghe vậy liền cử người sang chỗ Ban Siêu để lấy ngựa. Ban Siêu nói: "Ngựa có thể cho, nhưng hãy bảo thầy phù thủy tự sang đây mà dắt về". Người này trở về báo lại với nhà vua, thầy phù thủy tỏ ra rất hý hửng bèn cùng viên tể tướng nghênh ngang đến lấy ngựa. Ban Siêu chẳng nói chẳng rằng liền chặt phăng đầu thầy phù thủy, rồi nọc viên tể tướng ra đánh cho mấy trăm roi. Sau đó, tay sách thủ cấp thầy phù thủy đến gặp vua Vu Điền trách rằng: "Những ai không muốn hữu hảo với triều đình nhà Hán, thì cũng sẽ như thầy phù thủy này". Vua Vu Điền vốn đã nghe nói về những việc làm của Ban Siêu ở nước Thiền Thiện, sợ đến kinh hồn bạt vía, bèn lập tức bày tỏ nguyện cùng thiết lập quan hệ hữu hảo với triều nhà Hán.

Về sau, Ban Siêu vẫn tiếp tục xuất sứ các nước Tây vực, giúp đỡ những nước này vùng thoát khỏi sự ràng buộc và nô dịch của Hung Nô, khiến hơn 50 nước ở Tây vực đều quy thuộc triều Đông Hán. Vào một lần khác, khi Ban Siêu được lệnh chuẩn bị trở về Lạc Dương, các vương hầu, khanh tướng nước Su Lơ, nước Vu Điền v v, đều ứa nước mắt ôm lấy chân ngựa không nỡ cho ông về. Ban Siêu rất cảm động, liền viết thư lên triều đình yêu cầu cho mình ở lại Tây vực. Ban Siêu xuất sứ Tây vực từ năm 40 tuổi, đến năm 71 tuổi mới trở về Lạc Dương, sinh sống ở Tây vực 31 năm, đã bảo vệ cho nhà buôn đi lại trên con đường tơ lụa, khiến mối quan hệ giữa nội địa và Tây vực càng thêm gắn bó.

Năm 97 công nguyên, khi Ban Siêu nhậm chức Đô Hộ Tây Vực, đã cử sứ giả Cam Anh xuất sứ Đại Tần. Cam Anh đến vịnh Péc Xích thì bị biển chắn lối. Tuy lần xuất sứ này không đến được Đại Tần, nhưng đã phong phú thêm sự hiểu biết đối với các nước Trung Á, tạo điều kiện có lợi cho việc phát triển giao thông giữa TQ và phương tây sau này.