Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Lão đang ích tráng
   2008-10-20 14:49:43    cri

Nghe Online

Hán Quang Võ Đế - Lưu Tú đã dựa vào vũ lực đoạt được thiên hạ, có 28 thủ hạ của ông từng lập nên công trạng to lớn. Sau khi Lưu Tú băng hà, Hán Minh Đế-Lưu Trang đã đặt tượng 28 người này trên vân đài của Nam cung, gọi là "Vân đài nhị thập bát tướng". Nhưng ngoài 28 vị này ra, còn có một viên đại tướng, đó là lão tướng Mã Viện.

Mã Viện tự Văn Uyên, người Phù Phong, Mậu Lăng (Tức miền đông bắc huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây ngày nay), là một nhà quân sự nổi tiếng thời Đông Hán, được phong làm Tân Tức Hầu. Tổ tiên Mã Viện là danh tướng thời Chiến Quốc-Triệu Tư. Triệu Tư từng đánh bại quân Tần, lập chiến công hiển hách, được Triệu Huệ Văn Vương phong hiệu "Mã Phục Quân", nên các con cháu của ông đều đổi ra họ Mã.

Khi Mã Viện còn làm đốc bưu ở Quận Trung. Một hôm, khi trên đường áp giải tù nhân sang phủ Tư Mệnh, vì quá thương tù nhân, nên ông đã thả họ về rồi bỏ trốn sang quận Bắc Địa sống bằng nghề chăn nuôi, nhiều người được tin đều kéo đến theo ông. Ông thường nói với đám môn khách rằng: "Đại trượng phu muốn lập chí, nghèo thì phải vững vàng, già mà vẫn coi mình như thời còn trẻ khỏe. Phàm là của cải tài sản, nó đáng quý là ở chỗ đem bố thí và biếu tặng cho mọi người, bằng không thì mình sẽ trở thành kẻ bo bo giữ của trong nhà mà thôi". Do đó, ông đã chia một phần tài sản của mình cho bạn bè, còn bản thân mình thì sống cuộc đời hết sức đạm bạc.

Năm Kiến Võ thứ 8, Quang Võ Đế tự thống lĩnh quân mã đi thảo phạt Khôi Hiu. Mã Viện đem gạo ra đắp thành sa bàn, rồi hiến kế cho nhà vua cách dụng binh, phân tích tình hình hết sức thấu đáo. Hán Quang Đế thấy vậy phấn khởi nói: "Kẻ địch khác nào nằm gọn trong tầm tay ta". Sau đó, đại quân của Khôi Hiu nhanh chóng bị tiêu diệt. Mã Viện dùng gạo đắp sa bàn là một nguyên nhân quan trọng khiến trận đánh này giành được toàn thắng, đồng thời cũng là một sự sáng tạo trong lịch sử chiến tranh.

Năm Kiến Võ thứ 11, bộ tộc người Khương vẫn thường xuyên quấy nhiễu miền biên thùy, Hán Quang Đế cử Mã Viện ra làm Quận thú Quận Lũng Tây, ông dẫn đầu quân sĩ xông pha trận mạc, bắp đùi ông bị quân giặc bắn thủng. Hán Quang Đế được tin liền tặng cho ông mấy nghìn con bò cừu, nhưng Mã Viện vẫn như trước đem phân chia cho các tướng sĩ. Đến năm Kiến Võ thứ 13, thủ lĩnh người Khương liên hợp với các bộ lạc ở biên giới phát động nổi loạn. Khi Mã Viện dẫn quân đến nơi thì phát hiện người Khương chiếm cứ trên đỉnh núi. Ông bèn đóng quân vây chặt, cắt đứt nguồn nước, khiến người Khương lâm vào cảnh khốn quẫn, thủ lĩnh người Khương dẫn hơn mấy trăm nghìn hộ trốn ra miền biên giới, còn lại hơn chục nghìn người đều bị bắt làm tù binh. Từ đó, Lũng Hữu được yên ổn. Mã Viện làm thái thú Lũng Tây được 6 năm. Hán Quang Võ Đế phong ông làm Phục Ba tướng quân. Sau đó, ông dẫn quân đánh bại Giao Chỉ, được triều đình phong làm Tân Tức Hầu.

Năm Kiến Võ thứ 24, miền nam xảy ra bạo loạn, Mã Viện lúc đó tuy đã 62 tuổi, mà vẫn xin phép đi nam chinh. Ông dẫn quân đến đóng tại Hồ Đầu, chiếm cứ nơi hiểm yếu, giữ chặt cửa ải, nhưng vì khí trời nóng bức, có rất nhiều binh sĩ bị chết vì say nắng, bản thân ông cũng bị bệnh nặng, tình hình vô cùng nguy khốn, ông bèn ra lệnh cho các tướng sĩ đào hầm ở bên bờ sông để tránh nắng. Giữa lúc này, tên Cảnh Thư đã mật báo cho Hán Quang Võ Đế biết rõ tình hình, nhà vua bèn cử trung lang tướng Lương Tùng ra thôi thúc và giám sát quân đội của Mã Viện.

Nhưng khi Lương Tùng đến nơi thì Mã Viện đã qua đời. Mã Viện sinh thời vẫn thường ăn một loại thực vật gọi là Ý dĩ, loại thực vật này có thể điều trị bệnh phong thấp gân cốt, loại trừ tà phong, ông chất đầy một xe đem về nhà làm giống, mọi người thấy vậy đều lầm tưởng là đặc sản quý hiếm của miền nam, họ không được chia đều ấm ức, rồi đặt điều nói xấu Mã Viện. Sau khi Mã Viện qua đời, Mã Võ, Hầu Lập và một số người khác đều nói Mã Viện đích thực có đưa về một xe đồ vật quý hiếm, Hán Quang Võ Đế nghe vậy vô cùng tức giận. Người nhà Mã Viện không hiểu tại sao nhà vua lại tức giận, cũng chẳng hiểu Mã Viện đã phạm tội gì, nên đều lo lắng không yên. Thi hài của Mã Viện được đưa về rồi vội mai táng, bạn bè thân thích của ông đều không ai dám đến viếng tang. Khi vợ con Mã Viện đến triều đình nhận tội, nhà vua đưa bản tấu chương của Lương Tùng ra cho họ xem, bấy giờ mọi người mới vỡ lẽ đây là một sự hiểu nhầm. Vợ Mã Viện đã 6 lần dâng thư minh oan, Hán Quang Võ Đế mới ra lệnh hậu táng cho Mã Viện. Năm Kiến Sơ thứ 3, Tiêu Tông cử năm cung trung lang tướng làm lễ truy phong Mã Viện là Trung Thành Hầu.