Nghe Online
Vương Mãng Vương Mãng sinh năm 45 trước công nguyên, mất vào năm 23 công nguyên, làm vua triều mới trong 15 năm, là một trong những nhân vật được lịch sử TQ tranh luận nhiều nhất trong gần 2000 năm nay, có người gọi ông là nhà cải cách, có người chê trách ông là một người ngông cuồng phục cổ, có người ví ông là "Chu Công tái thế", là tấm gương của trung thần hiếu tử, cũng có người gọi ông là tên trùm sỏ gian hùng tặc tử, vân vân và vân vân.
Hán Thành Đế là một ông vua hoang dâm, sau khi lên làm vua , mọi quyền hành nhà nước đều rơi vào tay họ hàng bên ngoại, các anh em của Hoàng thái hậu Vương Chính Quân đều được phong hầu, trong đó Vương Phượng được phong làm đại tư mã, đại tướng quân. Sau khi lên nắm quyền, mấy anh em và con cháu của Vương Phượng đều hoành hành ngang ngược, ăn chơi xa xỉ, chỉ có thằng cháu Vương Mãng vì cha mất sớm là không dính vào tật xấu này, cậu rất bình thường như bao người học hành khác, sống rất cần kiệm, mọi người đều nói Vương Mãng là một người tốt nhất trong số các con cái của nhà họ Vương. Sau khi Vương Phượng qua đời, hai người anh của Vương Phượng lần lượt thay nhau làm tư mã, về sau mới đến lượt Vương Mãng. Vương Mãng chủ trương chiêu hiền nạp sĩ, nên được khá đông người xin theo.
Sau khi Hán Thành Đế mất chưa đầy 10 năm, mà đã đổi thay hai ông vua, đó là Ai Đế và Bình Đế. Khi Hán Bình Đế lên ngôi mới được 9 tuổi, quyền hành nhà nước đều nằm trong tay Đại tư mã Vương Mãng. Những kẻ tâng bốc đều nói Vương Mãng là công thần giữ cho triều nhà Hán được yên ổn, họ xin với Hoàng Thái Hậu phong Vương Mãng làm An Hán Công.
Vương Mãng không muốn chịu phong, thì càng có nhiều người yêu cầu Hoàng Thái Hậu gia phong. Số đại thần, quan lại địa phương và dân chúng dâng thư yêu cầu đã lên tới hơn 480 nghìn người. Có người còn thu tập văn tự ca tụng Vương Mãng, cộng hơn 30 nghìn chữ. Vương Mãng uy tín càng cao, càng có lắm kẻ tâng bốc thì Hán Bình Đế càng cảm thấy Vương Mãng thật đáng sợ, thật đáng ghét. Vì Vương Mãng không cho phép mẹ vua ở bên cạnh vua, và giết sạch họ hàng bên cậu của vua. Hán Bình Đế dần dần khôn lớn, thì không sao tránh khỏi bộc lộ nỗi oán giận. Khi các đại thần đến chúc thọ Hán Bình Đế, Vương Mãng đã dâng cho nhà vua một chén thuốc độc, nhà vua uống xong mấy ngày sau thì băng hà. Vương Mãng lại còn giả bộ khóc lóc rất thảm thiết. Hán Thành Đế mất vào năm 14 tuổi, chưa có con cái. Vương Mãng bèn đưa một đứa trẻ hai tuổi trong vương thất họ Lưu ra lập làm Hoàng thái tử. Còn mình tự xưng là "Giả hoàng đế".
Có một số quan chức muốn làm nguyên huân dựng nước, họ đã khuyên Vương Mãng lên ngôi vua, bản thân Vương Mãng cũng cảm thấy mình là vua tạm thời không bằng làm một ông vua thật. Nên đám người xu nịnh tâng bốc này liền nặn ra rất nhiều điều mê tín để lường gạt người. Nào là đã tìm thấy sách nói "Vương Mãng là chân mệnh thiên tử ", nào là đã phát hiện một cái tráp đồng trong miếu Hán Cao Tổ nói rằng "Hán Cao Tổ nhường ngôi cho Vương Mãng" v v, Vương Mãng nổi tiếng là người luôn từ chối thăng phong, thì lần này không còn từ chối nữa.
Năm thứ 8 công nguyên, Vương Mãng chính thức lên ngôi hoàng đế, đổi quốc hiệu là Tân, thủ đô vẫn đặt tại Tràng An. Vương triều Tây Hán bắt đầu từ thời Hán Cao Tổ xưng đế, đã thống trị được 210 năm. Vương Mãng lên ngôi vua liền bắt đầu phục cổ cải chế, ra lệnh biến pháp. Một là, đem đất đai trong cả nước sửa làm "Vương điền", không cho phép mua bán. Hai là, gọi nô tỳ là "Tư thuộc", không cho phép mua bán. Ba là, đặt ra giá cả, cải cách tiền tệ. Có những cải cách nghe ra rất hợp lý, nhưng đều thực thi không đâu vào đâu. Do bị quý tộc và cường hào phản đối, nên chế độ cải cách ruộng đất và việc tư thuộc nô tỳ đều không thể nào thi hành được. Quyền ổn định giá cả đều nằm trong tay quý tộc quan liêu, họ lợi dụng chức quyền buôn gian bán lậu, tham ô bắt chẹt, ngược lại càng làm tăng thêm nỗi thống khổ cho nhân dân.
Tiền tệ cải cách đã mấy lần, mà càng cải cách mệnh giá càng nhỏ, trị giá càng cao, dân chúng vô tình bị mất oan một khoản tiền. Nên việc phục cổ cải cách không những bị nông dân phản đối, mà nhiều địa chủ cỡ trung tiểu cũng không ủng hộ. Ba năm sau, Vương Mãng lại ra lệnh, vương điền, nô tỳ đều có thể mua bán. Vương Mãng còn muốn mượn cớ chiến tranh đối ngoại để làm dịu mâu thuẫn trong nước, việc này đã dẫn tới bị Hung Nô, các bộ tộc ở Tây vực và Tây nam phản đối. Quan bức thì dân phản, nên năm 25 công nguyên, Lưu Tú đã khởi binh lật đổ Tân vương triều của Vương Mãng, vương triều Đông Hán ra đời. |