Hàm ý: Phàm là các vị thuốc có thể bổ hư trợ yếu, uốn nắn sự lệch hướng của quá trình và nguyên nhân mắc bệnh do khí huyết, âm dương trong cơ thể con người suy yếu gây nên, lấy chữa trị chứng hư là chính đều được coi là thuốc bổ hư.
Trong khi sử dụng thuốc bổ hư, cần phải nhớ rằng, thuốc bổ hư ngoài tác dụng bổ hư trợ yếu ra, còn thường xuyên dùng chung với các vị thuốc khác để đạt mục đích hộ chính khử tà, đồng thời cũng có thể dùng chung với những vị thuốc dễ phương hại tới chính khí nhằm bảo hộ chính khí và đề phòng xuất hiện chứng hư khác.
Những điều cần phải lưu ý cụ thể trong khi sử dụng thuốc bổ hư là: Trước tiên phải đề phòng trường hợp bổ không thích hợp sẽ dẫn đến bổ nhầm. Trường hợp thật sự xuất hiện tà khí mà chính khí không hư, nếu sử dụng nhầm thuốc bổ hư thì sẽ có tác dụng trợ giúp bệnh tật. Thuốc bổ hư chủ yếu có tác dụng bổ hư trợ yếu, nhằm uốn nắn sự lệch hướng bệnh lý do khí huyết, âm dương trong cơ thể con người suy yếu gây nên. Dùng thuốc bổ hư quá mức để đạt mục đích tăng cường sức khỏe, rất có thể phá hoại sự cân bằng tương đối giữa âm và dương trong cơ thể con người, gây nên những diễn biến mới về quá trình và nguyên nhân mắc bệnh. Hai là nên tránh trường hợp cần bổ hư mà không được bổ một cách thích hợp. Thí dụ như không phân biệt khí hư hay là huyết hư, không phân biệt âm hư hay là dương hư, không phân biệt chứng hư xuất hiện ở bộ phận nào cũng như không rõ hư hàn hay là hư nhiệt mà sử dụng thuốc bổ hư một cách mù quáng, không những không thể đạt được hiệu quả chữa trị như dự kiến, mà còn có thể gây nên hậu quả không tốt.
Nếu người bệnh âm hư mà bị nhiệt sử dụng nhầm thuốc bổ dương mang tính ôn nhiệt, thì sẽ trợ nhiệt thương âm; trường hợp chứng dương hư mà bị hàn nếu sử dụng nhầm thuốc bổ âm mang tính hàn sẽ trợ hàn thương dương. Điều thứ ba cần phải lưu ý trong khi sử dụng thuốc bổ hư là: Thuốc bổ hư có tác dụng hộ chính khử tà, không những cần phải phân biệt rõ chủ yếu và thứ yếu, xử lý tốt quan hệ giữa khử tà và hộ chính, hơn nữa nên tránh sử dụng thuốc bổ hư có thể ảnh hưởng tới tác dụng khử tà, đạt mục đích khử tà mà không phương hại tới chính khí, bổ hư mà không lưu tà. Bốn là cần phải lưu ý bổ đi đôi với hành, đạt mục đích bổ mà không bị ứ. Một số thuốc bổ hư với tính nhuận và chất ngấy, không dễ tiêu, nếu dùng quá liều hoặc dùng cho người bệnh chức năng tỳ suy yếu sẽ có thể ảnh hưởng tới chức năng hoạt động và chức năng tiêu của tỳ, vị, cho nên cần phải sử dụng thích hợp thuốc bổ hư, hoặc phối chế với các vị thuốc kiện tỳ, trợ tiêu đồng thời có tác dụng bảo vệ chức năng tỳ,vị một cách thích đáng, bên cạnh đó thuốc bổ khí còn phải phối hợp với thuốc hành khí hoặc khử thấp, tiêu đờm, thuốc bổ máu cần phải dùng chung với thuốc hành huyết. Ngoài ra, khi sắc thuốc bổ hư nói chung nên dùng lửa nhỏ và sắc lâu hơn, như vậy mới có thể khiến thuốc đậm hơn và tận dụng tối đa dược hiệu của thuốc. Nói chung chứng hư và suy yếu cần có quá trình điều trị khá dài, thuốc bổ hư nên làm thành các dạng thuốc tiện cho cất giữ, giữ được lâu, tiện cho sử dụng như thuốc viên bọc sáp, thuốc kem, thuốc nước uống và có thể tăng thêm dược hiệu của thuốc.
Sự phân loại của thuốc bổ hư: Căn cứ sự khác nhau về tính năng, công hiệu và phạm vị thích hợp của chứng bệnh, thuốc bổ hư có thể chia làm thuốc bổ khí, thuốc bổ dương, thuốc bổ máu và thuốc bổ âm. |