Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Văn hóa truyền thống Trung Quốc—Tết Nguyên Đán
   2006-01-25 13:32:43    cri
Tết Nguyên Đán là ngày lễ long trọng nhất trong năm của người Trung Quốc. Mặc dù cùng với sự biến thiên của thời đại, nội dung của Tết Nguyên Đán đang thay đổi, phương thức ăn tết cũng đang thay đổi, nhưng vị thế của Tết Nguyên Đán trong đời sống và ý thức của mọi người vẫn không thể thay thế được.

Được biết, Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc đã có 4000 năm lịch sử, nhưng ban đầu không gọi là Tết Nguyên Đán, cũng không có thời gian cố định. Năm 2100 trước Công nguyên, người Trung Quốc tính năm theo quy luật vận động của sao Mộc, cho nên gọi Tết Nguyên Đán là "Tuế". Đến Năm 1000 trước Công nguyên, mọi người gọi Tết Nguyên Đán là "Niên". Chữ "Niên" lúc đó có ý nghĩa được mùa, được mùa gọi là "Hữu Niên", được mùa lớn gọi là "Đại Hữu Niên".

Theo phong tục tập quán dân gian Trung Quốc, Tết Nguyên Đán bắt đầu từ 23 tháng chạp âm lịch, cho đến Tết Nguyên Tiêu rằm tháng giêng mới kết thúc, thời gian ăn tết khoảng 3 tuần. Trong thời gian này, Đêm giao thừa và mồng một tháng giêng là lọng trọng nhất.

Ở các nơi Trung Quốc, mọi người có thói quen truyền thống ăn tết khác nhau, nhưng dù ở miền Bắc hay là miền Nam, cả nhà đều đoàn tụ ăn bữa cơm tất niên vào đêm giao thừa. Ở miền Nam, mâm cơm đoàn tụ có mười mấy món ăn, trong đó nhất thiết phải có đậu phụ và cá, vì hai món này đồng âm với từ "Phú Dụ" trong tiếng Trung, có nghĩa là giàu có. Ở miền Bắc, mâm cơm đoàn tụ phần lớn là sủi cảo. Các loại thức ăn truyền thống trong Tết Nguyên Đán còn bao gồm bánh trưng và bánh trôi làm bằng bột nếp, những món ăn này tượng trưng mức sống hằng năm nâng cao, cả nhà đoàn tụ, gia đình hạnh phúc.

Vào đêm giao thừa phải đón giao thừa, đây cũng là một truyền thống của Tết Nguyên Đán. Vào đêm này, mọi người tiễn năm cũ đón năm mới trong bầu không khí vui mừng. Trước kia, khi đón chào năm mới, mọi người đốt pháo để chúc mừng. Phong tục thói quen này có nguồn gốc xua đuổi những điều không lành, hiện nay xét từ nguyên nhân an toàn và ô nhiễm, ở nội thành Bắc Kinh và một số thành phố lớn đã hạn chế đốt pháo ở khu phố sầm uất. Nhưng ở khu vực nông thôn rộng lớn, đốt pháo vẫn là một hoạt động không thể thiếu được. Mồng một tết, mọi người đều mặc áo đẹp, bắt đầu đón tiếp khách khứa đến thăm hoặc ra ngoài chúc tết. Mấy năm gần đây, thành phố Bắc Kinh và một số thành phố lớn tổ chức lễ hội đình chùa truyền thống ở công viên trong thời gian ăn tết, trong các lễ hội đình chùa tập hợp các loại biểu diễn về phong tục tập quán dân gian như nặn tò he, kết nút Trung Quốc, múa sư tử, múa chèo thuyền v.v., thu hút muôn vàn người đến xem.

Dán câu đối tết, tranh tết, chơi hoa đăng cũng là nội dụng mừng năm mới. Cùng với mức sống được nâng cao, trong khi duy trì thói quen ăn tết truyền thống, mọi người cũng phát triển những hoạt động mới, ví dụ, đi trượt tuyết ở sân trượt tuyết, hẹn mấy bạn cùng chơi trò chơi in-tơ-nét v.v. Ngoài ra, du lịch trong và ngoài nước cũng trở thành một mốt mới của người Trung Quốc. Theo tin của Sở Du lịch thành phố Bắc Kinh, chi tiêu của các gia đình Trung Quốc cho du lịch trong dịp tết ngày càng gia tăng qua từng năm.

Ngoài ra, Trung Quốc là một quốc gia nhiều dân tộc, ngoài dân tộc Hán ra, còn có 55 dân tộc thiểu số. Tuy họ có ngôn ngữ, chữ viết khác nhau, phương thức cuộc sống và phong tục tập quán cũng khác nhau, nhưng đa số dân tộc thiểu số đều coi Tết Nguyên Đán là một ngày lễ quan trọng của dân tộc mình để chào mừng. Hoạt động ngày lễ của các dân tộc thiểu số như Ơ-luân-xuân, Ta-hua, Triều Tiên, Mèo, Dao, Xá, Kinh v.v., vẫn đậm đà bản sắc dân tộc mình.