Bác sĩ Vương Bảo Tây, Chủ nhiệm Khoa nhi, bệnh viện Đường Đô thuộc trường Đại học Quân y số 4 cho biết: Bình thường miệng của trẻ sơ sinh không có mùi hôi hoặc hơi có mùi sữa, vì vậy, khi miệng bé có mùi hôi, thì cha mẹ phải chú ý, đây có lẽ là triệu chứng của một số bệnh.
Bé bị viêm lợi hoặc răng mọc không đều, thức ăn giắt ở kẽ răng, nên miệng bé có mùi hôi.
Chuyên gia nhắc nhở, sau khi bé mọc răng, cha mẹ có thể lấy vải màn quấn vào đầu ngón tay, lau răng cho bé. Mỗi khi bé ăn xong, bón cho bé mấy thìa nước ấm cũng có tác dụng như súc miệng.
Bé lên hai tuổi phải hướng dẫn bé tập súc miệng, ngậm nước trong miệng súc mấy lần rồi mới nhổ ra, chứ không phải chỉ ngậm nước trong miệng.
Bé được khoảng 3 tuổi phải tập đánh răng. Sau khi bé mọc đủ răng sữa nên ăn những thức ăn cần phải nhai, không nên vẫn chỉ ăn những thức ăn loãng và mềm. Hiện nay, phần lớn gia đình đều có máy sinh tố, nhưng không nên uống nước sinh tố và nước rau thay cho ăn hoa quả và ăn rau. Bé nhai là điều kiện kích thích để cho xương hàm được phát triển bình thường, xương hàm phát triển bình thường mới có chỗ để mọc răng vĩnh viễn giúp cho răng vĩnh viễn mọc đều.
Chuyên gia nhắc nhở, bé phải uống nhiều nước mới không bị táo bón. Bé chóng lớn là không thể thiếu chất Prô-tít, nhưng lượng Prô-tít vừa đủ mới có lợi. Nếu như bé chỉ ăn thịt, trứng, sữa thì sẽ bị táo bón, miệng có mùi hôi. Luyện cho bé đi ngoài có giờ giấc, sau khi ăn cơm tối khoảng 30 phút cho bé đi ngoài, dần dần thành thói quen. Trong khi đi ngoài nếu bé quấy khóc, kêu đau hậu môn, có thể là do thường xuyên bị táo bón, làm nứt hậu môm. Đừng cho là bé không ngoan, chữa khỏi rồi bé đại tiện được sẽ không đau nữa.
Mũi và họng thông với nhau, lúc còn nhỏ nhiều người bị chảy máu cam. Sau khi chảy máu cam, máu dính lại trong mũi đã trở thành nơi để vi trùng sinh sôi nẩy nở, nên có mùi hôi.
Chuyên gia nhắc nhở, bổ sung vitamin C có thể tăng thêm độ chắc khỏe của mạch máu niêm mạc mũi, sẽ đỡ bị chảy máu cam. Không nên để cho bé thường xuyên móc mũi, thấy bé bị ngạt một bên mũi, nghi là có thứ gì ở trong mũi, không nên ở nhà "móc" hoặc "khều" ra, mà phải lập tức đưa đi bệnh viện để lấy.
Những trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, do máu không bình thường, trong miệng có mùi như mùi táo thối. Những trẻ em bị ngộ độc, miệng sẽ có mùi hôi rất đặc biệt. Chẳng hạn bị ngộ độc do ăn loại hạnh nhân đắng trong miệng sẽ có mùi hạnh nhân đắng v.v.
Chuyên gia nhắc nhở, mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 phần lớn là do di truyền. Bố mẹ, hoặc có bố hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường, thì phải cảnh giác; Bé có thể bị ảnh hưởng của nguyên nhân di truyền nên mắc bệnh từ nhỏ. Xuất hiện bất cứ triệu chứng tương quan nào, như: Uống nhiều nước, đi giải nhiều, ăn nhiều, sút cân, thì phải đưa bé đến bệnh viện khám bệnh. |