Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Bà Vương Quế Phương với Viện kính lão miền núi của mình
   2009-07-09 17:27:28    cri

Nghe Online

Bà Vương Quế Phương

Vùng núi sâu miền bắc tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc có Viện kính lão thị trấn Thái An huyện Nghi Quân. Từ khi thành lập vào năm 1985 tới nay, những cụ già đến đây ở rồi lại đi, chỉ có viện trưởng Vương Quế Phương là cương quyết "Đóng chốt" ở đây suốt trong 24 năm qua. Bà từ một cô gái hay hát hay cười năm nào nay đã trở thành bà cụ lục tuần mái tóc hoa râm.

Mười căn nhà một tầng và mười căn nhà hang vây thành hai dãy nhà của Viện kính lão. Giá gỗ trong Viện kính lão xếp ngay ngắn những bắp ngô năm nay mới thu hoạch, cửa Nhà hang treo đầy những chuỗi ớt đỏ rực mà người Thiểm Bắc thích ăn, cây Hồng ra quả như những chiếc đèn lồng treo trên cao. Trong ngoài nhà tràn đầy ánh nắng ấm áp cuối Thu. Trong sân Viện kính lão, mấy cụ già vừa ngồi phơi nắng vừa tẽ hạt ngô, mấy cụ già khác thì đang cho gà ăn...

Tần Xoang là loại kịch địa phương giọng cao thịnh hành ở tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc, bà Quế Phương lúc trẻ có giọng ca kịch hay trong thôn. Ngày thường cho dù là phấn khởi hay là buồn phiền, bà Vương Quế Phương cũng tự ngâm nga vài câu. Hỏi bà tại sao lúc ấy lại đến Viện kính lão, nay bà Phương đã 60 tuổi không biết nói thế nào, chỉ thở dài nói :

Tôi thành lập gia đình đến ở nhà chồng, điều kiện gia đình lúc bấy giờ khó khăn. Chồng tôi không được khỏe, còn có ba đứa con nhỏ. Trong nhà còn có bà nội chồng và bố mẹ chồng. Quan hệ giữa tôi và bậc trên rất đằm thắm. Chúng tôi không những nuôi cả nhà, mà còn nuôi cả người bác, bác ấy không có con cái. Mọi người trong thôn đều nói tôi là con dâu hiếu thảo. Khi Thị trấn thành lập Viện kính lão tìm người phụ trách Viện này, rất nhiều người nêu tên tôi. Lúc ấy tôi nghĩ việc này cũng dễ dàng, không ngờ thật khó khăn.

Phóng viên phỏng vấn tại Viện kính lão miền núi của bà Vương Quế Phương

Từ khi đến Viện kính lão, bà Vương Quế Phương như chiếc đinh đóng mình trong Viện kính lão. Hàng ngày trời chưa sáng, bà đã dậy sớm gánh nước, nấu cơm, chăm sóc người già ăn uống. Bà còn giúp những người già đi lại bất tiện đi nhà vệ sinh, bón cho họ ăn uống. Sau khi làm hết những công việc này, bà Phương còn phải lo tới hai con lợn và mười mấy con gà của Viện kính lão đã có người cho ăn chưa. Ngoài ra, Viện kính lão còn có mười mấy mẫu đất trồng trọt, cứ có thời gian là bà Phương lại đi làm ruộng.

Công việc của Viện kính lão vừa vất vả lại bẩn thỉu, lương lại không cao. Nhất là có lúc gặp phải những người già khó tính, còn bị gắt gỏng trách mắng. Không ít người làm việc ở đây không bao lâu lại bỏ việc, chỉ có bà Phương lẳng lặng ở lại. Không phải bà muốn ở lại, mà là bà không nỡ để những người già này không có người chăm sóc. Bà Vương Quế Phương nói :

Có lúc tôi cũng không cầm được nước mắt, nhưng không nỡ để mặc các cụ. Có người già tính tình quái gở, người không kiên nhẫn sẽ cãi nhau với họ, như thế không được. Họ cáu gắt thì người phục vụ không thể gắt gỏng, đôi khi còn phải như là vỗ về trẻ con nữa.

Các cụ đến ở Viện kính lão đều là người già ở các thôn của thị trấn Thái An, họ đều là người già cô đơn không có con cái. Trong đó có người kém trí khôn, có người bị câm điếc, còn có người bị tàn tật, nằm liệt trên giường. Sau khi người già đến Viện kính lão, bà Phương hiền hậu săn sóc gần gũi các cụ tới nơi tới chốn như cha mẹ mình.

Cụ Vương Nguyên Phú 74 tuổi, khi mới đến ở Viện kính lão không tự lo liệu sinh hoạt được, bà Phương phải giúp cụ tắm rửa, dìu cụ đi phòng vệ sinh. Sau đó nghe nói ở thị trấn có bác sĩ Đông y giỏi, bà Phương mời bác sĩ tới khám bệnh và bốc thuốc cho cụ Phú. Sau mấy năm điều dưỡng, sức khỏe cụ Phú dần dần hồi phục, nay cụ Phú đã có thể tự ngồi dậy đi lại bình thường.

Tốt, ở đây cũng tốt lắm, ăn ngon, bà ấy mua nhiều thức ăn cho chúng tôi ăn, đối xử với chúng tôi tốt lắm.

Một cụ ở Viện kính lão trả lời phỏng vấn

Huyện Nghi Quân núi nhiều đất ít, luôn là huyện nghèo của Trung Quốc, đời sống nông dân cả huyện đều không được khá giả, tài chính địa phương thị trấn Thái An cũng rất có hạn. Nhưng nhiều năm qua, Chính quyền thị trấn vẫn ủng hộ mạnh mẽ Viện kính lão. Chủ tịch thị trấn Thái An Lý Diên Sinh nói :

Từ khi bắt tay xây dựng Viện kính lão cho tới nay, Chính quyền thị trấn luôn ra sức ủng hộ Viện kính lão. Bắt đầu là điều chỉnh ra mấy chục mẫu đất cho Viện kính lão, để họ lấy Viện kính lão nuôi Viện kính lão. Chính quyền thị trấn không thu tiền thuê đất, để họ tự nuôi trồng. Sau đó theo đà xã hội tài trợ các mặt tăng lên, chính quyền thị trấn đều chuyển tài trợ cho Viện kính lão, mỗi năm thị trấn cho khoảng 10 nghìn Nhân dân tệ. Nếu có khó khăn, thị trấn còn cử người chuyên trách công việc Viện kính lão.

Năm tháng thấm thoát trôi qua, bà Vương Quế Phương đã làm việc ở Viện kính lão 24 năm lúc nào không hay. Người già ở đây tuy không nhiều, nhưng công việc lặt vặt, cả ngày không lúc nào dừng tay. Bà Vương Quế Phương có 3 con, nhưng thường không có thời gian chăm sóc con cái. Con bà có lúc không thông cảm, thậm chí còn trách móc bà. Nhắc tới gia đình mình, bà Vương Quế Phương rơm rớm nước mắt :

Những năm ấy, ba cháu còn nhỏ, đều đang đi học. Tôi cảm thấy không làm tròn bổn phận đối với các cháu. Chồng tôi lại không khỏe mạnh. Chồng tôi lúc khỏe mạnh cũng rất ủng hộ tôi, tháng 5 năm nay ông xã tôi đã qua đời, gây chấn động mạnh,khiến tôi bàng hoàng.

Nay các con của bà đều lớn cả, họ dần dần thông cảm mẹ, mà còn cùng gánh vác chia sẻ giúp bà. Mùa màng bận rộn, con trai, con dâu, con gái, con rể, em trai và em gái của bà đều tới Viện kính lão giúp đỡ. Ông Vương Thọ Nguyên em trai bà cách đây 3 năm dọn đến luôn Viện kính lão.

Con trai của bà Vương Quế Phương trả lời phỏng vấn

Sự tích bà Vương Quế Phương chăm sóc người già Viện kính lão trong suốt mấy chục năm đã dần dần được mọi người biết đến. Năm ngoái, bà được bầu là "Một trong mười Nhân vật cảm động lòng người nhất" của tỉnh Thiểm Tây. Bà Phương chẳng bao giờ nghĩ tới vinh dự gì, chỉ cảm thấy mọi người ai cũng có lúc già cả, kính trọng và yêu mến người già là truyền thống của dân tộc Trung Hoa chúng ta. Nhất là lãnh đạo chính quyền thị trấn và huyện luôn hết sức ủng hộ công tác của bà Phương, hàng năm cơ quan dân chính huyện đều chi khoản tiền riêng cho Viện kính lão, còn phân phát quần áo mới cho các cụ. Phó Trưởng phòng Dân chính huyện Vương Tân Nghi nói :

6 cụ trong Viện kính lão đều hưởng trợ cấp tối thiểu, mỗi người 35 đồng/tháng, ốm đau đã có Y tế hợp tác nông thôn. Người già qua đời, Cục Dân chính cũng cho trợ cấp nhất định. Thị trấn Thái An tương đối hẻo lánh, bà Vương Quế Phương đã nỗ lực hết mình, bản thân chịu nhiều thiệt thòi, bà có tinh thần hiến dâng này thật là đáng quí.

Mặt trời xế bóng, bên ngoài dần dần se lạnh, các cụ già đều về nhà hàng của mình. Bà Phương bận rộn trong bếp, chuẩn bị bữa cơm tối cho các cụ. Các cụ già trong Viện kính lão tuy người nào người nấy đều độ tuổi gần đất xa trời và không có con cái, nhưng có bà Vương Quế Phương, nên trong lòng họ luôn cảm thấp ấm áp.