Nghe Online
So với nhiệt điện tạo ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì điện chạy bằng sức gió là nguồn năng lượng xanh, hầu như hoàn toàn không gây ô nhiễm, cũng không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái. Chính vì có những ưu thế này, năng lượng gió được Trung Quốc coi là một trong những trọng điểm phát triển năng lượng mới.
Trung Quốc là một nước có tài nguyên sức gió phong phú, tài nguyên sức gió có thể khai thác được đạt khoảng 1 tỷ ki-lô-oát. Điều này có nghĩa là, nếu tài nguyên sức gió của Trung Quốc được khai thác 60%, thì đáp ứng được nhu cầu điện cả năm của Trung Quốc hiện nay.
Những năm qua, dưới sự hỗ trợ về chính sách và tiền vốn của Chính phủ, công suất điện chạy bằng sức gió của Trung Quốc mỗi năm một tăng. Năm 2005, công suất điện gió cả nước Trung Quốc là 1,26 triệu ki-lô-oát. Sau 3 năm ngắn ngủi, con số này đã tăng gần 11 lần. Vì vậy Trung Quốc đã trở thành nước lớn phát điện bằng sức gió với công suất vượt quá hàng chục triệu ki-lô-oát, chỉ đứng sau Mỹ, Đức và Tây Ban Nha. Ông Sử Lập Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái sinh Cục Năng lượng Nhà nước Trung Quốc cho biết:
"Công suất điện chạy bằng sức gió của Trung Quốc đã tăng nhiều lần. Tính đến cuối năm 2008, công suất điện gió của Trung Quốc lên tới 12 triệu ki-lô-oát, hiện nay xếp thứ 4 trên thế giới. Trong 3 năm qua, công suất điện gió liên tiếp tăng mạnh. Tính theo tốc độ tăng trưởng hiện nay, đến cuối năm 2010, công suất điện gió Trung Quốc có thể lên tới 30 triệu ki-lô-oát."
Trong quá trình phát triển năng lượng gió, những doanh nghiệp khai thác năng lượng mới của Trung Quốc đã đóng vai trò không thể coi nhẹ. Tập đoàn Điện lực Long Nguyên Trung Quốc là một trong những doanh nghiệp sản xuất điện gió lớn nhất Trung Quốc, 4 năm trước Tập đoàn Điện lực Long Nguyên thành lập một công ty sản xuất điện gió ở tỉnh Giang Tô có tài nguyên sức gió phong phú, chuyên trách khai thác, xây dựng và kinh doanh các dự án điện chạy bằng sức gió ở vùng duyên hải tỉnh Giang Tô. Theo kế hoạch, đến tháng 10 năm nay, tổng công suất của công ty này sẽ đáp ứng được nhu cầu điện cả năm của 800 nghìn hộ gia đình thành thị và nông thôn. Ông Hoàng Quần, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Long Nguyên cho biết, do có triển vọng rộng mở, công ty sẽ tiếp tục tăng nhanh tốc độ xây dựng các dự án sản xuất điện từ gió. Ông nói:
"Tính đến nay, Tập đoàn Long Nguyên đã triển khai dự án điện chạy bằng sức gió ở 16 tỉnh và khu tự trị, chúng tôi dự định đến năm 2010 công suất điện gió lên tới 6 triệu ki-lô-oát, đến năm 2012 công suất lên tới 9 triệu ki-lô-oát, đến năm 2020 vượt quá 20 triệu ki-lô-oát."
Con số do Cục Năng lượng Nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy, hơn 20 tỉnh và khu tự trị của Trung Quốc đã khai thác xây dựng nhà máy điện chạy bằng sức gió, gần 240 nhà máy điện chạy bằng sức gió đã hoàn thành, hơn 11 nghìn tổ máy phát điện bằng sức gió được lắp đặt.
Tài nguyên sức gió Trung Quốc không những phong phú, mà còn được phân bố khá đồng đều. Vùng duyên hải miền đông nam cũng như Tân Cương và Nội Mông nằm ở miền tây bắc đều là khu vực có trữ lượng sức gió khá phong phú, điều này đã tạo tiện lợi cho tập trung khai thác và sử dụng năng lượng gió.
Ông Sử Lập Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái sinh Cục Năng lượng Nhà nước Trung Quốc cho biết, Trung Quốc không những đã thực hiện tăng trưởng nhanh chóng về quy mô công suất điện gió, mà còn thu được tiến bộ rõ rệt về chế tạo thiết bị phát điện bằng sức gió. Phó Vụ trưởng nói:
"Chúng tôi đã thu được tiến bộ rất nhanh về chế tạo thiết bị phát điện bằng sức gió. Năm 2004 chúng tôi chỉ chế tạo được một số ít tổ máy phát điện bằng sức gió với công suất 600 ki-lô-oát, 4 năm sau, chúng tôi đã thực hiện sản xuất công nghiệp tổ máy phát điện bằng sức gió với công suất 1,5 mê-ga-oát và 2 mê-ga-oát. Sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện sản xuất công nghiệp tổ máy phát điện bằng sức gió với công suất 3 mê-ga-oát."
Theo quy hoạch hữu quan, 2 năm tới Trung Quốc sẽ khánh thành hơn 10 cơ sở điện chạy bằng sức gió lớn với công suất hàng triệu ki-lô-oát ở Hà Bắc, Nội Mông, Liêu Ninh, Cát Lâm, Tân Cương v.v., và hình thành bước đầu một số cơ sở điện gió với công suất hàng chục triệu ki-lô-oát. Ngoài khai thác sức gió đất liền ra, Trung Quốc còn sẽ tăng cường xây dựng nhà máy điện chạy bằng sức gió trên biển. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc sẽ cải thiện hơn nữa môi trường chính sách và kỹ thuật, trong khi đưa điện gió vào càng nhiều gia đình, nâng cao hơn nữa khả năng nghiên cứu và chế tạo thiết bị tổ máy phát điện bằng sức gió, khiến ngành công nghiệp điện gió Trung Quốc phát triển ngày càng lành mạnh và bền vững. |