Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Trung Quốc tích cực áp dụng biện pháp đảm bảo việc làm
   2009-03-30 14:57:46    cri

Nghe Online

Thưa quý vị và các bạn, do bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay, một số ngành và doanh nghiệp Trung Quốc đã xuất hiện hiện tượng kinh doanh khó khăn, nhu cầu về lao động giảm thiểu, lao động nông dân buộc phải về quê v.v. Đồng thời, so với những năm trước, sinh viên tốt nghiệp trong năm gặp phải khó khăn nhiều hơn trong khi tìm việc làm. Trong tiết mục "Đời sống kinh tế" hôm nay, Duy Hoa xin giới thiệu tình hình Trung Quốc áp dụng biện pháp làm giảm sức ép việc làm.

"Tôi đã mất việc làm, vì chủ nhà máy có rất nhiều hàng hóa bị ứ đọng, không bán ra được, công nhân không có việc, cho nên tôi đành phải về quê."

Các bạn vừa nghe là tiếng nói của anh Dương Tân Lâm, quê anh ở tỉnh Giang Tây miền trung Trung Quốc. Trước kia anh làm ở một nhà máy đồ chơi tỉnh Quảng Đông, tỉnh phát triển ở vùng duyên hải miền nam, cuối năm 2008 vì đơn đặt hàng của nhà máy giảm thiểu, hiệu quả kinh tế sụt giảm, anh đành phải về quê.

Hiện nay Trung Quốc có khoảng 20 triệu lao động nông dân mất việc làm bởi tình hình kinh tế không mấy sáng sủa, con số này chiếm khoảng 15% tổng số lao động nông dân Trung Quốc.

Nhằm giúp đỡ lao động nông dân về quê tìm được việc làm, sau tết Nguyên Đán—ngày tết truyền thống quan trọng nhất của Trung Quốc, Trung Quốc đã công bố Văn kiện Trung ương số 1 năm 2009, tập trung về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, như vậy Trung Quốc đã liên tiếp 6 năm công bố Văn kiện số 1 về công tác nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ông Trần Tích Văn, quan chức chuyên trách nông nghiệp của Trung Quốc cho biết, trong năm mới Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp hữu hiệu để đảm bảo thu nhập nông dân tiếp tục gia tăng. Ông nói:

"Thứ nhất là yêu cầu các doanh nghiệp ở thành phố và khu vực ven biển phát triển không sa thải hoặc sa thải ít lao động nông dân; thứ hai là cung cấp nhiều cơ hội đào tạo nghề cho lao động nông dân, để tăng cường năng lực tìm việc làm của họ; thứ ba là phải cung cấp tối đa việc làm cho lao động nông dân khi xây dựng cơ sở hạ tầng; thứ tư là Chính phủ giúp đỡ lao động nông dân lập nghiệp."

Các biện pháp nói trên đang được thực hiện ở các nơi Trung Quốc, hiện nay chính quyền tỉnh Giang Tây đã yêu cầu các địa phương thu tập rộng rãi nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, hướng dẫn lao động nông dân đã về quê đến làm ở vườn công nghiệp. Tỉnh Giang Tây còn dự định cấp vốn 200 triệu nhân dân tệ dùng để đào tạo nghề miễn phí cho lao động mới.

Trong khi giúp đỡ lao động nông dân giải quyết việc làm, địa phương còn khuyến khích lao động nông dân trở về quê lập nghiệp. Anh La Tiểu Minh là lao động nông dân về quê ở tỉnh Giang Tây vào tháng 4 năm ngoái do bị doanh nghiệp sa thải, anh đã tham gia chương trình đào tạo miễn phí về kỹ thuật chăn nuôi do chính quyền tổ chức, anh còn nhận được giống thỏ và thức ăn gia súc có chất lượng cao. Hiện nay, anh La Tiểu Minh đã có cơ sở chăn nuôi thỏ. Anh nói:

"Hiện nay một con thỏ có thể cho thu nhập 10 nhân dân tệ, tôi cả thảy nuôi 600 con thỏ, tức là có thể có thu nhập 6000 nhân dân tệ. Nếu không có sự quan tâm, coi trọng của Đảng và Chính phủ, tôi rất có thể hiện nay vẫn ở nhà, không có việc làm, làm sao có thể kiếm được khoản tiền này?"

Một số tỉnh của Trung Quốc đã thông qua các hình thức như tổ chức hội chợ việc làm, công bố thông tin tuyển lao động, giới thiệu việc làm v.v. để thúc đẩy lao động nông dân về quê tìm được việc làm. Chẳng hạn, tỉnh Hà Nam—tỉnh lớn nhất cung cấp lao động của Trung Quốc đã bày tỏ rõ ràng, lao động nông dân về quê lập nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về đóng thuế và bảo lãnh vay vốn nhỏ, các doanh nghiệp do lao động nông dân mở có thể được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế nhà đất trong tình hình gặp khó khăn. Khu Tự trị Quảng Tây cũng đưa ra chính sách trợ giúp những người lập nghiệp như cho vay vốn nhỏ, hỗ trợ lãi suất v.v.

Ngoài lao động nông dân ra, vấn đề tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng của Trung Quốc cũng là một vấn đề nan giải đặt ra cho chính phủ. Theo con số thống kê, năm nay Trung Quốc dự tính có 6,11 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng, tăng 9% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, vẫn còn 1,5 triệu người trong tổng số 5,6 triệu sinh viên tốt nghiệp năm 2008 chưa tìm được việc làm ổn định.

Em Phó Yến Nam là một nghiên cứu sinh sẽ tốt nghiệp thạc sĩ năm nay của Học viện Báo chí và Truyền thông trường Đại học Bắc Kinh, hiện nay em đang thực tập ở một cơ quan truyền thông và mong được nhận làm ở đơn vị đó. Em Phó Yến Nam nói, trong hơn 40 bạn học cùng lớp, đến nay chỉ có 5 bạn đã tìm được việc làm, rất nhiều bạn học đều đã giảm yêu cầu về lương và công việc, chỉ mong tìm được việc làm. Em nói:

"So với những năm trước, tình hình tìm việc làm hiện nay không cho phép lạc quan, đa số bạn học của em vẫn chưa tìm được việc làm."

Chính phủ Trung Quốc nêu ra, kể từ năm nay sẽ dành 3 năm tổ chức 1 triệu sinh viên tốt nghiệp tham gia thực tập, khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tuyển sinh viên tốt nghiệp đang thực tập. Ngoài ra, Chính phủ còn khuyến khích sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm ở cơ sở, bà Tục Mai, Người phát ngôn báo chí Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cho biết các biện pháp về mặt này, bà nói:

"Các biện pháp này bao gồm chương trình sinh viên tình nguyện phục vụ khu vực miền tây, chương trình sinh viên đến cơ sở làm các công tác nông nghiệp, giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo cũng như chương trình tuyển 100 nghìn sinh viên đến nông thôn làm giáo viên, ngoài ra còn có những việc làm liên quan tới các dự án đang thực thi của các địa phương."