Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Cải cách đưa kinh tế nông thôn Trung Quốc bước vào quỹ đạo phát triển nhanh
   2008-12-15 15:26:38    cri

Nghe Online

Trung Quốc là một nước nông nghiệp lớn, dân số nông thôn vượt quá 700 triệu người. Trong 30 năm kể từ khi thực thi chính sách cải cách mở cửa đến nay, Chính phủ Trung Quốc luôn dốc sức phát triển nông thôn, thực thi hàng loạt biện pháp nâng cao tính tích cực và tinh thần sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp của đông đảo nông dân, hiệu quả sản xuất không ngừng được nâng cao, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển lớn mạnh.

Trước năm 1978, ruộng đất canh tác của Trung Quốc do tập thể thôn tập trung kinh doanh và quản lý, dân làng tập trung tham gia sản xuất, chia đều thành quả lao động. Tính tích cực tham gia sản xuất của nông dân bị kiềm chế nghiêm trọng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp rất thấp, tình hình nghèo khó và lạc hậu của nông thôn không được cải thiện trong thời gian dài.

Thôn Tiểu Cương ở tỉnh An Huy miền trung Trung Quốc là một thôn chỉ có 18 hộ gia đình với 120 người, thôn này là thôn đầu tiên quyết định chia ruộng đất canh tác thuộc tập thể cho từng hộ gia đình. Cuộc cải cách bắt đầu từ nông thôn vào tháng 12 năm 1978 này đã mở màn công cuộc cải cách mở cửa Trung Quốc.

Bác Nghiêm Hồng Xương là một trong những người dẫn đầu quyết định chia ruộng đất tới từng hộ gia đình của thôn Tiểu Cương lúc đó, là người đích thân tham gia cuộc cải cách này, bác nhớ lại ngày đó và nói:

"Tôi nghĩ, đã làm thì phải thành công, phải mang lại lợi ích cho bà con, nếu sau một năm, chia ruộng đất đến từng hộ gia đình mà không thu được thành quả, thì chết là cái chắc. Ngày nào tôi cũng chỉ lo đến vấn đề làm sao tăng sản lượng lương thực, lo đến mất ăn mất ngủ."

Theo "Hiệp định bí mật" đạt được giữa 18 hộ nông dân của thôn Tiểu Cương, ruộng đất, trâu bò cày, nông cụ v.v. vốn có của thôn được chia đều tới mỗi một hộ gia đình, thực thi chế độ khoán ruộng đất đến hộ. Các hộ gia đình nộp lương thực theo tỷ lệ nhất định cho nhà nước và tập thể, lương thực còn lại thì thuộc về gia đình. Một năm sau khi thôn Tiểu Cương thực thi chế độ khoán ruộng đất đến hộ, tổng sản lượng lương thực lên tới 66 nghìn ki-lô-gam, tăng gấp 4 lần so với sản lượng bình quân trong 10 năm trước đó.

Tháng 9 năm 1980, Chính phủ Trung Quốc ra văn kiện chính thức chấp nhận hình thức khoán ruộng đất đến hộ trong sản xuất nông nghiệp, từ đó chế độ gia đình nhận khoán ruộng đất đã được phổ biến ở đông đảo khu vực nông thôn Trung Quốc. Con số cho thấy, từ năm 1978 đến năm 1984, sản lượng nông nghiệp Trung Quốc bình quân mỗi năm duy trì tốc độ tăng trưởng gần 8%. Cuộc cải cách che phủ nông thôn cả nước Trung Quốc này đã làm cho 900 triệu nông dân Trung Quốc giải quyết vấn đề ấm no qua sự nỗ lực của họ. Năm 2007, tổng sản lượng lương thực của Trung Quốc vượt quá 500 triệu tấn, Trung Quốc thực hiện kỳ tích nuôi sống số dân chiếm 22% tổng dân số thế giới bằng ruộng đất canh tác chỉ chiếm 7% tổng diện tích đất canh tác thế giới.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của kinh tế nông thôn, kể từ 8 năm trước, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu triển khai cuộc cải cách lệ phí ở khu vực nông thôn, từng bước xóa bỏ thuế nông nghiệp. Đến năm 2006, Trung Quốc đã xóa bỏ triệt để thuế nông nghiệp, kết thúc lịch sử nông dân làm ruộng nộp thuế kéo dài hơn 2600 năm. Cuộc cải cách này mỗi năm có thể giảm bớt gánh nặng hơn 130 tỷ nhân dân tệ của nông dân cả nước Trung Quốc. Bà Trương Lâm Tú, Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho rằng:

"Kể từ thập niên 50 thế kỷ 20 đến nay, ngân sách địa phương có một phần lớn dựa vào thuế nông nghiệp, trong tình hình kinh tế phát triển hiện nay, vai trò của thuế nông nghiệp đã ngày càng nhỏ. Xóa bỏ thuế nông nghiệp vừa có thể giảm bớt gánh nặng của nông dân, vừa đẩy mạnh sự phát triển nhanh chóng của nông nghiệp và nông thôn."

Để nâng cao hơn nữa tính tích cực trồng lương thực của nông dân, những năm trước Chính phủ Trung Quốc còn tăng thêm trợ cấp trực tiếp cho nông dân trồng lương thực, mua công cụ và cơ khí nông nghiệp v.v., đến năm 2007 trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cho nông dân lên tới hơn 60 tỷ nhân dân tệ.

Hàng loạt chính sách ưu đãi cho nông dân của Chính phủ Trung Quốc đã nâng cao rõ rệt tính tích cực trồng lương thực của nông dân, nhưng các nhân tố như quy mô ruộng đất canh tác bình quân đầu người nhỏ, khả năng phát triển yếu v.v. đã kiềm chế tốc độ tăng trưởng thu nhập nông dân. Những năm trước, nông dân ở nhiều nơi bắt đầu chuyển đổi quyền kinh doanh ruộng khoán, thông qua các phương thức như cho thuê v.v. để kiếm lợi. Anh Cận Trọng Công, nông dân huyện Phì Tây tỉnh An Huy là một trong những nông dân dẫn đầu chuyển đổi quyền kinh doanh ruộng khoán, anh có cảm nhận sâu sắc, anh nói:

"Tôi tự mình làm ruộng không có lợi, vì ruộng khoán chỉ có diện tích nhỏ, lao động cũng không đủ, trong khi đó hợp tác xã có gia đình trồng lương thực với quy mô lớn, vừa đủ kinh nghiệm, vừa có lao động đầy đủ, cho nên họ trồng lương thực mới có lợi, tôi chuyển đổi quyền kinh doanh ruộng khoán cho họ, họ có lợi, tôi cũng có lợi."

Trước hiện tượng mới xuất hiện ở nông thôn này, Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17 bế mạc cách đây không lâu đã thông qua Nghị quyết thúc đẩy cải cách và phát triển nông thôn, đưa việc chuyển đổi quyền kinh doanh ruộng khoán vào nền nếp về mặt chính sách, cho phép nông dân chuyển đổi quyền kinh doanh ruộng khoán qua các hình thức như chuyển quyền nhận khoán, cho thuê, trao đổi, chuyển nhượng, hợp tác cổ phần v.v. Chuyển đổi quyền kinh doanh ruộng khoán nông thôn sẽ tập trung ruộng đất nông thôn, thực hiện kinh doanh đạt quy mô, hiệu quả trồng lương thực cũng sẽ tăng với mức lơn.

Trong 30 năm kể từ khi thực thi chính sách cải cách mở cửa đến nay, Chính phủ Trung Quốc còn thông qua các chính sách như ra sức phát triển xí nghiệp hương trấn, khuyến khích lao động dư thừa ở nông thôn đến thành phố tìm việc làm v.v., giải quyết vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Hàng loạt biện pháp cải cách nông thôn này làm cho dân số đặc biệt nghèo khó ở nông thôn Trung Quốc đã từ 250 triệu người 30 năm trước giảm xuống còn hơn 13 triệu người hiện nay. Thu nhập bình quân đầu người của nông dân Trung Quốc năm 2007 đã tăng gấp 31 lần so với năm 1978. Thu nhập của nông dân được tăng thêm đang trở thành nguồn lực quan trọng để kích cầu và lôi kéo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng.