Thưa quý vị và các bạn, sau khi lập thu, phần lớn các địa phương ở Trung Quốc đều có thói quen tẩm bổ trong mùa thu đông. Thế nhưng nên tẩm bổ như thế nào, sau đây Lệ Quyên xin giới thiệu với quý vị và các bạn bài viết của bác sĩ La Xã Văn của bệnh viện Công an Vũ trang Trung Quốc xoay quanh vấn đề này.
Đối với những người sức khỏe bình thường, không có bệnh tật gì, mà chẳng qua là muốn tẩm bổ để tăng cường sức khỏe, thì nên qua ăn uống để tẩm bổ. Còn đối với những người có bệnh cần phải uống thuốc bổ, thì nhất định phải căn cứ theo sự hướng dẫn của y bác sĩ, không nên uống thuốc bổ tùy tiện. Trước hết, trong mùa thu khí hậu mát mẻ, có thể uống những loại thuốc bổ không nóng lắm để đặt cơ sở chuẩn bị cho việc tẩm bổ trong mùa đông. Bạn có thể chọn những vị thuốc Bắc như: Đông trùng hạ thảo, đương quy, kỷ tử, đảng sâm, táo đỏ, lạc nhân, long nhãn, quả óc chó, bách hợp, hạt sen. Thức ăn thì có thể ăn: Gà, vịt, cá, thịt, xương sườn, các loại đậu, rau xanh v.v. Sức khỏe của mỗi người không giống nhau, nên chọn những loại thuốc bổ cũng không giống nhau, phải chọn những loại nào thích hợp với sức khỏe của mình. Những người dương khí yếu, thì thường có những triệu chứng như: đau lưng và các khớp xương, chân tay lạnh, đi giải nhiều, thì chủ yếu ăn những thức ăn như: thịt cừu, thịt chó, thịt chim bồ câu, thịt chim sẻ, hạnh nhân, rau hẹ, hải sâm, cá trạch con. Chẳng hạn như canh thịt cừu nấu với đương quy và gừng, đối với những người cao tuổi dương khí yếu là thích hợp nhất. Nếu uống thuốc bổ thì có thể dùng nhân sâm?nhung v.v.
Những người âm khí không được khỏe, thì thường cảm thấy mệt mỏi, bứt rứt, khó ngủ, khô cổ, sau buổi trưa cảm thấy nóng bừng bừng, mặt đỏ, táo bón v.v, nên ăn những thức ăn như: Thịt ngỗng, thịt vịt, ba ba, con hà, ngó sen, mộc nhĩ trắng, cần tây, rau chân vịt, gan lợn, bầu dục, vừng v.v. Chẳng hạn như ăn canh thịt vịt ninh với đương quy, có tác dụng bổ máu, nhuận tràng, chữa táo bón.
Những người suy khí, thường xuất hiện những triệu chứng như: mệt mỏi, mặt nhợt nhạt, khó thở, ăn uống không ngon miệng v.v, nên ăn các thức ăn như: Hoài sơn, các loại cá, các loại đậu, táo đỏ, hạt sen, long nhãn, bách hợp v.v, hay uống những loại thuốc bổ như: Nhân sâm, hoàng kỳ, đảng sâm.
Những người thiếu máu thường có những triệu chứng như: chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, sắc mặt nhợt nhạt, miệng, lưỡi, môi và móng tay nhợt nhạt v.v, nên ăn các loại thức ăn như: Thịt lợn, thịt gà, long nhãn, gan, tiết lợn, táo đỏ, canh xương v.v và uống những loại thuốc bổ như: Đương quy, thục v.v.
Có một số người cho rằng mùa thu ăn càng bổ càng tốt, nhưng thực ra như vậy là không khoa học. Có thể căn cứ theo 4 mặt sau đây để phán đoán xem mình có cần phải tẩm bổ hay không: Thứ nhất là tình hình giấc ngủ, nếu như sau khi tẩm bổ cảm thấy phấn chấn, không ngủ được, thì tức là tẩm bổ nhiều quá; Hai là miệng bị loét, đau họng, miệng hôi, cũng tức là tẩm bổ quá mức; Thứ ba là xem phân, phân khô quá hoặc loãng quá cũng là hiện tượng tẩm bổ quá mức. Bác sĩ kiến nghị, khi bắt đầu tẩm bổ với lượng ít, căn cứ theo cảm giác rồi tăng lên dần, đến khi cảm thấy tinh lực dồi dào, ăn uống bình thường, toàn thân cảm thấy thoải mái, không nóng, không mệt là thích hợp, như vậy mới đạt được mục đích tẩm bổ một cách khoa học. |