Thưa quý vị và các bạn, bệnh sỏi mật là một trong những lọai bệnh mà nhiều người mắc phải. Có nhiều người bệnh muốn được biết tại sao lại mắc bệnh này ? Vậy làm thế nào để phòng chống và điều trị bệnh này ? Phóng viên đã phỏng vấn giáo sư Tôn Văn Binh, Chủ nhiệm khoa Gan Mật bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, thuộc trường Đại học Y khoa Thủ đô.
Giáo sư Tôn Văn Binh cho biết, bệnh sỏi mật là một loại bệnh có tỷ lệ mắc bệnh cao, mà triệu chứng chủ yếu của căn bệnh này là đau quằn quại, khiến người bệnh không thể chịu nổi. Theo tài liệu ghi chép, bệnh sỏi mật là một căn bệnh có từ bao đời nay, loài người đã nghiên cứu căn bệnh này hàng mấy nghìn năm lịch sử. Trong quá trình nghiên cứu, mọi người không thể hiểu được tại sao cơ thể con người lại có sỏi ? Theo đà khoa học ngày một phát triển, có nhiều căn bệnh đã tìm được rõ nguyên nhân gây bệnh, nhưng bệnh sỏi mật cho đến nay vẫn không tìm được rõ nguyên nhân.
Sỏi mật có ba loại là sỏi Côletxterôn, sỏi sắc tố mật và sỏi hỗn hợp. Hiện nay, Y học phổ biến cho rằng, ba loại sỏi mật này được hình thành không giống nhau. Sỏi Côletxterôn có nghĩa là sỏi mật với thành phần Côletxterôn là chính. Thường thấy ở những người mắc bệnh túi mật, tiểu đường, lượng Côletxterôn trong máu cao, viêm đường ruột v.v. Ở các nước Âu Mỹ tỷ lệ mắc loại bệnh sỏi mật này tương đối cao, còn ở châu Á thì ít người mắc bệnh này. Mọi người thường cho rằng, sỏi Côletxterôn là do lượng Côletxterôn trong mật quá nhiều, nhưng một số chuyên gia Y học Mỹ lại cho rằng, lượng Côletxterôn trong mật quá nhiều là điều kiện tất yếu để hình thành sỏi mật, nhưng bản thân Côletxterôn không thể hình thành sỏi mật. Nếu như cắt túi mật, thì cho dù lượng Côletxterôn cao chăng nữa cũng ít khi tái phát. Qua đó có thể thấy sự hình thành của sỏi mật cần có điều kiện nhất định của túi mật. Những quan điểm này cũng có lý, nhưng chưa đủ căn cứ khoa học.
Giới Y học Trung Quốc cho rằng, nguyên lý hình thành của bệnh sỏi sắc tố mật là do hồng tố trong mật tăng lên, kết hợp với chất can xi trong mật, hình thành sỏi mật. Hiện nay, quan điểm này vẫn chưa được giới Y học Quốc tế công nhận. Do ở các nước phương Đông tỷ lệ mắc bệnh sỏi sắc tố mật cao hơn hẳn so với các nước phương Tây, vì vậy giới Y học nước ngoài cho rằng, sự hình thành của bệnh sỏi sắc tố mật có liên quan mật thiết với bối cảnh văn hóa và thói quen ăn uống. Có những tư liệu của nước ngoài chứng minh, bối cảnh văn hóa và thói quen trong ăn uống kiểu phương Tây thì tỷ lệ mắc bệnh sỏi sắc tố mật thấp, mà loại sỏi mật này sau khi cắt thường hay tái phát. Ngoài ra, bệnh giun sán hoặc viêm đường ruột cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh sỏi mật. Sỏi mật mang tính hỗn hợp là do hai nguyên nhân trên gây nên, cho dù sau khi mắc bệnh sỏi mật do nguyên nhân nào, thì bề ngoài của viên sỏi cũng bị những chất khác bám vào. Loại bệnh này là một căn bệnh thừơng thấy ở Trung Quốc, chiếm khoảng 40% trong các loại bệnh sỏi mật.
Qua đó có thể thấy, tuy chưa tìm ra được nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sỏi mật, nhưng một chất nào đó trong mật có sự thay đổi, sẽ trở thành nguyên nhân quan trọng để hình thành sỏi mật. Biết được điều này, chúng ta có thể chú ý thông qua ăn uống và những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày để phòng chống bệnh sỏi mật. Nếu như chúng ta rửa tay trước khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh, không nên ăn uống quá no, không nên thường xuyên không ăn sáng, không nên ăn những thức ăn nhiều mỡ và nhiều chất Côletxterôn, kịp thời điều trị bệnh đường ruột, khi đói không nên ăn quả hồng, tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái, thường xuyên rèn luyện sức khỏe v.v, thì có thể phòng chống được bệnh sỏi mật. |