Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc tích cực ứng phó với khó khăn của ngoại thương
   2008-05-12 16:34:34    CRIonline

Hội chợ hàng hoá xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 103 gần đây đã bế mạc tại Quảng Châu, thành phố miền nam Trung Quốc. Vì hiện nay chịu sự tác động của nhiều nhân tố như khủng hoảng cho vay thế chấp thứ cấp của Mỹ, đồng nhân dân tệ tăng giá v v...ngoại thương Trung Quốc đang đối mặt với tình hình gay cấn chưa từng có từ trước đến nay, vì vậy Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc lần này rất được quan tâm. Khi phỏng vấn tại Hội chợ, phóng viên được biết, các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc đang tích cực chuyển đổi để ứng phó với tình hình khó khăn của ngoại thương.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia Hội chợ lần này đều phản ánh, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ tăng lên đã mang lại cho họ sức ép to lớn. Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ đối với đồng đô la Mỹ tăng lên sẽ giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thanh toán bằng đô la Mỹ. Điều này có ảnh hưởng khá nhiều tới các ngành dựa nhiều vào xuất khẩu như dệt may, trang phục v v...

Ngoài vấn đề tỷ giá hối đoái, trong khi xuất siêu tăng mạnh mẽ trong những năm qua, Trung Quốc đã bắt đầu kiềm chế thương mại gia công từng được ủng hộ và khuyến khích. Trọng tâm của chính sách ngoại thương Trung Quốc đang nghiêng về việc ưu hoá cơ cấu hàng hoá xuất khẩu, thúc đẩy nâng cấp và chuyển đổi thương mại gia công, kiềm chế xuất khẩu hàng hoá tiêu hao năng lượng lớn, ô nhiễm nặng và hàng hoá tài nguyên. Ngoài ra, vì những nhân tố không xác định được trên thị trường thế giới tăng lên bởi việc giảm thiểu hoặc xoá bỏ hoàn thuế cho hàng xuất khẩu, giá cả nguyên vật liệu, giá thành sức lao động tăng lên cũng như khủng hoảng cho vay thế chấp thứ cấp của Mỹ đều đã tác động tới các doanh nghiệp của Trung Quốc. Đối mặt với tình hình gay cấn trong và ngoài nước, liệu Chính phủ Trung Quốc có thay đổi tư duy ngoại thương không và các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc sẽ ứng đối như thế nào đã trở thành vấn đề khiến mọi người quan tâm nhất.

Về mặt Chính phủ, khi tham dự Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc lần này, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã nói, tình hình xuất nhập khẩu ngoại thương của Trung Quốc hiện nay vẫn ở phạm vi hợp lý. Bộ trưởng Trần Đức Minh nói:

"Xét từ số liệu từ tháng 1 đến tháng 3 do Hải quan công bố hiện nay, có chút ảnh hưởng, nhưng chưa vượt quá dự đoán của chúng tôi và vẫn nằm trong phạm vi hợp lý. Tình hình hiện nay vẫn tương đối lý tưởng, không nên quá hốt hoảng."

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, mặc dù các ngành chủ quản quan tâm cao độ tới xu thế của ngoại thương hiện nay, nhưng vẫn cần phải tiếp tục kiên trì điều chỉnh cơ cấu sản phẩm ô nhiễm nặng, tiêu hao năng lượng cao và sản phẩm mang tính tài nguyên, kiềm chế, cấm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gây ô nhiễm.

Về mặt doanh nghiệp, tăng giá là biện pháp trực tiếp nhất để ứng phó với tình hình gay cấn, không ít doanh nghiệp đã áp dụng biện pháp này.

Ông Mohammed đến từ Y-ê-men hầu như 5 năm qua năm nào cũng tham dự và mua sắm tại Hội chợ hàng hoá xuất nhập khẩu Trung Quốc. Lần này, ông muốn mua sắm lô hàng đinh vít. Ông phát hiện thời gian hiệu lực của bản báo giá do doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra chỉ kéo dài 10 ngày. Ông nói:

"Hiện nay, cùng với sự biến động của tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ với đồng đô la Mỹ, giá hàng cũng tăng lên. Vì vậy lợi nhuận càng ít hơn. Vì cùng với giá cả tăng lên, cuộc cạnh tranh hàng hoá ngày càng quyết liệt. Hiện nay cứ 10 ngày thì giá lại thay đổi, giá hiện nay có thể sẽ tăng lên sau 10 ngày."

Khả năng chịu đựng của khách hàng có hạn, tăng giá tất nhiên không phải là giải pháp tốt nhất. Rất nhiều doanh nghiệp đang giành lấy không gian thị trường mới qua việc nâng cấp, đổi mới sản phẩm hoặc giữ thị phần qua việc nhanh chóng xây dựng thương hiệu tự chủ và quyền sở hữu trí tuệ tự chủ.

Công ty hữu hạn Cơ điện Vũ Nghĩa Chu Nhất ở tỉnh Chiết Giang miền đông Trung Quốc chủ yếu kinh doanh máy móc viên lâm gia đình. Tổng Giám đốc công ty Mã Như Phi nói, cách làm của công ty là thúc đẩy nhu cầu bằng phát triển. Ông nói:

"Cứ đến đầu năm là chúng tôi đều xây dựng chương trình phát triển công nghệ mới và đưa ra báo giá mới cho sản phẩm cũ, khách thường khó chấp nhận điều này, nếu chúng tôi đưa ra báo giá mới cho sản phẩm mới thì khách hàng dễ chấp nhận hơn, trong khi đó, tỷ lệ lợi nhuận của sản phẩm mới cao hơn sản phẩm cũ, đây chính là thúc đẩy nhu cầu và tiêu dùng bằng phát triển. Chỉ có phát triển, doanh nghiệp mới phát triển và sinh tồn."

Người phụ trách ngoại thương của Công ty hữu hạn Tập đoàn Galanz Lưu Quý Trung cho phóng viên biết, là công ty sản xuất lò vi sóng lớn nhất toàn cầu, một trong những biện pháp của công ty là khai thác thị trường mới, không cho phép thu hẹp cục bộ của một thị trường nào đó làm cho thành tích tiêu thụ toàn cầu giảm xuống.

Ông Lưu Quý Trung nói, doanh nghiệp sản xuất cần phải bắt tay từ nâng cao hiệu quả làm việc, chi phí nhân công sẽ có thể giảm xuống; Ngoài ra, nâng cao hiệu quả sử dụng vật liệu, giảm tỷ lệ phế phẩm và đầu tư ra Hải ngoại đều là những biện pháp giải quyết rủi ro. Thế nhưng theo ông biện pháp then chốt nhất mà các doanh nghiệp Trung Quốc nên áp dụng vẫn là xây dựng thương hiệu. Ông nói:

"Đối với một số doanh nghiệp có thực lực, về mặt thương hiệu, làm thế nào để thương hiệu nổi tiếng khu vực trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới là điều đáng suy nghĩ. Chỉ có mở rộng sức ảnh hưởng của thương hiệu mới có thể nâng cao khả năng bàn bạc về giá cả của công ty."

Nhân sĩ trong ngành cho rằng, đã đến thời kỳ nâng cấp và chuyển đổi của các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc. Sau thời kỳ chuyển đổi, cục diện xuất khẩu ngoại thương của Trung Quốc sẽ càng hợp lý hơn so với hiện nay.