Lý Tiên Văn (1902-1976) là nhà di truyền học thực vật. Người đặt nền móng di truyền học tế bào của Trung Quốc, làm công tác nghiên cứu về tế bào, di truyền và tiến hóa của các loại thực vật ngũ cốc cũng như nghiên cứu lai tạo giống và nâng cao chất lượng giống lúa nước và lúa mì, thu được nhiều thành quả giá trị.
Lý Tiên Văn sinh năm 1902 tại Huyện Giang Tân tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1915 thi vào lớp dự bị đi Mỹ lưu học Thanh Hoa. Năm 1923 theo học khoa Làm vườn Đại học Pu-đu-ê bang In-đi-a-na Mỹ; năm 1926 làm nghiên cứu sinh Đại học Cô-nen, chuyên ngành di truyền học dưới sự hướng dẫn của giáo sư Ê-mê-xơn. Việc sáng lập và phát triển nghiên cứu di truyền học của Ngô lúc đó là do giáo sư Ê-mê-xơn và các học trò của ông nghiên cứu. Lý Tiên Văn là học sinh Trung Quốc duy nhất trong tập thể nghiên cứu này. Luận văn của ông là di truyền của một giống Ngô lùn, năm 1929 ông đỗ bằng tiến sĩ và về nước.
Sau khi về nước, Lý Tiên Văn từng nhiều lần thay đổi nơi làm việc do không phù hợp với chuyên ngành của ông. Trước hết ông giảng dạy tại Khoa tơ tằm trường Đại học Trung ương, sau đó đi lưu học tự túc tại Nhật Bản, nghiên cứu về di truyền tế bào Tằm. Sau khi về nước giảng dạy tại khoa Sinh Đại học Đông Bắc. Không bao lâu lại giảng dạy tại Viện Nông học Đại học Bắc Bình. Năm 1932, tới Khai Phong giảng dạy tại Viện Nông học Đại học Hà Nam. Mặc dù môi trường tương đối khó khăn nhưng ông không từ bỏ nghiên cứu về lý luận, trước tiên hoàn thành công trình nghiên cứu về tế bào Bí ngô và lai giống Bí ngô. Sau lại chuyển sang nghiên cứu về nhân giống cây hạt dẻ, từng công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Năm 1935 ông giảng dạy tại Viện Nông học Đại học Vũ Hán. Trong hai năm rưỡi công tác tại đây đã khơi dậy niềm ao ước nghiên cứu khoa học của ông. Ông đã triển khai những dự án nghiên cứu về lai giống lúa nước, lúa mì, hạt dẻ 4 dòng tại Khoa Nông học có qui mô bước đầu của Đại học Vũ Hán.
Trong 9 năm từ 1938-1946, Lý Tiên Văn với mong muốn được báo đáp cho đất nước đã miệt mài nghiên cứu và thu được thành tích nổi bật trong việc nghiên cứu di truyền học và nhân giống. Ông đã đào tạo ra những học trò nổi tiếng sau này như Lý Cạnh Hùng, Bao Văn Khuê...và cùng với các học trò thu được nhiều thành quả nghiên cứu. Ông dốc sức vào công tác nghiên cứu tăng sản lượng lương thực của toàn tỉnh. Muà hè năm 1944, ông cùng mấy chuyên gia sang Mỹ khảo sát về nông nghiệp. Năm 1946 ông làm nghiên cứu viên của Viện thực vật Trung ương Thượng Hải, tiếp tục nghiên cứu di truyền tế bào của lúa mì, hạt dẻ...Trong thời gian này ông còn nhận lời mời của Công ty đường mía Đài Loan từng nhiều lần tới Đài Loan khảo sát về trồng mía đường. Tháng 7-1948, Lý Tiên Văn được bầu làm Viện sĩ Viện nghiên cứu Trung ương.
Cuối năm 1948, Lý Tiên Văn tới Đài Loan và làm việc tại Công ty mía đường Đài Loan, tiến hành nghiên cứu cải tạo giống mía trong 14 năm trời. Lúc đó 70 o/o ngoại hối của Đài Loan là nhờ xuất khẩu đường, bởi vậy ông được nông dân trồng mía gọi là "Vị thần của mía đường". |