Vương Châm (1899-1994), người tỉnh Giang Tô, nhà hoá học, nhà giáo dục hoá học. Làm công tác giáo dục và nghiên cứu khoa học trong thời gian hơn 60 năm.
Vương Châm năm 1918 tốt nghiệp Học viện Đại Đồng Thượng Hải. Năm 1920 sang Mỹ lưu học. Năm 1924 đỗ bằng thạc sĩ hoá học Trường Đại học Michigan, năm 1926 đỗ bằng tiến sĩ Trường Đại học Cornell. Năm 1926 sau khi về nước tham gia công tác trù bị xây dựng Phòng thí nghiệm công nghiệp Trung Ương Nam Kinh. Từ năm 1932 làm công tác giảng dạy, từng làm giáo sư hoá học tại các Trường Đại học Hạ Môn, Đại học Chiết Giang, Đại học Chi Giang, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Hộ Giang.
Năm 1923 – 1925, Vương Châm và Trang Trường Cung, Phổ Ưng trù bị thành lập Hội hoá học Trung Hoa tại Mỹ, Hội này đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hoá học thời ký đầu Trung Quốc.
Năm 1946, Vương Châm và Trần Sinh Thừa, Tào Lương Hạ hợp tác xuất bản "Thế giới hóa học"; ông còn từng chủ biên tạp chí "Công nghiệp hóa chất", đảm nhiệm ủy viên biên soạn của tạp chí "Hoá học", "Công nghiệp và công nghệ hoá chất", "Học báo hoá học", những tạp chí nói trên đều đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu lý luận hoá học, phổ biến công nghệ công nghiệp hoá học, truyền bá thông tin khoa học công nghệ trong và ngoài nước.
Vương Châm giảng dạy chuyên ngành hoá học trong thời gian dài, đồng thời coi trọng thực tiễn sản xuất. Năm 1952 ông tham gia trù bị xây dựng Viện nghiên cứu sợi tổng hợp Thượng Hải, tổ chức lực lượng kỹ thuật lập phương án quy hoạch phát triển sợi tổng hợp, đích thân tham gia công tác nghiên cứu. Ông là một trong những người đặt nền móng cho ngành công nghiệp sợi hoá học Trung Quốc.
Vương Châm từng giảng dạy hoá học phổ thông, hóa học hữu cơ, phân tích hoá học, hóa học vật lý, thuốc nhuộm và nhuộm màu, v.v. đã đào tạo hàng nghìn nhân tài khoa học tự nhiên các trường đại học trong nước.
Vương Châm thông thạo năm thứ tiếng nước ngoài là tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật, có nhiều công trình như cuốn "Tổng hợp các bài giải hoá học", đấy là cuốn sách tham khảo dành cho học sinh đại học và trung học; "Hoá học cấp ba mới", trong sách có ảnh của các nhà máy hoá chất và tình hình phân bố tài nguyên của Trung Quốc; "Hoá học phổ thông đại học" được coi là "Cuốn sách hoá học phổ thông đầu tiên do người Trung Quốc biên soạn"; "Hoá học sợ cấp" là cuốn sách vỡ lòng về phổ biến kiến thức hóa học, có ảnh hưởng rộng rãi; "Hoá chất cơ bản" gồm năm phần là khái niệm cơ bản hoá học, nguyên liệu hóa chất, quá trình đơn nguyên hoá chất, thao tác đơn nguyên hoá chất, sản phẩm hoá chất, là cuốn sách công cụ phổ biến kiến thức hóa học. Ngoài ra ông còn chủ biên cuốn "Từ điển hoá chất", cuốn sách này được trao Giải sách khoa học công nghệ xuất sắc toàn quốc năm 1977 – 1981. "Thế giới hoá học" do ông chủ biên, đăng tải kinh nghiệm sản xuất, đưa tin về các thành quả nghiên cứu khoa học, giới thiệu khiến thức mới, thông tin mới, do đó rất thực dụng, diện ứng dụng rộng, được đọc giả hoan nghênh rộng rãi. Trong "Thế giới hoá học" ông đăng 1860 mục từ hoá học Hán-Anh thường dùng, 1440 mục từ hoá học hữu cơ Hán-Anh thường dùng, khiến cho từ vựng chuyên ngành tiêu chuẩn hoá hơn nữa. |