Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Câu lạc bộ Tuổi trẻ--Các bạn trẻ Trung Quốc theo đuổi ước mơ nghệ thuật
   2009-03-17 17:18:21    cri

Nghe Online

Thưa các bạn, tháng 2 hàng năm, miền bắc Trung Quốc vẫn đang trong mùa đông giá rét, nhưng trước cổng các trường đại học nghệ thuật lại xuất hiện tình hình nóng hổi đăng ký dự thi. Hàng nghìn bạn trẻ bất chấp giá rét và gian khổ, nhằm thực hiện ước mơ nghệ thuật của mình, chờ đợi đăng ký và cơ hội được phỏng vấn.

Các cuộc thi chuyên ngành nghệ thuật thu hút ngày càng nhiều thí sinh đến tham gia, ở Trung Quốc, đây là một hiện tượng xã hội thu hút sự quan tâm của mọi người. Trong tiết mục hôm nay, chúng ta hãy cùng đi vào cuộc sống của một chàng trai học múa, tìm hiểu con đường theo đuổi nghệ thuật của anh.

Lý Ninh, người tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, hiện đang nỗ lực tập luyện vũ đạo để chuẩn bị cho cuộc thi chuyên ngành sắp tới. 7 giờ sáng hàng ngày, trong phòng tập luyện đều có thể trông thấy Lý Ninh đang tập luyện hình dáng thân thể.

Sau khi đến phòng tập luyện, Lý Ninh thay áo và giầy tập luyện vũ đạo. Do Ninh đến muộn hai phút, đành phải làm các động tác tập luyện ở chiếc cột vịn bên cạnh: chân trái đá 5000 lần, chân phải đá 5000 lần, sau đó làm 200 động tác tung cả hai chân lên, tiếp đến gập bụng 200 lần.

"Đá xong mỏi nhừ cả hai bàn chân, làm xong động tác tung cả hai chân lên và gập bụng, cả người rã rời, nhưng còn phải tập cùng với các bạn."

Lý Ninh sinh năm 1990, là một trong hàng nghìn hàng vạn thí sinh nghệ thuật. Mấy tháng trước cuộc thi đại học tháng 6 hàng năm, các thí sinh này đều cần phải tham gia cuộc thi riêng do các trường đại học, cao đẳng tổ chức. Hiện nay, Trung Quốc đã có hơn 1/3 trong số 1800 trường đại học và cao đẳng mở chuyên ngành âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật, biểu diễn, phát thanh v.v. Riêng ở tỉnh Sơn Đông, quê hương của Lý Ninh có gần 150 nghìn thí sinh dự thi các chuyên ngành nghệ thuật. Những bạn trẻ theo đuổi ước mơ nghệ thuật của mình này phải bỏ ra nhiều mồ hôi nước mắt hơn những người cùng tuổi trên con đường học hành.

Lý Ninh kết duyên với vũ đạo là trong một lần tình cờ được xem điệu múa 4 người do nhà vũ đạo thanh niên Trung Quốc Vương Đậu Đậu lĩnh vũ, Lý Ninh nói:

"Rất hấp dẫn, rất cảm động, không ngờ điệu múa của phái mày râu cũng đẹp như vậy, lúc đó tôi rất xúc động và nghĩ rằng, nếu mình cũng nhảy được như vậy thì tốt biết bao."

Từ đó, Lý Ninh đi lên con đường học múa. Nhưng đối với một người muốn lấy vũ đạo làm chuyên ngành mà nói, tuổi 15 quả đã quá lớn, vì xương cốt và dây chằng đều đã định hình, mỗi lần dạng chân người, co chân, đối với Lý Ninh mà nói, đều rất đau khổ. Ở Trung Quốc có câu tục ngữ nói rằng, biểu diễn trên sân khấu một phút thì cần phải tập luyện 10 năm. Nhằm khắc phục những điểm yếu về thân thể, Lý Ninh bắt đầu tập luyện một cách gian khổ và gần như là tàn khốc. Năm lên Lớp 10, lớp 11, Lý Ninh ban ngày đến trường, sau khi tan học thì đến trường vũ đạo học múa. Lên lớp 12, Lý Ninh cả ngày phải học ở trường vũ đạo.

"Bắt đầu từ những động tác cơ bản, sau đó duỗi chân, còn tập kỹ sảo, cảm giác múa v.v Mỗi ngày từ 7 giờ rưỡi sáng đến 11 giờ rưỡi trưa tập động tác cơ bản, 1 giờ rưỡi chiều đến 5 giờ rưỡi tập kỹ sảo và bài múa, 7 giờ tối đến 9 giờ tối báo cáo chương trình tập luyện trong ngày với thầy cô."

Trong cả năm đó, Lý Ninh biến mình thành một con quay, hàng ngày ngoài ăn và ngủ ra, thời gian còn lại đều dành cho tập luyện. Mặc dù "người học múa thường không tránh khỏi bị chấn thương", nhưng Lý Ninh vẫn nhớ như in sự đau đớn khi bị bong gân trong một lần tập luyện.

"Đó là trong một lần co chân, không ngờ bị trật khớp, cả một bên chân tê buốt, không động được. Đến ngày thứ hai cảm giác các bắp cơ chân như bị xé ra, như đang cháy rừng rực. Nhưng ngày thứ hai tôi vẫn lên lớp, đứng một bên vừa tập các động tác cơ bản vừa xem thầy cô lên lớp."

Như vậy, giống như các bạn khác, Lý Ninh vừa học các môn văn hóa cần thiết như ngữ văn, toán, ngoại ngữ, vật lý v.v trong trường trung học, vừa học múa trong các trường vũ đạo từ những động tác cơ bản, chờ đợi ngày dự thi chuyên ngành nghệ thuật.

Nhằm nâng cao trình độ múa, 3 tháng trước cuộc thi, Lý Ninh và các bạn cùng với hầy cô đến Bắc Kinh, ở trọ trên một con phố nhỏ phía tây-bắc Bắc Kinh. Sau khi sắp xếp xong xuôi, Lý Ninh và các bạn đã tăng cường tập luyện trong hai tuần. Nhằm cố gắng học được nhiều hơn trong thời gian ngắn nhất, Lý Ninh mỗi ngày có tới 15 tiếng đồng hồ là lên lớp và tập luyện. Kể cả khi ăn cơm và đi ngủ, Lý Ninh cũng cầm theo cuốn sổ tay ôn lại những trọng điểm trên lớp trong ngày:

"Cơ hội được theo học với các thầy cô Bắc Kinh rất hiếm có, bởi vậy, ai nấy đều tranh thủ từng giây phút, không để lãng phí. Buổi tối hàng ngày, cho dù rất mệt, nhưng vẫn xem đi xem lại những điều ghi chép trong cuốn sổ tay."

Lý Ninh nói, những ngày sống ở Bắc Kinh tuy gian khổ, nhưng thời gian trôi qua cũng nhanh, hai tuần chỉ trong nháy mắt đã trôi qua, Lý Ninh chưa kịp đi thăm các danh lam thắng cảnh ở Bắc Kinh, như Thiên An Môn, Cố Cung, Sân vận động quốc gia "Tổ chim", Trung tâm bơi lội quốc gia "Khối nước" v.v thì đã phải tham gia cuộc thi cạnh tranh quyết liệt.

"Chỉ còn hai ngày là thi, nhưng các bạn vẫn tiếp tục tập luyện. Một ngày không tập chỉ có mình biết, hai ngày không tập thì thầy cô sẽ biết, ba ngày không tập thì khán giả sẽ biết."

Cho đến hôm nay, Lý Ninh đã kết thúc cuộc thi. Chúng ta hãy chúc cho các thí sinh theo đuổi ước mơ nghệ thuật này gặp nhiều may mắn.