Nghe Online
Thưa các bạn, hiện nay, cộng đồng thanh niên Việt Nam ở Bắc Kinh chủ yếu chia thành hai loại, một là học sinh, sinh viên, hai là các bạn trẻ làm việc ở Bắc Kinh.
Trong các kỳ tiết mục trước đây, Mẫn Linh và Nam Dương từng giới thiệu với các bạn nhiều câu chuyện liên quan đến cuộc sống của lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, hôm nay sẽ giới thiệu thêm với các bạn một lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Bắc Kinh, đó là bạn Đặng Thành Kiên. Trong tiết mục tuần sau sẽ giới thiệu tiếp với các bạn câu chuyện của một bạn trẻ Việt Nam đang làm việc ở Bắc Kinh, mời các bạn chú ý theo dõi.
Vậy trước hết mời các bạn cùng đến với cuộc sống của lưu học sinh Việt Nam Đặng Thành Kiên tại Bắc Kinh.
Hãy để Thành Kiên cho biết đáp án câu hỏi của Nam Dương nhé.
"Mình đến Trung Quốc học nghiên cứu sinh từ năm 2006, đầu tiên mình phải học một năm tiếng ở Đại học Sư phạm Thủ đô, sau đó mới thi vào Trường Đại học Tài chính-kinh tế Trung ương."
Ba năm đã đủ để cho Thành Kiên thích ứng với cuộc sống ở Bắc Kinh, kể cả thời tiết mùa đông khác hẳn với Việt Nam, Thành Kiên đều đã thích ứng.
Thành Kiên là người Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, sau đó đi làm ba năm ở Hà Nội, bây giờ quay trở lại cuộc sống nhà trường, lựa chọn đến Bắc Kinh tiếp tục theo học bằng tiến sĩ.
Chuyên ngành mà Thành Kiên đang theo học là chuyên ngành đầu tư, nhưng môn đầu tiên mà Thành Kiên muốn học ở Bắc Kinh là tiếng Trung, bởi vì gia đình Kiên có dòng máu người Hoa.
Ông nội của Thành Kiên là người Hoa, từ bé bạn đã thường xuyên nghe bố và ông nội chuyện trò bằng tiếng Hoa, nói về Trung Quốc, bạn rất mong muốn có dịp đến Trung Quốc, cảm nhận một đất nước đang phát triển nhanh chóng.
Hiện nay, mục tiêu đầu tiên của Thành Kiên đã được thực hiện, các bạn vừa nghe Kiên nói tiếng Trung chẳng khác nào như một người Trung Quốc vậy.
Thành Kiên đang là nghiên cứu sinh năm thứ hai của Trường Đại học Tài chính-kinh tế Trung ương, hiện nay đang chuyên tâm chuẩn bị luận văn tốt nghiệp của mình.
Chính bài phát triểu mở đầu tiết mục của Thành Kiên là một phần nội dung trong luận văn của mình, so sánh sự khác biệt và giống nhau giữa cuộc cải cách cơ quan tài chính-tiền tệ của Trung Quốc và Việt Nam.
Thành Kiên cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam văn hóa tương đồng, đường lối phát triển kinh tế giống nhau, hai nước có nhiều điều có thể học tập lẫn nhau, mục đích thứ hai mà bạn đến Bắc Kinh học chuyên ngành đầu tư là muốn học tập kinh nghiệm của Trung Quốc áp dụng vào công việc của mình, góp phần cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Thành Kiên học đại học ở Hà Nội, học nghiên cứu sinh ở Bắc Kinh, cho nên bạn am hiểu cả cuộc sống sinh viên Trung Quốc và Việt Nam.
Các bạn có biết sự khác nhau giữa cuộc sống sinh viên ở Bắc Kinh và Việt Nam không?
Thành Kiên đã có câu trả lời như sau:
"Môi trường sống thì hoàn toàn không có gì khác biệt nhiều."
Hẳn các bạn cảm thấy có chút ngạc nhiên sau khi nghe sự trả lời trên đây của Thành Kiên. "hoàn toàn không có gì khác biệt nhiều"? Thực ra, cảm nhận của Mẫn Linh cũng vậy. Trong công việc hàng ngày, Mẫn Linh cũng thường xuyên tiếp xúc với lưu học sinh Việt Nam, các bạn đều cho biết cuộc sống ở đây rất giống với Việt Nam, các bạn đến đây du học rất dễ hòa nhập vào cuộc sống ở đây, tiếp thu kiến thức cũng dễ hơn, có lẽ chính vì nguyên nhân này mà ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam lựa chọn đến Trung Quốc du học.
Nhưng Thành Kiên cũng phát hiện cuộc sống đại học ở Bắc Kinh và Việt Nam có một điều khác nhau?
"Theo tôi được biết thì sinh viên Trung Quốc phải ở trong ký túc xá, ở Việt Nam thì các bạn có thể tự do, có thể lựa chọn ký túc xá hay thuê nhà ở ngoài."
Mẫn Linh xin bổ sung thêm, điều mà Thành Kiên vừa nói là chỉ sinh viên Trung Quốc, còn đối với sinh viên nước ngoài thì có thể lựa chọn ở trong trường hoặc ở ngoài.
Thành Kiên bây giờ đang thuê một căn hộ ở gần trường, như vậy tiền thuê còn rẻ hơn ở trong ký túc xá, cho nên chính sách này tương đối linh hoạt.
Ngoài giờ học, Thành Kiên còn tham gia các hoạt động trong trường, vì dụ như Diễn đàn sinh viên Trung-Việt, Giải bóng đá lưu học sinh Việt Nam v.v, rất phong phú, đa dạng. Ngày thường bạn cũng có giao lưu với các bạn sinh viên Trung Quốc, sự nhiệt tình của các bạn sinh viên Trung Quốc khiến Thành Kiên cảm thấy rất ấm áp trong những ngày tháng xa quê.
"Các bạn Trung Quốc rất nhiệt tình, có thể do giữa Việt Nam và Trung Quốc diện mạo bên ngoài rất giống nhau, thật sự các bạn Trung Quốc rất nhiệt tình, cho nên tôi không cảm thấy có gì xa cách với các bạn Trung Quốc."
Nam Dương xin bất mí cho các bạn thính giả, Thành Kiên đến Bắc Kinh du học hoàn toàn là tự túc.
Đối với những lưu học sinh do nhà nước cử đi nước ngoài du học thì không thể lựa chọn trường đại học mà mình mong muốn, còn đối với các bạn lưu học sinh tự túc như Thành Kiên thì có không gian lựa chọn rất lớn. Vậy nên theo học chuyên ngành gì? Học ở Trường nào? Có lẽ là những vấn đề đau đầu của các bạn Việt Nam đang có ý định đến Trung Quốc du học.
Nhưng không sao, Thành Kiên có thể cung cấp một số tư vấn cho các bạn:
"Ở Việt Nam có rất nhiều cơ quan của Nhà nước và tư nhân làm dịch vụ tư vấn du học, những cơ quan này nắm rất rõ tình hình về cuộc sống, học tập ở Trung Quốc, theo kinh nghiệm của mình, khi mà bắt đầu đi du học, các bạn nên tự nhận biết được mục đích của mình, biết được mình sang đây học cái gì, sau này về để làm gì, việc tìm trường sẽ rất dễ dàng, vì Trung Quốc có rất nhiều trường đại học tốt có thể lựa chọn. "
Hy vọng các bạn có thể bắt đầu cuộc sống du học Trung Quốc của mình một cách thuận lợi, cũng chúc Thành Kiên sống vui vẻ tại Bắc Kinh. |