Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Câu lạc bộ Tuổi trẻ-- câu chuyện vào đại học của bạn Viên Hữu Phổ
   2007-12-11 15:45:31    cri

Nghe Online

Bạn Viên Hữu Phổ là sinh viên năm thứ ba của Học viện Khoa học-Kỹ thuật Trung Nguyên tỉnh Hà Nam Trung Quốc. Khi phóng viên đến phỏng vấn bạn đúng vào mùa thu—mùa của thu hoạch. Nhân dịp nhà trường nghỉ học, Hữu Phổ đã vượt chặng đường hơn 400 cây số về nhà giúp bố thu hoạch ngô.

Mới sáng tinh mơ, chúng tôi đã trông thấy bạn Hữu Phổ mang theo một chiếc ra-đi-ô nhỏ trong người, vừa nghe đài vừa làm công việc đồng áng một cách thành thạo.

"Tôi không thường xuyên về nhà, chỉ khi nào nhà trường cho nghỉ hay ngày mùa mới có thể về nhà. Đứng trên cánh đồng, đón những ngọn gió mát rượi, chìm mình trong ánh nắng vàng, cảm giác đó khoan khoái biết bao. Đôi khi tôi thích mang theo chiếc ra-đi-ô, mở thật to, tâm hồn đặc biệt thoải mái."

Ngày 1 tháng 10 là Ngày Quốc khánh của Trung Quốc, nhà trường cho nghỉ 7 ngày, nhiều bạn sinh viên đều rủ nhau đi du lịch, nghỉ ngơi thư giãn.

Thế còn bạn Viên Hữu Phổ thì sao? Bạn không đi du lịch, mỗi khi nghĩ đến người cha già đã ngoài 60 tuổi và cánh đồng ngô chưa kip̣ thu hoạch là bạn lại nôn nóng ước gì có thêm đôi cánh lập tức bay về nhà đỡ đần cho cha. Bạn mong sao mình có thể giảm bớt gánh nặng công việc đồng áng cho bố.

Bố bạn Viên Hữu Phổ trong cảnh "gà trống nuôi con" gánh vác mọi công việc gia đình, mẹ Phổ đã mất sau một cơn bệnh nặng khi Phổ mới lên 8.

Nhà bạn Hữu Phổ rất nghèo, trong căn nhà tranh đơn sơ mười mấy mét vuông, cái bàn đã có thâm niên là đồ gỗ gia dụng duy nhất trong nhà.

Thế nhưng trên tường nhà lại treo rất nhiều khung ảnh mới, đó là bức ảnh cả gia đình và những bằng khen "học sinh giỏi" của anh em Hữu Phổ.

Bố Hữu Phổ cho biết, ông chỉ học hết tiểu học đã phải nghỉ học vì nhà nghèo, cho nên, ông đã gửi gắm ước mơ chưa thực hiện của mình vào hai người con.

"Tôi cũng muốn đi học, muốn học thêm nhiều kiến thức. Đời học sinh của tôi là thập niên 50, 60, xã hội ngày nay thay đổi từng ngày, thời đại đã khác rồi, làm gì cũng cần phải có văn hóa, có khoa học-kỹ thuật, kể cả làm ruộng cũng phải làm theo khoa học."

Do thời trẻ không có cơ hội đi học, vì vậy bố Hữu Phổ càng hy vọng con mình có thể giúp ông thực hiện ước mơ này.

Năm 2003, ước mơ này đã trở thành hiện thực, cậu con trai Viên Hữu Phổ thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nam, thế nhưng niềm vui của hai bố con chẳng được vài ngày đã tiêu tan trước thực tế phũ phàng hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì không đóng nổi học phí Hữu Phổ đành phải nghỉ học về nhà.

Thực ra ở Trung Quốc, hàng năm đều có một số học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn như bạn Viên Hữu Phổ không đủ tiền đóng học phí mà phải bỏ dở việc học đại học. Hiện tượng này đã gây nên sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước.

Ngay từ năm 2000 Trung Quốc đã thi hành chính sách Nhà nước cho vay tín dụng khuyến học trong phạm vi cả nước, tuy nhiên không tránh khỏi tình trạng chính sách không được thi hành đến nơi đến chốn. Rất may là những năm gần đây, các cơ quan chức năng và các trường đại học, cao đẳng không ngừng áp dụng biện pháp thúc đẩy việc thực thi chính sách này.

Năm 2005, bạn Viên Hữu Phổ lại thi đỗ Học viện Khoa học-Kỹ thuật Trung Nguyên tỉnh Hà Nam, nhưng lần này, cùng với giấy báo nhập học, bạn còn nhận được bản "Hướng dẫn xin vay tín dụng khuyến học của Nhà nước ".

Trong bản "Hướng dẫn" này đã ghi rõ thủ tục xin vay tín dụng khuyến học dành cho những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, để giúp các em học sinh đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian học đại học.

"Lúc đầu bố tôi cũng có phần lo lắng, vì việc học của tôi đã bị lỡ hết năm này đến năm khác, nhẽ ra năm đầu tiên thi đỗ đại học phải đi học ngay."

Hôm đăng ký nhập trường, bạn Hữu Phổ đã viết đơn xin vay tín dụng khuyến học của Nhà nước. Sau hơn một tháng, bạn đã nhận được khoản tiền khuyến học, mỗi năm được vay 5000 nhân dân tệ không có lãi suất.

Khoản tiền này ngoài đóng học phí hơn 3000 nhân dân tệ ra, phần còn lại dùng để phí sinh hoạt. Như vậy, bố Hữu Phổ đã cảm thấy hoàn toàn yên tâm.

"Chúng tôi rất thán phục chính sách này. Trước đây gia đình nghèo quá, thực sự không thể gánh nổi khoản tiền học phí. 5000 nhân dân tệ vay của Nhà nước là không phải trả lãi suất. Chính sách này rất tốt, khoản vay này sẽ trả sau khi tốt nghiệp."

Bạn Hữu Phổ mỗi năm học đều có thể nhận được khoản tiền vay tín dụng khuyến học. Do không phải lo lắng học phí, bạn Hữu Phổ có thể chuyên tâm vào việc học hành. Cho nên ngay sau khi kết thúc năm học đầu tiên, thành tích của Hữu Phổ xếp thứ nhất trong lớp và được nhận học bổng cấp tỉnh.

Nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình, bạn Hữu Phổ còn vừa học vừa làm, không cần bố phải lo lắng cho chi phí sinh hoạt của mình.

Không những thế, bạn còn trích một phần học bổng của mình mua cho bố một chiếc ra-đi-ô, bởi vì bố Hữu Phổ thích nghe kịch truyền thanh.

"Khi nhận chiếc ra-đi-ô từ tay con trai, bố tôi tuy không nói gì nhưng trong lòng rất vui."

Bạn Viên Hữu Phổ cho biết, sau này tốt nghiệp và kiếm được tiền bạn sẽ đưa bố đến Bắc Kinh du lịch. Nhưng bạn cũng biết, nguyện vọng của bố không chỉ là đến Bắc Kinh tham quan quảng trường Thiên An Môn, mà còn một nỗi niềm khắc sâu trong lòng.

Đó là cô em gái của bạn Hữu Phổ. Mấy năm trước, cô em gái Viên Phương chưa học hết trung học phổ thông đã phải nghỉ học đi ngoại tỉnh tìm việc làm vì gia đình không đủ tiền chu cấp cho cả hai anh em ăn học.

"Cứ nhắc đến em gái của nó là tôi rơi nước mắt, tôi thật hối hận. Không biết bao giờ con gái mới có cơ hội trở lại ghế nhà trường ₫. Con trai và con gái đều giống nhau cả thôi, đều cần phải được đi học."

Bạn Viên Hữu Phổ được biết hiện nay Nhà nước đầu tư ngày càng nhiều cho sự nghiệp giáo dục và hỗ trợ con em các gia đình hoàn cảnh khó khăn ăn học, kể từ năm nay, Nhà nước đã miễn toàn bộ học phí và tạp phí cho học sinh trong giai đoạn giáo dục nghĩa vụ. Hữu Phổ thường tâm tư, giá như chính sách này được thi hành sớm vài năm thì tốt biết bao, như vậy cô em gái sẽ không phải bỏ dở việc học hành.

"Sau này tốt nghiệp, tôi sẽ trả hết khoản vay tín dụng khuyến học. Đi làm có tiền, tôi nhất định cho em gái trở lại ghế nhà trường."

Dịp nghỉ Quốc Khánh đã kết thúc, bạn Hữu Phổ lại trở về mái trường thân yêu. Hơn một năm sau, bạn sẽ tốt nghiệp, đến lúc đó, nguyện vọng của hai bố con bạn chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.