Nghe Online
Bạn Phạm Hải Anh là một bạn trẻ Việt Nam thuộc thế hệ 8X. Như đông đảo các bạn Việt Nam học tiếng Trung, bạn Hải Anh có một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa phóng viên Đài chúng tôi với bạn Hải Anh.
Phóng viên: Bạn gắn liền với Trung Quốc như thế nào?
Hải Anh: Khi mà tôi học cấp hai, cấp ba, thì tôi đã thấy trong nhà tôi có rất nhiều sách tiếng Trung, nhưng mà tôi không biết đọc. Ông ngoại tôi lại làm thuốc bác, ông biết đọc tiếng Hán ngày xưa, tôi rất muốn biết đọc những cuốn sách ấy như thế nào, điều đó hối thúc tôi chọn cho mình chuyên ngành tiếng Trung thi vào đại học.
Phóng viên: Bây giờ bạn đã tốt nghiệp đại học, bạn lại chọn cho mình công việc gắn liền Trung Quốc?
Hải Anh: Đúng, công việc hiện nay của tôi cũng gắn liền với Trung Quốc, nói chung là từ khi tôi học đại học và đến khi tốt nghiệp thì công việc của tôi luôn luôn gắn liền với Trung Quốc. Làm công việc hiện nay, tôi phải thường xuyên đọc và theo dõi tin tức về Trung Quốc.
Phóng viên: Bạn còn là một thính giả của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, vậy xin bạn cho biết bạn đến với Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc như thế nào?
Hải Anh: Khi mà tôi còn đi học thì cô giáo đã bảo là nên nghe chương trình của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, nên tôi đã tìm và dò được kênh đó, và đã nghe từ thời đó đến giờ. Gần đây, tôi mới phát hiện trang Web của Quý Đài, nên thường xuyên đọc tin trên trang Web và nghe luôn trên mạng.
Phóng viên: Bạn là một người biết tiếng Trung, vậy trong cuộc sống hàng ngày, chắc bạn cũng thường thường nhớ đến Trung Quốc?
Hải Anh: Tôi luôn luôn liên tưởng, ví dụ như trong cách nói và suy nghĩ, tôi hay so sánh với Trung Quốc. Trong cuộc sống bình thường của tôi, ví dụ tôi xem phim về Trung Quốc, hay đọc báo về Trung Quốc, đấy là những gì tôi luôn luôn quan tâm đến Trung Quốc, lúc thư giãn tôi cũng hát bài hát Trung Quốc.
Phóng viên: Hiện nay ở Việt Nam có nhiều bạn trẻ như bạn, cũng gắn liền với Trung Quốc không?
Hải Anh: Hiện nay thì ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam thích tiếng Trung, bởi vì thứ nhất là tiếng Trung rất gần gũi với tiếng Việt, thứ hai là nhu cầu về cơ hội việc làm cho các bạn trẻ học tiếng Trung khi ra trường cũng nhiều.
Phóng viên: Hàng ngày bạn có tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ Trung Quốc không?
Hải Anh: Hồi tôi đi học thì có tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ Trung Quốc, bây giờ các bạn đã về nước, nhưng mà tôi trường xuyên trao đổi bằng cách xem thời sự trên đài truyền hình Trung Quốc.
Phóng viên: Vậy bạn chiếm mất nhiều thời gian xem truyền hình Việt Nam của gia đình chứ?
Hải Anh: Không sao, tôi cũng biết điều đó. Những lúc mà cả nhà cùng xem thời sự thì chúng tôi cùng xem, còn khi mà mọi người đi làm việc khác, để lại một mình tôi trong phòng thì tôi sẽ bật lên, đôi khi mẹ và tôi cùng xem một bộ phim Trung Quốc thì tôi vừa xem vừa dịch cho mẹ tôi nghe.
Phóng viên: Vậy có thể nói bạn ưa thích văn hóa Trung Quốc cũng tác động tới gia đình bạn?
Hải Anh: Nếu nói là ảnh hưởng của tôi đối với gia đình thì cũng chưa phải là đầy đủ, tại vì khi mà tôi xác định học tiếng Trung cũng do tác động của gia đình, vì ông ngoại tôi biết tiếng Hán, còn mẹ tôi đã từng học tiếng Trung và là cô giáo dạy tiếng Trung. Người thầy đầu tiên dạy tôi học phát âm chính là mẹ tôi.
Phóng viên: Vậy có thể nói gia đình bạn là một gia đình rất điển hình có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc không?
Hải Anh: Cũng có thể nói như vậy.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn bạn. |