Nghe Online
Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 27 ra Sách Trắng với tiêu đề "Chính sách dân tộc và các dân tộc cùng phồn vinh phát triển của Trung Quốc". Sách Trắng chỉ rõ, thực tiễn chứng minh, chính sách dân tộc của Trung Quốc là phù hợp tình hình Trung Quốc, phù hợp lợi ích căn bản của nhân dân các dân tộc, được nhân dân các dân tộc ủng hộ, là đúng đắn và hữu hiệu.
Sách Trắng gồm hơn 20 nghìn từ, chia làm 9 chương, giới thiệu một cách hệ thống về chặng đường phát triển của dân tộc Trung Hoa, chính sách dân tộc của Trung Quốc, cũng như những thành tựu to lớn thu được trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v của các dân tộc thiểu số và khu vực dân tộc trong 60 năm thành lập nước Trung Hoa mới.
Trung Quốc gồm 56 dân tộc, từ ngày nước Trung Hoa mới thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc kiên trì xuất phát từ tình hình trong nước, đã xác lập và thực thi chính sách dân tộc với nội dung cơ bản là bình đẳng dân tộc, đoàn kết dân tộc, khu vực dân tộc tự trị và các dân tộc cùng phồn vinh. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc Dương Tinh cho biết:
"Trong ngày đầu nước Trung Hoa mới thành lập, Chính phủ Trung Quốc đã xác lập chính sách dân tộc với nội dung cốt lõi là bình đẳng dân tộc, đoàn kết dân tộc, khu vực dân tộc tự trị và các dân tộc cùng phồn vinh, trên cơ sở tổng kết sâu sắc những kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề dân tộc của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 60 năm qua, đặc biệt là hơn 30 năm cải cách mở cửa đến nay, Chính phủ Trung Quốc căn cứ theo tình hình và nhiệm vụ trong các thời kỳ, không ngừng bổ sung và hoàn thiện chính sách dân tộc, đã hình thành một hệ thống chính sách dân tộc đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh của Trung Quốc.
Sách Trắng viết: Chính phủ Trung Quốc kiên trì lấy việc đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội của các dân tộc thiểu số và khu vực dân tộc làm con đường căn bản để giải quyết vấn đề dân tộc. Nhiều năm qua, Nhà nước đã nâng đỡ sự phát triển của các dân tộc thiểu số và khu vực dân tộc từ các mặt chính sách, tài chính, nhân tài, kỹ thuật...căn cứ theo tình hình phát triển thực tế của các dân tộc thiểu số và khu vực dân tộc trong các thời kỳ.
"Các chính sách này bao gồm ưu tiên bố trí hợp lý các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dành cho sự ủng hộ về mặt tài chính, coi trọng xây dựng sinh thái và bảo vệ môi trường, nâng đỡ các khu vực dân tộc thiểu số nghèo khó, nâng đỡ việc mở rộng đối ngoại, tổ chức triển khai chi viện kết nghĩa giữa các khu vực phát triển và các khu vực dân tộc, chiếu cố nhu cầu đặc biệt trong sản xuất và đời sống của các dân tộc thiểu số và khu vực dân tộc".
Việc thực hiện những chính sách và biện pháp này đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội của khu vực dân tộc, làm cho mức sống của nhân dân các dân tộc được nâng cao với mức lớn. Năm 2008, GDP của các khu vực dân tộc đã từ 5,79 tỷ nhân dân tệ năm 1952, tăng lên đến hơn 3.000 tỷ nhân dân tệ, nếu tính theo giá có thể chuyển đổi đã tăng gấp 93 lần; thu nhập bình quân đầu người có thể chi phối của cư dân thành thị đã từ 307 nhân dân tệ năm 1978, tăng lên hơn 13 nghìn nhân dân tệ; thu nhập ròng bình quân của cư dân nông thôn cũng đã từ 138 nhân dân tệ năm 1978, tăng lên tới xấp xỉ 3400 nhân dân tệ. Số người nghèo ở các khu vực dân tộc cũng đã từ hơn 40 triệu năm 1985 giảm xuống còn hơn 7,7 triệu.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn áp dụng các biện pháp làm cho di sản văn hóa ưu tú của các dân tộc thiểu số được kế thừa và tôn vinh, tự do tín ngưỡng tôn giáo và hoaṭ động tôn giáo bình thường của nhân dân các dân tộc được bảo vệ đầy đủ. Sự phát triển kinh tế-xã hội của các khu vực dân tộc thiểu số Trung Quốc đã bước vào thời kỳ tốt nhất trong lịch sử.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc Dương Tinh cho biết, thực tiễn 60 năm đã chứng minh đầy đủ rằng, chính sách dân tộc của Trung Quốc là phù hợp lợi ích căn bản của nhân dân các dân tộc, là đúng đắn và hữu hiệu.
Sách Trắng cuối cùng chỉ rõ, Chính phủ Trung Quốc dốc sức thúc đẩy phát triển đoàn kết dân tộc, cấm các hành vi phá hoại đoàn kết dân tộc và gây chia rẽ dân tộc, kiên quyết phản đối và tẩy chay mọi thế lực bên ngoài núp dưới chiêu bài "dân tộc","tôn giáo" và "nhân quyền" nhúng tay và can thiệp vào vấn đề dân tộc của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đề phòng nghiêm ngặt và tấn công theo pháp luật hoạt động thâm nhập, phá hoại và lật đổ của các thế lực khủng bố, ly khai và cực đoan ở trong và ngoài nước. |