Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Liên minh châu Âu họp hội nghị Bộ trưởng Tài chính để điều phối lập trường cho Hội nghị Cấp cao Nhóm 20 nước
   2009-09-03 16:20:59    cri

Nghe Online

Ngày 2 tháng 9 tại Brúc-xen, Bộ trưởng Tài chính của 27 nước Liên minh châu Âu đã họp hội nghị, điều phối lập trường của Liên minh châu Âu trên vấn đề ứng đối với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhằm chuẩn bị cho hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm 20 nước sắp diễn ra tại Luân-đôn cuối tuần này cũng như Hội nghị Cấp cao Nhóm 20 nước sắp triệu tập tại Pít-xbớc Mỹ vào hạ tuần tháng 10. Tại hội nghị làm việc trong 1 ngày, Bộ trưởng Tài chính của 27 nước đã tiến hành thảo luận, đồng thời đạt được nhiều nhận thức chung về các vấn đề  như: Bơm thêm vốn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hạn chế tiền thưởng của nhà quản lý cấp cao ngành ngân hàng, đưa ra cơ chế "rút khỏi" chương trình kích thích kinh tế, tăng cường giám sát và quản lý tài chính tiền tệ v.v.

Bộ trưởng Tài chính của các nước thành viên Liên minh châu Âu nhất trí cam kết, bơm thêm 75 tỷ đô-la Mỹ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhằm hỗ trợ những nước bị tác động mạnh bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu gây nên. Trước đó, các nước Liên minh châu Âu đã cam kết bơm thêm 100 tỷ đô-la Mỹ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Việc hạn chế tiền thưởng của nhà quản lý cấp cao ngành ngân hàng là do Tổng thống Pháp Sác-cô-dy trước tiên nêu ra. Tổng thống Sác-cô-dy  đang cố gắng thúc đẩy Hội nghị Cấp cao Nhóm 20 nước sắp diễn ra ở Pit-xbớc đi đến nhận thức chung về việc này. Ngoài Anh ra, đề nghị của Pháp đã nhận được sự ủng hộ rộng khắp tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần này. Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, nước Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu ông Anders Borg nhấn mạnh, cần phải chấm dứt biện pháp cấp tiền thưởng cho nhà quản lý cấp cao ngành ngân hàng hiện nay, việc cấp tiền thưởng sau này nên gắn chặt với thành tích của họ. Ủy ban Liên minh châu Âu cho rằng, đề nghị của Pháp là "hợp lý" và "cần thiết". Thế nhưng nếu biện pháp này chỉ thực thi tại cá biệt nước hoặc một số nước thì sẽ làm suy yếu hiệu quả của nó. Vì vậy, tại Hội nghị Cấp cao Pít-xbớc lần này, Liên minh châu Âu quyết định thúc đẩy các nước hữu quan cùng áp dụng đề nghị này.

Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu họp cuối năm ngoái đưa ra chương trình kích thích kinh tế trị giá 200 tỷ đồng Ơ-rô đến nay, các nước thành viên Liên minh châu Âu đã huy động hàng trăm tỷ đồng Ơ-rô cho thực thi chương trình kích thích kinh tế. Song song với chương trình này thu được thành quả rõ rệt cũng như kinh tế chạm đáy, Bộ trưởng Tài chính các nước Liên minh châu Âu đã đi đến nhận thức chung về từng bước kết thúc chương trình kích thích kinh tế nói trên. Các Bộ trưởng Tài chính nhất trí cho rằng, Liên minh châu Âu hiện nay không tồn tại nạn lạm phát hoặc rủi ro về nạn lạm phát, mặc dù đưa ra kết luận về chấm dứt khủng hoảng kinh tế vẫn còn sớm, song không cần thiết tiếp tục thực thi chương trình kích thích kinh tế nữa, vì vậy cần phải sớm đưa ra quy chế "rút khỏi chương trình kích thích kinh tế". Song tại hội nghị lần này, các nước vẫn tồn tại sự bất đồng về việc rút như thế nào và bao giờ rút . Một số nước cho rằng, kinh tế vừa xuất hiện dấu hiệu phục hồi, kết thúc quá sớm sự nỗ lực về kích thích kinh tế sẽ không có lợi cho phục hồi kinh tế; một số nước khác thì cho rằng, nếu không nhanh chóng kết thúc chương trình này không những sẽ tăng thêm rủi ro lạm phát sau này, mà còn sẽ tăng thêm gánh nặng tài chính, ảnh hưởng sự ổn định trung dài hạn về tài chính của Chính phủ các nước. Ông An-mu-ni-a, cao ủy phụ trách công việc kinh tế và tài chính tiền tệ của Ủy ban Liên minh châu Âu tham dự hội nghị nói, cơ chế rút khỏi chương trình kích thích kinh tế cần phải điều phối hành động trong Liên minh châu Âu và trên toàn cầu mới có thể thu được hiệu quả. Vì vậy, Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này với Bộ trưởng Tài chính của Nhóm 20 nước vào cuối tuần này.

Tại Hội nghị Cấp cao mùa hè năm nay, nhà lãnh đạo của các nước Liên minh châu Âu đã đi đến nhận thức chung về tăng cường giám sát và quản lý tài chính tiền tệ, đồng thời do Ủy ban Liên minh châu Âu đưa ra phương án mới về việc này. Hiện nay, Liên minh châu Âu chủ yếu phải đứng trước sức cản trở của Anh trên vấn đề này. Trong khi triệu tập Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu, các ủy viên chuyên trách công việc kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu cũng đã triển khai thảo luận việc này. Ông Bô-rít Giôn-sơn, Thị trưởng thành phố Luân-đôn Anh nói, Liên minh châu Âu dự định tăng cường giám sát và quản lý quỹ tự bảo hiểm rủi ro, quỹ đóng góp cá nhân và vốn rủi ro, sẽ làm phương hại rất lớn danh tiếng của Anh vốn là Trung tâm tài chính tiền tệ quốc tế.

Giám sát và quản lý tài chính tiền tệ là một trong những đề tài chính của Hội nghị Cấp cao Nhóm 20 nước lần này. Ngày 31 tháng 8 tại Béc-lin, Tổng thống Pháp Sác-cô-dy và Thủ tướng Đức bà Méc-ken cùng đưa ra đề nghị, yêu cầu Liên minh châu Âu trước tiên tổ chức phiên họp đặc biệt để điều phối lập trường về việc này. Liên minh châu Âu đã quyết định triệu tập hội nghị cấp cao đặc biệt tại Brúc-xen vào ngày 17 tháng này, để tiến hành sự điều phối ở  cấp độ cao và hình thành lập trường thống nhất trong Liên minh châu Âu trước khi triệu tập Hội nghị Cấp cao Nhóm 20 nước ở Pít-xbớc.