Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Các Phó Chủ tịch của 5 Khu tự trị dân tộc thiểu số Trung Quốc giới thiệu về những thành tựu to lớn thu được trong 60 năm thành lập nước Trung Hoa mới
   2009-09-02 17:09:32    cri

Nghe Online

Ngày 2, tại Bắc Kinh, Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc đã họp báo, mời các Phó Chủ tịch của 5 Khu tự trị dân tộc thiểu số giới thiệu về những thành quả thu được trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của các khu tự trị trong 60 năm thành lập nước Trung Hoa mới. Các Phó Chủ tịch của 5 Khu tự trị cho biết, trải qua mấy chục năm phát triển, kinh tế địa phương đã thực hiện bước phát triển nhảy vọt, mức sống của nhân dân các dân tộc không ngừng được nâng cao.

Trung Quốc là một Nhà nước gồm nhiều dân tộc, cả thảy có 56 dân tộc. Ngoài dân tộc Hán ra, dân số của các dân tộc thiểu số lên tới hơn 120 triệu người, chiếm 9,44% dân số cả nước. Sau ngày thành lập nước, Trung Quốc đã thi hành chế độ tự trị khu vực dân tộc, lần lượt thành lập 5 Khu tự trị dân tộc thiểu số cấp tỉnh là Khu tự trị Nội Mông, Khu tự trị Uây-ua Tân Cương, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ và Khu tự trị Tây Tạng; ngoài ra còn thành lập hơn 100 châu tự trị dân tộc thiểu số tại các tỉnh khác.

Được biết, từ ngày thành lập nước đến nay, dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước và sự nỗ lực chung của nhân dân các dân tộc, 5 khu tự trị dân tộc thiểu số đã giành được thành tựu to lớn trong các lĩnh vực. Trong đó, GDP của Khu tự trị Nội Mông đã từ 530 triệu nhân dân tệ năm 1947 tăng lên đến 776,18 tỷ nhân dân tệ năm 2008, mức tăng kinh tế 7 năm liền đứng đầu cả nước.

Tại cuộc họp báo ngày 2, Phó Chủ tịch Khu tự trị Nội Mông Triệu Song Liên đã phân tích nguyên nhân Khu tự trị Nội Mông đứng đầu về tốc độ phát triển kinh tế.

"Một là, Nội Mông từ ngày giải phóng đến nay luôn luôn kiên trì đoàn kết xã hội, ổn định vùng biên cương, hài hoà xã hội, đây là một nền tảng chính trị tốt đẹp. Hai là, Nội Mông giáp với Mông Cổ và Nga, nối liền với 8 tỉnh nội địa, bởi vậy ưu thế khu vực đã tạo điều kiện cho sự phát triển của chúng tôi. Ba là, nắm bắt cơ hội, cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước".

Khu tự trị Uây-ua Tân Cương là một khu vực hành chính cấp tỉnh có diện tích lớn nhất, giáp với nhiều quốc gia nhất, có đường biên giới dài nhất của Trung Quốc. Nước Trung Hoa mới thành lập 60 năm qua, đặc biệt là từ ngày cải cách mở cửa đến nay, Tân Cương từng bước phát triển thành vùng tiền duyên mở cửa ở miền tây của Trung Quốc, cả thảy có 17 cửa khẩu cấp một, 12 cửa khẩu cấp hai, đã xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, v.v với 167 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch ngoại thương năm 2008 đạt 22,2 tỷ USD. Trong tương lai, Tân Cương sẽ xây dựng thành cơ sở dầu-khí, hóa chất, cơ sở phát điện bằng than và sản xuất hóa chất từ than cũng như cơ sở tài nguyên thay thế chiến lược quan trọng của Trung Quốc.

Cùng với sự phát triển kinh tế, mức sống của nhân dân các dân tộc Tân Cương cũng không ngừng được nâng cao. Năm 2008, thu nhập ròng bình quân đầu người của người dân nông thôn Tân Cương đã vượt quá 3.500 nhân dân tệ, thu nhập có thể chi phối của cư dân thành thị vượt quá 114.000 nhân dân tệ. Phó Chủ tịch Khu tự trị Uây-ua Tân Cương Ma-hơ-xu-ti cho biết, trong tương lai Tân Cương sẽ áp dụng biện pháp để thu hẹp hơn nữa khoảng cách về thu nhập của nhân dân trong khu tự trị với các tỉnh có kinh tế phát triển.

"Trung ương hai năm trước đã ban hành văn kiện số 32 về đẩy nhanh phát triển các sự nghiệp của Tân Cương. Khu tự trị cũng đã xây dựng Quy hoạch phát triển đến năm 2015 và 2020. Chúng tôi bước đầu xác định mục tiêu là thu nhập của cư dân nông nghiệp, chăn nuôi và thành thị tăng trung bình khoảng 10%/năm".

Trong 5 khu tự trị ở Trung Quốc, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây là khu tự trị có dân số dân tộc thiểu số đông nhất. Năm 2008, GDP của Quảng Tây đạt hơn 710 tỷ nhân dân tệ. Phó Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Trần Vũ cho biết, Quảng Tây sẽ phát huy ưu thế khu vực độc đáo của mình để trở thành cửa ngõ đi ra thế giới của vùng tây-nam Trung Quốc.

"Đặt biệt là trong những năm gần đây, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN hằng năm đều tổ chức tại Nam Ninh, việc phát triển Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây đã được đưa vào chiến lược phát triển quốc gia, việc này sẽ làm cho Quảng Tây trở thành mặt bằng quan trọng trong giao lưu và hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN. Quảng Tây đang cất bước đi vững chắc trên con đường xây dựng thành khu vực hợp tác kinh tế khu vực quốc tế mới và cực mới trong phát triển kinh tế ven biển của Trung Quốc".