Theo tin Đài chúng tôi: Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Cha-vét tối ngày 5 cho biết, do mối đe dọa Mỹ không ngừng tăng quân đến nước láng giềng Cô-lôm-bi-a, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la sẽ mua một số lượng xe tăng đáng kể của Nga để phòng thủ, số xe tăng này sẽ được triển khai tại khu vực biên giới giáp với Cô-lôm-bi-a. Các nhân sĩ phân tích nhận định, động thái này lại tăng thêm một số căng thẳng cho quan hệ giữa Vê-nê-xu-ê-la và Mỹ vốn đã dịu lại.
Tổng thống Cha-vét cho biết, trung tuần tháng 9 năm nay Vê-nê-xu-ê-la và Nga sẽ ký Hiệp định quân sự trọn gói quan trọng, bao gồm mua vũ khí, giúp quân đội Vê-nê-xu-ê-la nâng cao sức chiến đấu, tăng cường hệ thống phòng thủ và khả năng đánh trả không kích của Vê-nê-xu-ê-la. Ông cho biết, Vê-nê-xu-ê-la sẽ tăng thêm các chuyến thăm cấp cao tới Nga, Bộ trưởng Dầu mỏ và Phó Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la sẽ lần lượt thăm Nga trong thời gian tới, bản thân ông tháng 9 cũng sẽ tham dự Hội nghị Ủy ban cấp cao liên chính phủ Vê-nê-xu-ê-la – Nga diễn ra tại Xanh Pê-téc-bua.
Các nhân sĩ phân tích nhận định, việc Vê-nê-xu-ê-la mua vũ khí lần này là nhằm đáp lại việc Cô-lôm-bi-a cho phép Mỹ thành lập nhiều căn cứ quân sự trên lãnh thổ Cô-lôm-bi-a. Theo thoả thuận đạt được giữa Cô-lôm-bi-a và Mỹ, Cô-lôm-bi-a đồng ý cho Mỹ di chuyển các nhân viên và trang thiết bị từ căn cứ quân sự của Mỹ tại Ê-cu-a-đo đến Cô-lôm-bi-a sau khi căn cứ này hết hạn sử dụng, và cho phép Mỹ thành lập nhiều căn cứ quân sự và cử thêm nhân viên đến Cô-lôm-bi-a. Mặc dù Cô-lôm-bi-a nhiều lần tuyên bố động thái này là nhằm chống khủng bố và tấn công ma túy, nhưng vẫn gây nên sự lo lắng và phản đối của một số nước Mỹ la-tinh, trong đó có Vê-nê-xu-ê-la. Đặc biệt là Vê-nê-xu-ê-la, nước láng giềng của Cô-lôm-bi-a, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la nổi tiếng lâu này là một "chiến sĩ chống Mỹ", nếu Mỹ thành lập căn cứ quân sự tại Cô-lôm-bi-a thì chẳng khác nào đồn trú quân ngay "trước cửa nhà" Vê-nê-xu-ê-la, bởi vậy Vê-nê-xu-ê-la có một số phản ứng là điều dĩ nhiên.
Trong 10 năm qua, Vê-nê-xu-ê-la mua vũ khí của Nga lên tới 3 tỷ USD. Tổng thống Cha-vết mới đây cho biết, Vê-nê-xu-ê-la không muốn mua khối lượng lớn vũ khí để dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang, nhưng việc Cô-lôm-bi-a cho phép Mỹ đóng quân trên lãnh thổ nước mình đã làm cho Vê-nê-xu-ê-la buộc phải mua thêm vũ khí.
Các nhân sĩ phân tích chỉ rõ, những lời nói này của Tổng thống Cha-vét đã thể hiện lên sự thất vọng của ông đối với Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma. Việc Tổng thống Cha-vét trở lại với những lời nói chống Mỹ đã nói lên "tuần trăng mật" giữa ông và Tổng thống Ô-ba-ma có lẽ đã kết thúc. Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma sau khi nhậm chức tháng một năm nay từng cam kết sẽ cải thiện quan hệ với các nước Mỹ La-tinh, các nước cánh tả như Vê-nê-xu-ê-la, Ê-cu-a-đo, Cu-ba, v.v cũng đã giảm bớt sự chỉ trích đối với Mỹ. Tại Hội nghị cấp cao Tổ chức các nước châu Mỹ tháng 4 năm nay, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma từng ba lần bắt tay và trao đổi ngắn với Tổng thống Cha-vét, bầu không khí rất hữu nghị, Tổng thống Cha-vét còn nói với ông Ô-ba-ma bằng tiếng Anh rằng "Tôi muốn làm bạn với ông". Hai nước cũng đã cử Đại sự trở lại, thực hiện bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Thế nhưng, ba vụ việc liền tiếp xảy ra trong gần một tháng qua đã làm cho quan hệ hai nước rơi xuống đáy vực. Trước tiên là đồng minh chính trị của ông Cha-vét, Tổng thống Ôn-đu-rát Dê-lay-a ngày 28 tháng trước bị đảo chính, ông Cha-vét công khai chỉ trích Mỹ đứng đằng sau của vụ việc này. Tiếp đến, Quốc hội Mỹ ra báo cáo buộc tội Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la "thao túng" hoạt động buôn lậu ma túy. Còn việc Mỹ sẽ xây dựng nhiều căn cứ quân sự tại Cô-lôm-bi-a càng làm cho sự bất bình của ông Cha-vét leo thang.
Các nhân sĩ phân tích cho rằng, hiện nay quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ La-tinh đang đối mặt với thách thức mới. Tổng thống Ô-ba-ma sau khi lên nắm quyền bắt đầu hàn gắn quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với các nước Mỹ La-tinh. Song, việc Mỹ quyết định đóng quân tại Cô-lôm-bi-a lần này đã làm cho Mỹ và các nước Mỹ La-tinh cánh tả như Vê-nê-xu-ê-la, v.v "khôi phục lại quan hệ thù địch", Vê-nê-xu-ê-la và các nước khác cũng vì vậy mà chuyển hướng tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga, đây là điều mà Mỹ không muốn trông thấy. |