Nghe Online
Tuần Giao lưu giáo dục Trung Quốc-ASEAN lần thứ 2 đã khai mạc ngày 5. Gần 300 đại biểu của 27 trường đại học các nước ASEAN, 43 trường đại học Trung Quốc, Ban Thư ký ASEAN, mạng lưới các trường đại học ASEAN, v.v đã hội tụ về thành phố Quý Dương, Thủ phủ tỉnh Quý Châu, tây-nam Trung Quốc, tiến hành thảo luận về thực hiện "Tuyên bố Quý Dương" đạt được tại Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học lần thứ nhất và xoay quanh chủ đề "Sâu sắc hợp tác giáo dục thiết thực giữa Trung Quốc và ASEAN".
Tại Tuần Giao lưu giáo dục Trung Quốc-ASEAN lần thứ nhất diễn ra tháng 8-2008, hiệu trưởng các trường đại học Trung Quốc và các nước ASEAN đã ra "Tuyên bố Quý Dương". Trong một năm qua, giao lưu về giáo dục giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã thu được bước phát triển vượt bậc, sự giao lưu song phương và đa phương không ngừng được nâng cấp. Trong 6 tháng đầu năm 2009, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Ma-lai-xi-a Na-gíp, Bộ trưởng Giáo dục các nước Xin-ga-po, Thái Lan và Lào cũng lần lượt thăm Trung Quốc và đạt được rất nhiều thoả thuận. Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc tham dự lễ khai mạc Tuần Giao lưu giáo dục lần này Hách Bình cho biết, một loạt thoả thuận hợp tác song phương ký kết giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã đặt nền tảng cho phát triển bền vững hợp tác giáo dục song phương. Ông nói:
"Từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc và các nước ASEAN đã lần lượt ký kết một loạt Hiệp định về giao lưu và hợp tác giáo dục hoặc công nhận bằng cấp của nhau giữa chính phủ hai bên. Tháng 12-2008, Trung Quốc và Cam-pu-chia đã ký kết Hiệp định Hợp tác giáo dục; tháng 4-2009, Trung Quốc và Xin-ga-po ký kết Hiệp định Giao lưu và hợp tác giáo dục; Trung Quốc và Việt Nam ký kết Hiệp định công nhận bằng cấp của nhau; tháng 6-2009, Trung Quốc và Thái Lan ký kết Hiệp định Hợp tác giáo dục Trung Quốc-Thái Lan".
Trong thế giới ngày nay, tăng cường đối thoại, sâu sắc hợp tác và thực hiện cùng thắng đã trở thành giai điệu chính trong xử lý công việc quốc tế. Trong bối cảnh tiềm lực phát triển kinh tế của khu vực Đông Á và Đông-Nam Á ngày càng được tăng cường, việc nâng cao về tổng thể sức cạnh tranh quốc tế tổng hợp của khu vực, tăng cường hợp tác giáo dục khu vực đã trở thành xu thế lớn. Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc, Tiến sĩ Hách Bình tràn đầy tin tưởng về việc này. Ông nói:
"Sự phát triển của Trung Quốc đã mang lại cơ hội cho ASEAN, sự phồn thịnh của ASEAN cũng làm cho Trung Quốc được lợi. Cốt lõi của cạnh tranh kinh tế là sự cạnh tranh về công nghệ và nhân tài, muốn nâng cao sức cạnh tranh kinh tế thì cần phải ra sức phát triển sự nghiệp giáo dục, trong khi đó giao lưu và hợp tác giáo dục quốc tế là sự vươn dài của công tác giáo dục, góp phần cực kỳ quan trọng cho triển khai hợp tác quốc tế về giáo dục và nghiên cứu khoa học, học tập khoa học-công nghệ của nước đối phương, nâng cao thu nhập và tăng cường động lực tiêu dùng".
Là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, Trung Quốc có thực lực khá mạnh về các mặt nghiên cứu khoa học-công nghệ cũng như xây dựng kinh tế, đây cũng là những mặt chính mà đông đảo các trường đại học của các nước ASEAN mong muốn giao lưu với Trung Quốc. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Chu-la-lông-côn, Thái Lan tham dự Tuần giao lưu lần này Ca-lay-a nói:
"Trung Quốc không những có ưu thế về văn hóa ngôn ngữ, mà những thành quả khoa học-công nghệ cũng dẫn đầu thế giới. Chúng tôi mong triển khai giao lưu và hợp tác hơn nữa với các trường đại học Trung Quốc về mặt khoa học-kỹ thuật ứng dụng".
Giáo dục là hướng về tương lai, đào tạo nhân tài có lợi cho hoà bình, phát triển và ổn định của khu vực là mục tiêu chung của các trường đại học Trung Quốc và các nước ASEAN. Thứ trưởng Hách Bình cho biết, Bộ Giáo dục Trung Quốc sẽ tăng thêm suất học bổng Chính phủ Trung Quốc cho các nước xung quanh như ASEAN, dự định dành cho các nước ASEAN khoảng 1200 suất học bổng trong năm học 2009-2010.
"Chúng tôi mong thông qua sự nỗ lực chung của hai bên, phấn đấu thực hiện 'Chương trình giao lưu 100 nghìn học sinh của mỗi bên vào năm 2020', tức đến năm 2020 số học sinh ASEAN đến Trung Quốc lưu học và số học sinh Trung Quốc đi lưu học ở các nước ASEAN đều đạt khoảng 100 nghìn". |