Nghe Online
Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập 60 năm qua, tiến trình chính trị không ngừng được cải thiện. Trong tiến trình này đã trước sau như một kiên trì nguyên tắc cơ bản lợi ích của nhân dân là cao hơn tất cả. Bất kể chế độ chính trị cơ bản của Trung Quốc, hay trong thực tiễn dân chủ ở cơ sở trong thời kỳ mới, lợi ích và ý chí của nhân dân luôn được đặt lên vị trí quan trọng hàng đầu.
Ngày 1-10 của 60 năm trước, trên thành lầu Thiên An Môn ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã trịnh trọng tuyên bố "Chính phủ Nhân dân Trung ương nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập". Kể từ thời khắc này, Đảng Cộng sản Trung Quốc được tuyệt đại đa số nhân dân Trung Quốc ủng hộ đã trở thành đảng cầm quyền, thay mặt nhân dân thi hành quyền lực Nhà nước.
Tháng 9-1954, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh. Tại kỳ họp lần này, Bộ Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã ra đời, và quy định rõ: Mọi quyền lực của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là thuộc về nhân dân.
Trong một thời gian khá dài sau ngày thành lập nước Trung Hoa mới, trình độ phát triển kinh tế và mức sống của nhân dân Trung Quốc phổ biến tương đối thấp. Bởi vậy, quan điểm lập pháp của Trung Quốc lâu nay đã nghiêng về phát triển kinh tế. Trong 30 năm gần đây, kinh tế Trung Quốc đã có bước phát triển vượt bậc, thể chế kinh tế thị trường cơ bản được xác lập, các pháp luật, pháp quy về mặt kinh tế cũng cơ bản được hoàn thiện và kiện toàn. Kể từ thời điểm này, vấn đề dân sinh đã nổi cộm, việc này sẽ không sao giải quyết được nếu chỉ đơn thuần dựa vào thể chế kinh tế thị trường. Bởi vậy, các công tác chính trị của Trung Quốc, trong đó có lập pháp đã tập trung vào việc giải quyết vấn đề dân sinh.
Ví dụ năm 2008, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã xem xét thông qua 9 dự án luật, phần lớn đều là các bộ luật quan trọng liên quan tới dân sinh, trong đó có "Luật An toàn thực phẩm", "Luật Bảo đảm quyền lợi người khuyết tật", v.v. Năm 2009 còn xem xét các bộ luật liên quan mật thiết với nhân dân như "Luật Bảo hiểm xã hội", "Luật Cứu trợ xã hội" v.v. Luật Quyền sở hữu được thông qua hai năm trước đã lần đầu tiên đưa tài sản tư nhân lên vị trí quan trọng như tài sản công. Ngoài ra, hình thức lập pháp của Trung Quốc trong những năm gần đây cũng càng thêm thông thoáng và dân chủ. Từ tháng 4 năm ngoái đến nay, có 17 dự án luật được công bố và trưng cầu ý kiến xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Vương Minh Văn, đại biểu Quốc hội, Giáo sư Luật cho biết:
"Một tiến bộ rất lớn trong việc lập pháp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố dự án luật trên in-tơ-nét, để trưng cầu ý kiến của công dân mạng. Tôi cho rằng hình thức này rất tốt, thu hút sự tham gia của mọi người. Khiến cho lập pháp của chúng ta càng phù hợp với thực tế, càng thêm dân chủ".
Tại Trung Quốc còn xuất hiện một hình thức dân chủ ở cơ sở kiểu mới, đó là "Toạ đàm dân chủ". Hình thức toạ đàm dân chủ tức là để cho người dân bình thường trực tiếp tham gia vào quá trình quyết định, quản lý và giám sát các công việc công cộng xã hội.
Tại làng Trà Đường, thị trấn Bạch Hạc, huyện Thiên Đài, thành phố Đài Châu, đầu năm 2006 có một số cán bộ thôn đề xuất muốn sử dụng khoản tiền tích lũy của thôn để xây dựng toà nhà làm việc đã rất cũ nát, cũng có người đề xuất trước tiên nên tu sửa lại con đường tồi tệ của thôn. Vậy thì, xây dựng toà nhà làm việc hay tu sửa lại đường sá? Ông Phạm Thuận Thu, người dân làng Trà Đường nhớ lại rằng:
"Lúc đó chúng tôi muốn sửa đường, bởi vì rất gập nghềnh khó đi, môi trường của thôn cũng không tốt. Sửa đường sẽ có lợi cho phát triển kinh tế và giao thông đi lại cho thôn chúng tôi".
Thông qua biểu quyết dân chủ, có 90% dân làng ủng hộ việc sửa đường. Bởi vậy, làng Trà Đường đã sửa lại con đường rất khang trang và còn cải tạo hệ thống thoát nước, sau đó lại đầu tư 250 nghìn Nhân dân tệ xây dựng một hồ chứa và lắng đọng nước thải. Hiện nay, làng Trà Đường đã nổi tiếng gần xa về có môi trường sinh thái hài hoà.
Hình thức dân chủ ở cơ sở này đã phát huy vai trò quan trọng trong muôn vàn thôn làng và cộng đồng chung cư ở Trung Quốc. Người dân bình thường đã phát huy vai trò ngày càng lớn trong thực tiễn dân chủ ở cơ sở tại Trung Quốc. Hiện nay, 900 triệu nông dân Trung Quốc đã có quyền quyết định lớn hơn trong bầu cử và giám sát cán bộ thôn, trong hơn hai năm sau khi "Luật Tổ chức Ủy ban thôn làng" chính thức có hiệu lực, đã có hơn 600 triệu nông dân Trung Quốc tham gia bầu cử trực tiếp. |