Nghe Online
Các bạn thân mến, sau khi bùng phát khủng hoảng tài chính toàn cầu, không ít nhà phân tích cho rằng, suy thoái kinh tế bắt đầu từ Mỹ dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ có thể cải thiện thực sự sau khi kinh tế Mỹ bước khỏi đáy vực.Vậy suy thoái kinh tế Mỹ lúc nào tới đáy? Chương trình kích thích kinh tế liệu có giúp kinh tế Mỹ nhanh chóng phục hồi hay không ? về vấn đề này các quan chức và nhà kinh tế học nổi tiếng đều đưa ra phán đoán của mình.
Kể từ khi ông Ô-ba-ma lên nhậm chức Tổng thống Mỹ đến nay, Chính phủ Mỹ đã đưa ra hàng loạt phương án cứu trợ kinh tế khổng lồ, trong đó bao gồm chương trình kích thích kinh tế tổng trị giá 787 tỷ đô la Mỹ và chương trình mua lại tài sản xấu ngân hàng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sau khi sử dụng triệt để "biện pháp truyền thống" kiểm soát kinh tế vĩ mô như giảm lãi suất, đã tăng cường vận dụng các "biện pháp phi truyền thống" , tuyên bố sẽ mua lại hàng loạt các trái phiếu liên quan như trái phiếu chính phủ và các khoản nợ thế chấp thứ cấp. Với hàng loạt chương trình cứu trợ trên, Tổng thống Ô-ba-ma ngày 24 đã phát biểu trong một buổi họp báo nói, biện pháp cứu trợ kinh tế đã có dấu hiệu tiến triển. Trong khi đó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Bê-nan-cơ cũng nói, suy thoái kinh tế có triển vọng kết thúc trong năm nay.
"Xét về góc độ lớn thì phục hồi kinh tế phải dựa vào hệ thống tài chính. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, nếu khủng hoảng hệ thống tài chính nghiêm trọng, thì phục hồi kinh tế khó mà có thể thực hiện được. Hiện nay rõ ràng là thị trường tài chính của Mỹ đã có tiến triển, tôi cho rằng Mỹ có thể ổn định thị trường tài chính, suy thoái kinh tế có thể kết thúc vào cuối năm nay. Bắt đầu sang năm, kinh tế sẽ có thể phục hồi".
Trong khi đó có rất nhiều nhà kinh tế học có ý kiến khác trong vấn đề này, phần lớn đều cho rằng, triển vọng kinh tế Mỹ chưa lạc quan được như vậy. Nghiên cứu viên kỳ cựu Quỹ Hoà bình Quốc tế Ca-nê-giê, Cựu Phó Giám đốc chuyên trách văn phòng các nước Đông Á Bộ Tài chính Mỹ Ti-mô-thi Ghết-nơ nói, nếu kinh tế Mỹ thực sự phục hồi trong năm nay, thì đây quả là một kỳ tích. Ông nói :
" Nếu kinh tế có thể phục hồi trong năm nay, thì tôi cảm thấy hết sức bất ngờ. Theo tôi, nếu lạc quan thì tới năm 2011 mới bắt đầu phục hồi, nếu may mắn hơn một chút thì có thể vào năm 2010. Điều này rất khó nói".
Phó Chủ tịch kiêm Nhà Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Lâm Nghị Phu cho rằng, tác động của khủng hoảng tài chính hiện nay mới chỉ nhìn thấy một góc trong núi băng. Ông nói :
" Khi xảy ra cuộc khủng hoảng cho vay thứ cấp năm 2007, mọi người đều cho rằng đây chỉ là một cuộc khủng hoảng nhỏ. Mọi người tràn đầy niềm tin ứng đối cuộc khủng hoảng này, cho rằng mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng chỉ sau hai, ba tuần ngắn ngủi, cục diện đã không thể kiểm soát nổi. Tôi nghĩ nguyên nhân là đến thời điểm này, chúng ta mới nhìn thấy một góc của núi băng, chúng ta chỉ nhìn thấy bề ngoài khủng hoảng .Tôi cho rằng, nguyên nhân căn bản là năng lực sản xuất của toàn cầu quá tải".
Giáo sư kỳ cựu Trường Đại học Giôn Hốp-kin Mỹ , cựu Trưởng Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc Bô-tê-li cho rằng, điều then chốt nhất là tìm biện pháp khôi phục ngành tài chính. Ông nói :
"Điều mong muốn nhất của tôi là Chính phủ Liên bang có thể đưa ra kế sách tốt đẹp cứu vãn ngành tài chính, chỉ có như vậy thì chính sách kinh tế mới có thể thu được hiệu quả. Nếu vấn đề ngân hàng không thể giải quyết được, thì chương trình kích thích kinh tế cũng khó mà mang lại hiệu quả".
Thế nhưng Cựu Phó Giám đốc chuyên trách văn phòng các nước Đông Á Bộ Tài chính Mỹ Ti-mô-thi Ghết-nơ cho rằng, chương trình kích thích kinh tế là một bước đi chính xác, nhưng thâm hụt ngân sách khổng lồ của chương trình này có thể cài một "quả mìn" cho phát triển tương lai. Ông nói:
"Tôi nghĩ đây là sự mở đầu tốt đẹp, tôi cho rằng cần tiếp tục mở rộng, đưa ra chương trình kích thích kinh tế khác. Vấn đề là ở chỗ, tôi không biết tổng thống Ô-ba-ma làm thế nào để vừa kích thích kinh tế vừa giảm thâm hụt ngân sách như ông đã cam kết, vì đây là một điều mâu thuẫn". |