Nghe Online
Ngày 26, tại Bắc Kinh, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc Lưu Minh Khang nói, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng tới các nền kinh tế hiện nay, ngành ngân hàng Trung Quốc tuy không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng tình hình vận hành ổn định và lành mạnh đang được duy trì đã trở thành "nét độc đáo" trên phạm vi toàn cầu.
Trong buổi họp báo diễn ra cùng ngày của Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Lưu Minh Khang nói, năm 2008 thông qua các biện pháp như tăng cường giám sát quản lý cho vay tín dụng, tăng cường theo dõi động thái thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, số dư nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng Trung Quốc tiếp tục duy trì đà giảm xuống, năng lực chống rủi ro được tăng cường. Ông nói, lợi nhuận của ngành ngân hàng Trung Quốc năm ngoái đứng đầu ngành ngân hàng toàn cầu.
"Năm 2008, tỷ lệ lợi nhuận vốn ngành ngân hàng Trung Quốc lên tới 17%, lợi nhuận sau thuế tăng 30,6% so với năm 2007. Năm 2008 ngành ngân hàng Trung Quốc có triển vọng đứng đầu toàn cầu về các mặt như tổng lợi nhuận, mức tăng lợi nhận, lợi nhuận vốn vv."
Ông Lưu Minh Khang cho rằng, tính đến thời điểm này, tác động của khủng hoảng tài chính đối với ngành ngân hàng Trung Quốc rất có hạn, rủi ro vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Ngoài ra, ông còn nói, kinh tế Trung Quốc dựa vào xuất khẩu rất cao, trước tình hình khủng hoảng ngày càng sâu sắc, chưa thấy dấu hiệu kết thúc, Trung Quốc cần phải thực thi các biện pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế, mở rộng kích cầu trong nước và điều chỉnh cơ cấu kinh tế, điều này đòi hỏi ngành ngân hàng tăng cường hỗ trợ về mặt tài chính đối với tăng trưởng kinh tế. Trước tình hình này, Ủy ban Giám sát và Quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế phát triển.
"Những biện pháp này chủ yếu bao gồm: ủng hộ ngân hàng thương mại có đủ điều kiện triển khai nghiệp vụ sáp nhập tài khoản; tiếp tục tăng cường hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ; mở rộng đầu tư tín dụng liên quan tới nông thôn; dành hỗ trợ tín dụng cho những doanh nghiệp xuất hiện khó khăn tạm thời trong kinh doanh và tài chính do tác động của cuộc khủng hoảng ; cho phép ngân hàng vừa và nhỏ có đủ điều kiện thay đổi vừa phải tỷ lệ tiền gửi và tiền cho vay để có thể cho vay nhiều hơn; cũng như hỗ trợ thay đổi phương thức bảo lãnh huy động vốn và cơ chế đảm bảo bảo hiểm vay tín dụng tiêu dùng."
Ông Lưu Minh Khang còn nêu rõ, doanh nghiệp vừa và nhỏ có đóng góp rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đồng thời còn tạo ra rất nhiều việc làm. Năm nay, Ủy ban Giám sát và Quản lý ngành ngân hàng sẽ hướng dẫn và khuyến khích cơ cấu tài chính ngành ngân hàng, sẽ thông qua đổi mới dịch vụ và sản phẩm tài chính, hỗ trợ vốn cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô nhỏ, nhu cầu đa dạng hóa, năng lực chống rủi ro tương đối hạn chế, cần phải hướng dẫn ngành ngân hàng coi trọng và hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi một ngân hàng cần phải thành lập một đơn vị chuyên môn để phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số doanh nghiệp vừa và nhỏ có không ít doanh nghiệp thuộc loại hình khoa học công nghệ cao, chúng tôi sẽ xem xét việc lấy quyền sở hữu trí tuệ trong đó bao gồm công nghệ, độc quyền sáng chế, cũng như các quyền khác để làm thế chấp vay vốn. Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ủy ban Giám sát và Quản lý ngành ngân hàng sẽ tích cực thúc đẩy sự phát triển của cơ chế bảo lãnh và cơ chế bảo hiểm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn."
Ông Lưu Minh Khang nói, năm 2009, trong xu thế tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, ngành ngân hàng Trung Quốc sẽ đứng trước thách thức cam go, mức tăng của ngành ngân hàng liệu có tiếp tục đà vận hành tốt đẹp của năm ngoái hay không khó mà đoán trước. Nhưng ông cho rằng, song song với việc làm tốt công tác đề phòng rủi ro, thông qua việc thúc đẩy cải cách sâu sắc cơ cấu ngân hàng, đổi mới phương thức dịch vụ tài chính, hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể duy trì ổn định và phát triển lành mạnh và thúc đẩy tăng trưởng bình ổn của nền kinh tế vĩ mô. |