Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Ba mươi năm nền ngoại giao Trung Quốc
   2008-11-24 16:55:57    CRIonline

Nghe Online

Năm 1978 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệu tập một Hội nghị Trung ương có ý nghĩa lịch sự trọng đại, mở ra thời kỳ lịch sử mới cải cách mở cửa của Trung Quốc, nền ngoại giao Trung Quốc cũng từ đó bước vào một thời kỳ lịch sử hoàn toàn mới.

Ông Trịnh Khải Vinh, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho biết:

"Ba mươi năm cải cách mở cửa là 30 năm không ngừng hoàn thiện chính sách ngoại giao hoà bình độc lập, tự chủ của Trung Quốc, cũng là 30 năm nền ngoại giao Trung Quốc không ngừng thu được thành quả rực rỡ. Cần phải nói rằng thành tựu ngoại giao 30 năm qua là sự kế thừa và phát triển tư tưởng ngoại giao của các nhà cách mạng tiền bối Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, đồng thời lại tiến hành một loạt điều chỉnh quan trọng căn cứ theo tình hình quốc tế và đặc điểm thời đại không ngừng biến đổi của tập thể lãnh đạo thế hệ mới Trung Quốc, nền ngoại giao Trung Quốc mới có được cục diện tốt như hôm nay".

Trong ngày đầu thành lập Nước Trung Hoa mới, Trung Quốc đã phá vỡ sự cô lập của phương Tây, đoàn kết các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của các nước này. Bên cạnh đó, được sự ủng hộ của các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh, năm 1971 Trung Quốc đã khôi phục địa vị hợp pháp tại Liên Hợp Quốc, nền ngoại giao Trung Quốc lúc đó vẫn chưa hội nhập vào hệ thống quốc tế do Mỹ và phương Tây chủ đạo.

Cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc giành giật xưng bá giữa hai siêu cường quốc Mỹ và Liên Xô bước vào giai đoạn cân bằng và giằng co, các nước Tây Âu và Nhật Bản nổi lên, các nước đang phát triển không ngừng lớn mạnh, xu thế đa cực của thế giới bắt đầu xuất hiện. Trước tình hình quốc tế mới này, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó Đặng Tiểu Bình chỉ rõ, ngoại giao phải phục vụ cho phát triển kinh tế, phục vụ cho công cuộc xây dựng hiện đại hóa.

Năm 1979 Trung Quốc và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, việc này đã thúc đẩy quan hệ giữa các nước lớn phương Tây với Trung Quốc được dịu lại và phát triển, quan hệ đối ngoại của Trung Quốc xuất hiện sự đột phá quan trọng. Mười năm sau, tháng 5-1989 nguyên Tổng thống Liên Xô Goóc-ba-chốp đã thăm Trung Quốc, tiến hành cuộc hội đàm cấp cao với đồng chí Đặng Tiểu Bình, và thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ông Vương Dật Châu, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học-xã hội Trung Quốc đánh giá rằng:

"Cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đồng chí Đặng Tiểu Bình đã tạo ra bầu không khí ngoại giao hoàn toàn mới, là khởi điểm mang tính cột mốc trong nền ngoại giao Trung Quốc".

Bước vào thập niên 90 của thế kỷ trước, cục diện thế giới đã bước vào thời kỳ quá độ chuyển đổi từ cũ sang mới, tập thể lãnh đạo thế hệ 3 của Trung Quốc mà hạt nhân là đồng chí Giang Trạch Dân đã tích cực tìm kiếm phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới, cùng nhau thúc đẩy việc thiết lập trật tự chính trị và kinh tế quốc tế mới, vị thế quốc tế của Trung Quốc được nâng cao một bước. Nền ngoại giao Trung Quốc trong thời kỳ này bắt đầu xuất hiện đặc điểm mới về chủ nghĩa đa phương, Trung Quốc tích cực thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình, cộng đồng quốc tế cũng ngày càng nhận thức được rằng, muốn giải quyết các vấn đề nóng hổi thì không thể tách rời với Trung Quốc.

Để giải quyết hoà bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Chính phủ Trung Quốc đã tích cực dàn xếp và năm 2003 thúc đẩy thành công cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên gồm 6 nước Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga tham gia. Tính đến tháng 6 năm 2008, cuộc đàm phán 6 bên đã tiến hành 6 vòng đàm phán, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thu được tiến triển thực chất.

Bước vào thế kỷ 21, nền ngoại giao Trung Quốc càng thêm thiết thực, tự tin. Dưới sự thúc đẩy của quan điểm xây dựng thế giới hài hoà, Trung Quốc và các nước trên thế giới đã thực hiện cùng có lợi cùng thắng, điều này trước tiên được thể hiện ở việc Chính phủ Trung Quốc tích cực dốc sức xây dựng môi trường xung quanh hoà bình thông qua hợp tác khu vực; xây dựng quan hệ với các nước đang phát triển với nền tảng hợp tác chân thành cùng có lợi cùng thắng trong khi củng cố quan hệ với các nước lớn.

Năm 2006 Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Bắc Kinh "Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi". Đây là hội nghị quốc tế có qui mô lớn nhất và các nhà lãnh đạo tham gia nhiều nhất trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc. Trung Quốc đã ký kết Hiệp ước hoặc Hiệp định biên giới với 12 nước láng giềng; là nước cử lực lượng giữ gìn hoà bình nhiều nhất trong 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng là nước đầu tiên ngoài ASEAN tham gia "Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác các quốc gia Đông Nam Á". Tất cả những điều này đều nêu bật lên những thành quả to lớn thu được trong nền ngoại giao mới của Trung Quốc.