Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Diễn đàn Phát triển và Hợp tác cảng biển Trung Quốc-ASEAN diễn ra tại Nam Ninh Quảng Tây
   2007-10-30 17:54:03    CRIonline

Nghe Online

Sáng 28 tháng 10, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 4 khai mạc tại Nam Ninh Quảng Tây. Kể từ hội chợ lần này mỗi kỳ hội chợ đều sẽ chọn một lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa Trung Quốc và ASEAN làm chủ đề, chủ đề của hội chợ năm nay là Hợp tác cảng biển, đây cũng là một trong những điểm sáng và trọng điểm của hội chợ năm nay.

Diễn đàn Phát triển và Hợp tác cảng biển Trung Quốc-ASEAN với tôn chỉ "Tăng cường hợp tác khu vực, thúc đẩy cùng nhau phát triển" chiều 28 diễn ra tại Nam Ninh. Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Giao thông, người phụ trách cảng vụ của Trung Quốc và 10 nước ASEAN cùng các nhà đầu tư kinh doanh bến cảng, các doanh nghiệp vận tải biển và các nhà phân phối chủ yếu trên thế giới đã dự Diễn đàn. Trung Quốc và các nước ASEAN đang dốc sức xây dựng Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN, giao thông là một trong 10 lĩnh vực hợp tác trọng điểm được hai bên xác định. Năm ngoái, có hơn 100 trong số 160,8 tỷ USD giao lưu thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN là được thực hiện qua vận tải biển. Bộ trưởng Bộ Giao thông Trung Quốc Lý Thịnh Lâm phát biểu tại Diễn đàn chỉ rõ: Trung Quốc và các nước ASEAN cần phải triển khai sự hợp tác sâu sắc hơn về cảng biển từ nhiều mặt. Ông nói:

"Khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN trong tương lai có thể dự kiến là rất to lớn và tăng trưởng bền vững. Để thúc đẩy toàn diện phát triển cảng biển, đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế, Trung Quốc nguyện cùng với các nước ASEAN thảo luận xây dựng cơ chế hợp tác về cảng biển, xây dựng khuôn khổ hợp tác để triển khai các hoạt động hợp tác cảng biển giữa Trung Quốc và ASEAN một cách hữu hiệu hơn".

Được biết Cảng Đà Nẵng của Việt Nam và Cảng Bắc Hải của Quảng Tây Trung Quốc là những bến cảng được lợi trước tiên tại Diễn đàn lần này. Cảng Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất ở miền Trung Việt Nam, song trước đây sự hợp tác với các cảng biển Trung Quốc là rất có hạn. Diễn đàn lần này đã tạo cơ hội tốt cho Cảng Đà Nẵng hợp tác với ba cảng biển ở Quảng Tây. Ông Nguyễn Hữu Sia, Phó Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết:

"Chúng tôi mong qua Diễn đàn lần này có thể tiếp xúc giao lưu với một số cảng biển Trung Quốc để đạt được thoả thuận về một số hợp tác. Hiện nay chúng tôi đã bắt đầu công việc này, đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Cảng vụ Quốc tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây. Sau này chúng tôi sẽ hội nhập hơn nữa sự hợp tác với các cảng biển khác của Trung Quốc".

Là một nước lục điạ duy nhất trong ASEAN, những thành tựu thu được về mặt phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện điều kiện vận tải hàng hóa của Lào trong những năm qua đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu dự Diễn đàn. Thứ trưởng Bộ Bưu chính, Xây dựng, Giao thông-vận tải Lào Xi-thong Thông-keo cho biết tuy Lào là một nước lục địa nhưng sông Mê-công đã mang lại tài nguyên vận tải đường sông dồi dào cho Lào. Bên cạnh đó, Lào ra sức phát triển cơ sở hạ tầng như cầu đường, v.v, tích cực thương lượng và hợp tác với các nước xung quanh, qua đó thực hiện chiến lược "Mượn cảng ra biển". Ông nói:

"Hiện nay Lào thông qua sử dụng cảng biển của Việt Nam và Thái Lan để phục vụ thương mại và giao thông. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng tuyến đường quốc lộ số 12, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2008, đến lúc đó chúng tôi sẽ thực hiện sự nối liền với Cảng Vũng Áng của Việt Nam, đây là cảng biển gần với Lào nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang thương lượng với Cam-pu-chia để ký kết Hiệp định vận tải đường bộ, nếu hai bên đạt được thoả thuận chúng tôi sẽ có thể sử dụng Cảng Xi-ha-núc".

Sau khi kết thúc Diễn đàn ngày 29, các bên đã ra "Tuyên bố chung về Phát triển và Hợp tác cảng biển Trung Quốc-ASEAN". Hai bên đạt được những thoả thuận sau đây: một là, Trung Quốc và ASEAN sớm xem xét thông qua "Qui hoạch chiến lược hợp tác giao thông Trung Quốc-ASEAN" đồng thời ký kết "Hiệp định vận tải biển Trung Quốc-ASEAN" tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc-ASEAN lần thứ 6. Hai là, để thúc đẩy phát triển cảng biển, đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế, cần thiết phải xây dựng cơ chế điều phối cảng biển Trung Quốc-ASEAN. Ba là, tiếp tục ủng hộ lợi dụng Qũi Trung Quốc-ASEAN thông qua tổ chức các cuộc hội thảo và lớp tập huấn để thúc đẩy khai thác nguồn nhân lực, tập huấn cho nhân viên, giao lưu công nghệ và thông tin trong lĩnh vực xây dựng và quản lý cảng biển. Bốn là, cùng nhau nỗ lực tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong các lĩnh vực giám sát, an ninh trên biển, đảm bảo an ninh trên biển và bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Tổ chức Hải sự Quốc tế.