Nghe Online
Trung Quốc năm ngoái không thực hiện được mục tiêu giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm được đề ra hồi đầu năm. Tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh, các đại biểu đã đồng loạt hiến mưu hiến kế nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm. Trung Quốc năm ngoái khi xây dựng Quy hoạch phát triển đã đề xuất đến năm 2010 giảm thiểu 10 o/o tổng lượng chất thải gây ô nhiễm chủ yếu so với năm 2005, việc này nói lên kể từ năm nay chất thải gây ô nhiễm chủ yếu ở Trung Quốc bình quân mỗi năm sẽ giảm 2 o/o. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khi đọc báo cáo tại kỳ họp Quốc hội ngày 5-3 đã chỉ rõ những bất cập trong công tác này. Thủ tướng nói:
"Năm 2006 mức tăng về tổng lượng chất thải gây ô nhiễm chủ yếu ở Trung Quốc có phần giảm, tuy nhiên cả nước vẫn không thực hiện được mục tiêu giảm thiểu 2 o/o tổng lượng chất thải gây ô nhiễm chủ yếu được đề ra hồi đầu năm".
Tổng lượng chất thải gây ô nhiễm chủ yếu ở Trung Quốc chẳng những không giảm là còn tăng, vì sao vậy? Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường Nhà nước Trung Quốc Chu Sinh Hiền phân tích rằng:
"Bởi vì các biện pháp xúc tiến giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm của Trung Quốc vẫn chưa quyết liệt, thiếu tính thiết thực; sự giám sát của các ban ngành chính phủ chưa đủ mạnh; đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường còn thiếu hụt".
Vậy thì, trong tình hình này có còn nên kiên trì mục tiêu giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm hay không? Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trả lời kiên quyết rằng:
"Hai mục tiêu mang tính ràng buộc là tiết kiệm giảm thiểu tiêu hao năng lượng và giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm được đề xuất trong Qui hoạch phát triển 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc là rất nghiêm túc, không cho phép thay đổi, cần phải kiên định bất di bất dịch thực hiện".
Chính phủ Trung Quốc còn đưa ra nhiều biện pháp cụ thể, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm khắc các chỉ tiêu môi trường, kiên quyết đào thải năng lực sản xuất lạc hậu, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng các thiết bị mới, công nghệ-kỹ thuật mới có lợi cho bảo vệ môi trường, bên cạnh đó tăng cường giám sát và quản lý hành pháp, thực hiện cơ chế chất vấn nghiêm khắc.
Các đại biểu đang dự kỳ họp thường niên của Quốc hội tại Bắc Kinh cũng đã nêu ra nhiều kiến nghị về việc này. Ông Mao Như Bách, Chủ nhiệm Ủy ban môi trường của Quốc hội cho rằng: Trung Quốc muốn hoàn thành nhiệm vụ giảm thiểu chất thải theo đúng thời hạn thì cần phải bắt tay từ ba mặt. Ông nói:
"Một là chuyển đổi quan niệm phát triển, đặt trọng điểm phát triển kinh tế vào chất lượng và hiệu quả, vào giảm thiểu tiêu hao và chất thải gây ô nhiễm. Hai là, mở ra các kênh đầu tư, đảm bảo đầu tư đến nơi đến chốn cho việc giảm thiểu chất thải. Ba là, tăng cường năng lực giám sát và quản lý, đảm bảo việc thi hành luật pháp đến nơi đến chốn".
Bà Trần Mẫn, Đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Đông đã kiến nghị Nhà nước sửa đổi các luật pháp liên quan để tăng cường mức xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm Qui chế và luật pháp. Bà nói:
"Nâng cao mức tiền xử phạt đến bao nhiêu thì vừa? Tôi cho rằng nếu một doanh nghiệp nào đó vi phạm Qui định về chất thải, các ban ngành liên quan ngoài tịch thu khoản thu nhập trái phép của doanh nghiệp đó ra còn có thể phạt tiền theo tỷ lệ nhất định của khoản thu nhập trái phép đó".
Đại biểu Quốc hội Hà Đức Tiên là người phụ trách của Công ty hoá dầu Cao Kiều Thượng Hải. Theo ông, doanh nghiệp cần phải đóng góp sức mình cho việc thực hiện mục tiêu giảm thiểu chất thải. Ông nói:
"Năm nay chúng tôi dự định đầu tư khoảng 100 triệu nhân dân tệ cho việc cải tạo thiết bị tách lưu huỳnh trong khói xả của nhà máy điện, khiến cho hàm lượng SO2 trong khói xả đạt tới tiêu chuẩn cho phép, giảm thiểu sự ô nhiễm đối với khí quyển, khiến cho bầu trời của Thượng Hải càng trong xanh hơn".
Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường Nhà nước Trung Quốc Chu Sinh Hiền nói, các ông sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu, sau đó nghiên cứu xây dựng các biện pháp tương ứng để thúc đẩy công tác giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm. Ông còn nói với các đại biểu rằng Tổng cục Bảo vệ môi trường sẽ xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với những tỉnh không hoàn thành nhiệm vụ giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm, đình chỉ phê duyệt các dự án mới xây dựng trong tỉnh và tiến hành chất vấn đối với quan chức địa phương.
Mặc dù Trung Quốc năm ngoái chưa thực hiện được mục tiêu giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm chủ yếu, nhưng tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội đều tin tưởng mục tiêu này sẽ được thực hiện vào năm 2010 dưới sự nỗ lực của Nhà nước và các tầng lớp xã hội. |