Các bạn thân mến, cụ Nguyễn Khắc Quang gần 80 tuổi mà vẫn kiên trì theo dõi qua Radio để học tiếng Phổ thông Trung Quốc và chữ Hán, cụ hỏi thầy cô có ngạc nhiên không ? Học, học nữa, học mãi. Chăm học, chăm làm ắt phải giỏi. Chúc cụ gặt hái được mùa trong học tập tiếng Phổ thông Trung Quốc. Vậy xin hỏi cụ Quang có biết tại sao những bức thư từ Nghệ An như thư cụ gửi tới, Hùng Anh đều ưu tiên đăng và phát trên làn sóng không ? Thưa cụ Quang, bởi vì những lá thư đó đều đến từ quê hương yêu dấu của Người --- Quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Các bạn thân mến, trong tiết mục "Thính giả học tiếng Phổ thông Trung Quốc" hôm nay, mời các bạn xem bức thư của bạn Nguyễn Khắc Quang, xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An :
Kính gửi cô Phi Yến và thầy Hùng Anh.
Đầu thư tôi xin gửi tới thầy cô lời cảm ơn, kính chúc thầy cô khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, công việc hiệu quả hơn năm qua, học sinh học tiếng phổ thông Trung Quốc ngày càng đông.
Kính thưa thầy cô, đã lâu ngày tôi không viết thư thăm thầy cô được, trước khi đi vào nội dung, tôi xin phép thầy cô tự giới thiệu lại tôi.
Tôi tên là Nguyễn Khắc Quang, 79 tuổi, tôi là một học sinh già của thầy cô đây, tôi đã theo học tiếng Phổ thông Trung Quốc từ cuối năm 2003 cho đến nay, đồng thời tôi cũng là một thính giả của Đài phát thanh Quốc Tế Trung Quốc vào loại lâu nhất, kể từ năm 1955 cho đến nay.
Thầy cô có ngạc nhiên không ? Một người gần 80 tuổi mà vẫn kiên trì theo dõi qua Radio để học tiếng Phổ thông Trung Quốc và Hán ngữ hàng ngày, như Lê Nin nói "Học, học nữa, học mãi", Trung Quốc nói "Hoạt đáo lão, học đáo lão".
Ai cũng phải học, nhưng học cái gì cho thiết thực, nhất là đối với người cao tuổi, tôi là giáo viên nghỉ hưu từ năm 1990, năm Tiết mục học tiếng Phổ thông Trung Quốc gia đời, tôi được nghỉ hưu về địa phương lại phải tham ra một số công việc ở xã nhà, đến năm 2001 tôi xin nghỉ công tác hoàn toàn.
Thưa thầy cô, ở Việt Nam nói năng hàng ngày, các văn bản đều dùng âm Hán, còn chữ Hán thì rất ít người biết, đặc biệt là việc cúng tế nếu không dùng âm hán để cúng tế thì lòng kính cẩn vẫn chưa đạt. Do chữ đã không biết, nghĩa cũng không, thành ra sai sót nhiều, vì vậy tôi nghĩ phải học chữ Hán. Trong thời gian tìm sách vở học chữ Hán, cuối năm 2003 tôi bắt gặp được sóng trên đài thầy cô dạy tiếng phổ thông Trung Quốc, tôi rất mừng, thầy đây rồi, thầy đây rồi, muốn học hán ngữ tự phải học tiếng phổ thông Trung Quốc, nhưng có khó khăn là thầy cô đã dạy đến câu 376, gần hết khóa học rồi. Hơn nữa chưa được học vần, ghép các chữ cái la tinh để phát âm, nhưng tôi vẫn khắc phục được, rất may tôi còn giữ được quyển sách "Dùng tiếng Pháp để học chữ Trung Quốc" Bắc Kinh năm 1964, quyển sách này viết rất tốt nếu biết tiếng Pháp, sau đó tôi gửi con cháu mua các loại từ điển, các sách chữ Hán tương đối đầy đủ cho việc học. Tôi còn nhiều thuận lợi cơ bản : Thời kỳ còn nhỏ tôi đã học ba năm chữ Hán, tiếng Trung tiếng Việt đều là đơn âm và nhiều âm tương đồng, tôi còn có may mắn, năm 1955-1956 tôi được học ở Khu học xá Nam Ninh, Quảng Tây Trung Quốc, nên tiếng Trung Quốc đã nghe quen tai rồi, sau về nước nhiều năm ở trường đều dạy Trung văn và Pháp văn. Từ năm 2005 đến năm 2007, thầy cô đã gửi sách cho tôi đầy đủ, nên việc học tập nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc học tập của tôi vẫn có những khó khăn nhất định, do tuổi cao, mắt kém, tôi đeo kính 2,5 độ, nhưng có một số chữ Hán nhiều nét nhìn không rõ, tôi phải dùng kính lúp soi, sau đó lại phải tra từ điển mới viết đúng được. Một khó khăn nữa là "Đơn phương độc mã", hầu như ở huyện tôi không có ai học tiếng Phổ thông Trung Quốc, hạn chế về phát âm và học tập lẫn nhau. |