Mời các bạn xem bức thư của bạn Vũ Quốc Trào, thôn Thọ Linh, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng :
Kính gửi : Tiết mục Học tiếng Phổ thông Trung Quốc Ban tiếng Việt Nam Đài phát thanh Quốc Tế Trung Quốc.
Thầy Hùng Anh và Cô giáo Phi Yến kính mến.
Từ thập kỷ 60 ở thời học sinh cấp 2 phổ thông, chúng tôi được học thí điểm ngoại ngữ Nga văn và Trung văn.
Tôi được phổ cập học Nga văn Chương trình 3 năm. Thế rồi năm 1967, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị thông tin Pháo binh, thời kỳ ngôn ngữ Nga dùng phổ biến nhiều. Tiếng Trung cũng có, nhưng tôi cũng chịu. Từ những năm đó có sự giúp đỡ chí tình của hai nước xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc cho giải phóng Miền nam. Đến năm 1970, Tôi chuyển ngành về Xí nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu Hải Phòng --- Chuyên chế biến xúc xích lạp xường xuất khẩu cho Hồng Công và các nước trên thế giới. Ở tuổi thanh niên phụ trách Ban chấp hành Đoàn thanh niên, gần gũi với các bạn ở cơ quan đa số là người Hoa nói tiếng Quảng Đông. Tôi có học hỏi truyền miệng được chút ít cho sinh hoạt và trao đổi, mua bán.v.v... đã thấy hấp dẫn.
Rồi thời gian công tác trôi qua, công việc gia đình bận rộn. Tối đến tôi thường xuyên nghe đài và trở thành thính giả của Đài phát thanh Quốc Tế Trung Quốc đã từ lâu rồi. Được nghe đọc truyện dài kỳ nhiều truyện. Được nghe thông tin nhiều mặt về phát triển của đất nước Trung Quốc hùng mạnh và giàu đẹp, tiến bộ hàng ngày.
Tôi thấy cuộc sống phong tục tập quán hai quốc gia có nhiều sự tương đồng về văn hóa. Tuy xa mà gần, đúng là ca khúc "Việt Nam--Trung Hoa, núi liền núi sông liền sông" "Thắm tình hữu nghị Việt Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em" là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông. Tôi đã theo dõi các đợt chấm thi, được biết các bạn học đạt điểm cao được đi du lịch ở Bắc Kinh thăm Đài. Rồi các lưu học sinh Việt Nam chúc tết về quê hương.v.v... Được nghe thầy Hùng Anh và cô giáo Phi Yến dạy đọc thật truyền cảm. Tôi thấy rất thiện cảm với môn học này.
Năm tay tôi đã 60 tuổi, tự nghĩ lại thấy thời gian trôi đi thật là nhanh. Cũng là thấy nó ngắn ngủi và gấp rút. Ông ngoại tôi không còn nữa, Ông là thầy đồ nho, thầy thuốc, thầy pháp. Sách chữ còn để lại rất nhiều. Đúng là chữ Hán ứng dụng cho nhiều ngành nhiều nghề. Thật là "Nhân bất học bất tri lý, ngọc bất trác bất thành khí". Tôi cũng rất hiểu nghĩa của nó, làm cho tôi thấy khát vọng "Học, học nữa, học mãi. Tôi nghĩ ngôn ngữ mà 60 năm nay tôi thường dùng trên dưới 80 o/o là từ Hán Việt các thuật ngữ, kỹ thuật, văn học, vật lý, y học.v.v... Tôi thấy thôi thúc mình muốn khám phá loại ngôn ngữ này.
Tháng 5 năm 2007, tôi có thời gian vào Trung tâm ngoại ngữ Nhà văn hóa huyện Kiến Thụy để theo học lớp tiếng Trung ban đêm. Đến lớp học trong lòng thấy xao xuyến cảm động nhớ lại tuổi thơ khi cắp sách tới trường. Thương thầy cô, thương bạn, người còn chức vụ cao sang, kẻ nghèo hèn nhưng tất cả là bằng hữu, cũng đã có người còn kẻ mất... chạnh lòng, cảm động xiết bao? Gặp thầy giáo trẻ mà Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư, bằng hữu bằng trang lứa con cháu mình. Tôi học Hán ngữ ở Nhà văn hóa, song vì công việc dồn dập, công tác di chuyển luôn. Tôi chỉ còn làm bạn với chiếc đài bỏ túi mọi lúc mọi nơi. Tuy vậy, Tôi cũng hoàn thành Chương trình A quyển thượng, nên cũng nắm được cơ bản học Hán ngữ với kỹ năng nghe, nói, viết. Thật ra tiếng Hán đã làm tôi say mê từ lâu rồi, lúc dở dang này tôi đã áp dụng mọi điều kiện mọi thời gian để xem nghe đọc ôn và cũng tập giao dịch với ai mà cũng biết cũng học. Phân biệt âm thanh đúng, quan điểm học ít mà nhớ mà hiểu, hơn nhiều dễ quên.
Để bổ xung cho kiến thức dở dang mà tôi đang theo đuổi, phương pháp nghe đài và học theo tài liệu của đài là điều kiện phù hợp nhất. Tôi gửi bức thư này bằng tấm lòng chân thực của sự ham muốn học môn Hán ngữ này, vậy tôi có nguyện vọng xin sách để theo học, mong thầy cô giúp đỡ. |