Trung Quốc có một câu nói rằng: Muốn tìm hiểu dưới lòng đất-đến Tây An, muốn tìm hiểu trên mặt đất-đến Tuyền Châu. Tuyền Châu nằm ở phía đông-bắc thành phố Hạ Môn, đối diện với Đài Loan qua eo biển, là thành phố văn hóa lịch sử được công bố đợt đầu của Quốc vụ viện. Giao thông đường biển của Tuyền Châu rất phát triển từ thời xa xưa, ngay từ đời Nhà Đường đã là một trong 4 cảng giao thương lớn của Trung Quốc. Đến đời Nhà Tống là thời kỳ phồn thịnh nhất của cảng Tuyền Châu, là nơi nhổ neo của "con đường tơ lụa trên biển", thông thương với hơn 100 nước và khu vực trên thế giới. Bên cạnh đó các nền tôn giáo lớn trên thế giới cũng được truyền vào Tuyền Châu cùng với sự giao lưu kinh tế và văn hóa, làm cho Tuyền Châu trở thành một đô thị đậm đà đặc trưng văn hóa tôn giáo mang tính thế giới.
Thành cổ Tuyền Châu có tầng trầm tích văn hóa phong phú, chứa đựng rất nhiều truyền thống tốt đẹp của Dân tộc Trung Hoa và còn là Kiều hương nổi tiếng, hằng năm có rất nhiều bà con Hoa kiều về đây tìm lại cội nguồn. Phong cảnh của Tuyền Châu rất tươi đẹp, núi non đan xen, văn vật cổ tích chằng chịt, là điểm đến tham quan du lịch lý tưởng, mọi người đến tỉnh Phúc Kiến không ai bỏ qua tham qua du lịch Tuyền Châu.
Khu phong cảnh thành cổ Sùng Vũ là một khu du lịch đặc sắc hội tụ giữa phong cảnh biển với cổ vật lịch sử, phong tục tập quán dân tộc và nghệ thuật điêu khắc. Thành cổ Sùng Vũ là một pháo đài hoàn toàn xây bằng đá được bảo tồn khá nguyên vẹn ở Trung Quốc, cũng là một di chỉ tương đối hoàn chỉnh trong lịch sử bảo vệ bờ biển của Trung Quốc, là "đơn vị bảo tồn trọng điểm toàn quốc". Đối với Sùng Vũ mà nói, "Đá" là linh hồn của ngôi thành nhỏ bé này. "Vườn Hội chợ công nghệ điêu khắc đá Trung Hoa" ở phía nam thành cổ là một trong số ít công viên chủ đề với những tác phẩm điêu khắc đá xuất sắc. Khu vườn này rộng 9 ha, cả thảy trưng bày hơn 500 tác phẩm điêu khắc đá với phong cách nghệ thuật khác nhau, kết hợp một cách hài hoà với thành cổ và biển cả.
Chùa Khai Nguyên Tuyền Châu là một chùa chiền lớn nhất trong tỉnh Phúc Kiến, tọa lạc trên diện tích 78000 mét vuông. Với qui mô hùng vĩ, kiến trúc hoành tráng và cảnh sắc tươi đẹp chùa Khai Nguyên từng sánh vai với chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu và chùa Quảng Tế ở Bắc Kinh. Tuy không có danh sơn làm nền nhưng sự thân thiện của đông đảo tín đồ nam thanh nữ tú đã tạo dựng lên một cảnh quan độc đáo của chùa Khai Nguyên Tuyền Châu. Tháp đá ở chùa Khai Nguyên là báu vật kiến trúc bằng đá thời cổ Trung Quốc. Xét từ qui mô, tạo hình và kỹ nghệ xây dựng, có thể nói Tháp đá là vô cùng hoàn hảo, đã thể hiện đầy đủ trí tuệ và tính sáng tạo vĩ đại của nhân dân lao động thời Nhà Tống. Không những có tính tiêu biểu trong các tháp đá ở Trung Quốc mà còn là tháp đá đếm trên đầu ngón tay trên thế giới. Nó không những là biểu tượng của xã hội phồn thịnh hơn bao giờ hết trong thời kỳ đỉnh cao về giao thương trên biển của Tuyền Châu thời trung cổ mà còn là tiêu chí đặc hữu của thành cổ văn hóa lịch sử Tuyền Châu.
Lăng mộ Trịnh Thành Công cách Tuyền Châu 30 km. Ông là người anh hùng dân tộc vĩ đại của Trung Quốc, công lao vĩ đại nhất trong suốt cuộc đời của ông là đã thu hồi Đài Loan, đánh đuổi quân xâm lược Hà Lan và khai phá qui mô đối với Đài Loan. |