Hạ Môn nằm về phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến, là thành phố lớn thứ hai của tỉnh này. Thành phố Hạ Môn gồm đảo Hạ Môn, Đảo Cổ Lãng Dữ, khu vực ven biển phía Bắc sông Cửu Giang và cùng các hòn đảo nhỏ xung quanh, tổng cộng rộng 1516 ki-lô-mét vuông, trong đó đảo Hạ Môn rộng 128,18 ki-lô-mét vuông.
Hạ Môn là một thành phố cảng biển ở miền Đông Nam Trung Quốc, xưa nay được tôn vinh là "Vườn hoa trên biển" và "Viên ngọc trên biển". "Trong thành phố có biển, trên biển có thành phố" là đặc điểm của Hạ Môn, đặc biệt thích hợp những du khách đi theo chương trình tự chọn, để thư giãn tinh thần và thưởng thức kỹ từng cảnh một của địa phương. Cảnh quan của Hạ Môn bao gồm các hòn đảo, đá ngầm, đá nham, cây cỏ hoa lá, chúng phối hợp với nhau và tô điểm cho nhau, bên cạnh đó còn kết hợp hài hòa giữa sắc thái của quê hương Hoa Kiều, tập tục địa phương, ẩm thực vùng biển với phong cách kiến trúc khác nhau, khí hậu nơi đây bốn mùa ấm như xuân, điều này càng tăng thêm sức hấp dẫn cho Hạ Môn. Nơi đây cảnh quan tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, là một trong những thành phố có môi trường đẹp nhất cả nước Trung Quốc.
Cứ nhắc đến Hạ Môn, thì người ta không thể không nói đến Cổ Lãng Dữ, Cổ Lãng Dữ nằm về phía Tây Nam đảo Hạ Môn, vì trên đảo có một hòn đá ngầm, mỗi khi thủy triều dâng lên là sóng biển vỗ vào đá ngầm, phát ra những âm thanh to như tiếng trống, cho nên mọi người đặt tên cho nó là "Cổ Lãng Dữ", Cổ Lãng Dữ chỉ rộng 1,91 ki-lô-mét vuông, là đảo vệ tinh lớn nhất của Hạ Môn, do chịu sự tác động của sóng biển trong biết bao năm qua, đá nham trên đảo đã hình thành rất nhiều cảnh thiên nhiên hài hòa như thung lũng, vách núi, bãi cát, đá ngầm v.v.
Tuy các đường phố của Cổ Lãng Dữ không dài và không rộng lắm, nhưng chằng chịt như mạng nhện, sạch sẽ yên tĩnh, không khí trong lành, trên đảo cây cối xum xuê xanh rờn, hoa tươi rực rỡ, những tòa lầu ngói đỏ xinh xắn rợp bóng cây xanh, trông rất đẹp mắt. Cổ Lãng Dữ là "chiếc nôi của nhạc sĩ", là "hòn đảo Pi-a-nô", Hòn đảo nhỏ Cổ Lãng Dữ cả thảy có 600 chiếc Pi-a-nô, mật độ đàn Pi-a-nô xếp hàng đầu Trung Quốc. Mỗi khi dạo bước trên các đường to ngõ hẻm, thì tiếng đàn Pi-a-nô êm dịu sẽ vang vọng bên tai bạn, tiếng đàn Pi-a-nô du dương, tiếng đàn Ghi-ta nhẹ nhàng và dồn dập, tiếng hát rung động lòng người, cùng với tiếng sóng vỗ của biển, thật là tuyệt vời biết bao. Âm nhạc đã trở thành một cảnh quang kỳ diệu của Cổ Lãng Dữ.
Cổ Lãng Dữ được gọi là "Viện bảo tàng kiến trúc", kiến trúc ở đây muôn mầu muôn vẻ, nào là phong cách Cổ Hy Lạp, nào là phong cách Rô-ma, phong cách I-xlam v.v, đậm đà mầu sắc của chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn.
Chùa Nam Phổ Đà nằm dưới chân núi Ngũ Lão thành phố Hạ Môn, là ngôi chùa cổ kính và nổi tiếng của địa phương, được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc Đời Minh, tức năm 1403-1424, vì chùa này chủ yếu là thờ Quan Thế Âm Bồ Tát , hơn nữa do chùa nằm về phía Nam Núi Phổ Đà Châu Sơn tỉnh Chiết Giang , một trong bốn đạo tràng phật giáo lớn của Trung Quốc, cho nên mang tên là chùa Nam Phổ Đà. Trong chùa có Học viện phật giáo Mẫn Nam thành lập vào năm 1925, ngôi Trường phật giáo sớm nhất Trung Quốc. Trường phật giáo này có ảnh hưởng rộng rãi tại các nơi Trung Quốc và các khu vực Đông Nam Á. Chùa Nam Phổ Đà và Trường Đại học Hạ Môn nằm sát bên nhau, nhưng lại mang hai phong cách khác nhau, được "kết hợp song song những nét mộc mạc với phong cách hiện đại, nhà tu hành trẻ và sinh viên trở thành bà con láng giềng của nhau." |