Ninh Ba gọt tắt là "Dõng", nằm về phía Đông tỉnh Chiết Giang thuộc vùng giao điểm giữa ba dòng sông, là một thành phố du lịch cảng biển, cũng là một trong 14 thành phố cảng ven biển mở cửa đối ngoại của Trung Quốc, được Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn là thành phố văn hóa lịch sử vào năm 1986.
Ninh Ba là một thành phố cổ có lịch sử lâu đời. Ngay từ cách đây 7000 năm, Ninh Ba đã hình thành văn hóa thời kỳ đồ đá mới Hà Mẫu Độ. Ninh Ba được hoạch định về hành chính từ đời Hạ cách đây hơn 2000 năm trước công nguyên, là thuộc địa của Nước Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ninh Ba là một cửa cảng quan trọng về giao thông và thương mại đối ngoại của Trung Quốc, được xếp vào danh sách 1 trong 3 cửa khẩu thương mại lớn của Trung Quốc ngay từ đời Đường và đời Tống, là cảng nhổ neo và cập bến của con đường tơ lụa và con đường gốm sứ trên biển của Trung Quốc. Bộ khung và bố cục thành phố cơ bản của khu trung tâm Ninh Ba được hình thành từ thời Nam Tống.
Tha Sơn Yển
Ninh Ba là một thành phố văn hóa lịch sử nổi tiếng với bề dày hàng nghìn năm, nơi đây có rất nhiều thắng cảnh và di tích, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, công trình thủy lợi cổ xây dựng vào năm 833 công nguyên đời Đường nằm ở phía tây nam thành phố, nay đã trở thành Tha Sơn Yển- một đơn vị bảo tồn văn vật trọng điểm của Trung Quốc, mặc dù trải qua gió, bão, mưa, tuyết và lũ lụt trong hơn 1100 năm, nhưng mãi cho đến nay vẫn bảo tồn hoàn hảo và tiếp tục phát huy tác dụng to lớn.
Đông Tiền Hồ
Phía Đông thành phố Ninh Ba có Đông Tiền Hồ, một hồ nước rộng lớn nhất tỉnh Chiết Giang, gần bằng diện tích của 4 Tây Hồ Hàng Châu, xưa nay được văn nhân mặc khách miêu tả là "Quan cảnh Tây Tử, khí thế Thái Hồ". Quanh hồ Đông Tiền đều là núi, nước hồ trong vắt, sóng gợn lăn tăn, 72 con suối đổ dồn vào Hồ, di tích lịch sử rải rác đó đây. Tại Ninh Ba, du khách có thể tìm hiểu văn hóa khắc đá, văn hóa gốm sứ và văn hóa tôn giáo.
Chùa Bảo Quốc
Chùa Bảo Quốc Ninh Ba khởi công xây dựng vào đời Đông Hán, cách đây khoảng 1000 năm. Chùa Bảo Quốc nổi tiếng về công nghệ kiến trúc tuyệt vời. Chùa Bảo Quốc là kiến trúc phật giáo xây dựng theo kết cấu gỗ cổ kính nhất và được bảo tồn hoàn chỉnh nhất nằm trên phía Nam sông Trường Giang. Ngoài sự kỳ diệu của kiến trúc kết cấu gỗ ra, Chùa Bảo Quốc còn có một thần kỳ khác, đó là người ta không hề thấy chim xây tổ trong góc chùa, chưa hề thấy nhện nhả tơ chăng lưới trên nóc nhà, cũng chưa bao giờ thấy bị sâu mọt và kiến đục. Phân tích nguyên nhân trong đó, có người cho rằng đó là vì trong vật liệu xây dựng Đại điện trong chùa, sử dụng loại gỗ có mùi thơm hăng hắc, nhằm xua đuổi sâu bọ và chim muông, cũng có người cho rằng, chùa Bảo Quốc đã phát huy tác dụng xua đuổi chim muông bằng sự chấn động của sóng âm thanh do kết cấu kiến trúc đặc biệt cũng như sự đối lưu của không khí gây nên.
Lầu tàng thư Thiên Nhất Các
Lầu tàng thư Thiên Nhất Các Ninh Ba là nhà lầu tàng trữ sách tư nhân với lịch sử lâu đời nhất được bảo tồn tại Trung Quốc hiện nay, cũng là một trong ba nhà lầu lớn tàng trữ sách riêng có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới, khởi công xây dựng từ năm 1561-1566 công nguyên tức thời kỳ Nhà Minh. Nếu trình bày theo cách nói hiện nay, thì đó là lầu tàng sách riêng của ông Phạm Khâm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đời Minh Trung Quốc. Trong lầu tổng cộng tàng trữ khoảng 300 nghìn cuốn sách cổ các loại. |